Cơ hội vàng cho giấc mơ tìm con yêu
(PNTĐ) - Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội vừa tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 13 năm thành lập khoa Hỗ trợ sinh sản (2012 – 2025) và Tổng kết chương trình “Tuần Lễ Vàng - Ươm mầm hạnh phúc 2025” với chủ đề “Cơ hội vàng cho giấc mơ tìm con yêu”. Chương trình là cuộc hội ngộ đầy ý nghĩa của hàng trăm cặp vợ chồng từng điều trị thành công tại Bệnh viện, nơi họ không chỉ trở lại để nói lời cảm ơn các bác sĩ, mà còn để truyền cảm hứng cho cộng đồng hiếm muộn bằng chính câu chuyện “tìm con” của mình.
Lan tỏa yêu thương, trao thêm cơ hội chạm tới giấc mơ con yêu!
Điểm nhấn của chương trình là phần tọa đàm chia sẻ về hành trình tìm con của các gia đình hiếm muộn đã thực hiện hỗ trợ sinh sản thành công tại Bệnh viện.

Đại biểu tham dự Lễ Tổng kết Tuần Lễ Vàng - Ươm mầm hạnh phúc 2025.
Đó là chia sẻ của gia đình chị Nguyễn Thị Thắm (1985) và anh Chu Văn Cầu (1984) quê ở Mỹ Đức, Hà Nội hiếm muộn 13 năm ròng rã tìm con. Kết hôn năm 2009, trong hành trình tìm con của mình, vợ chồng anh Cầu chị Thắm đã phải đối mặt với không ít những khó khăn áp lực. Sau hơn 1 năm kết hôn, anh chị bắt đầu tìm đến các thang thuốc Đông y với hy vọng sớm đón tin vui về nhà nhưng ngóng trông mãi, kết quả vợ chồng anh chị nhận được vẫn là chiếc que thử thai 1 vạch.
Đến năm 2011, vợ chồng anh chị quyết định đi thăm khám sức khỏe sinh sản để tìm nguyên nhân. Nhận kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ, anh Cầu không tin vào sự thật, choáng váng khi biết mình “không có tinh trùng" - đồng nghĩa với việc anh bị vô sinh nam. Anh Cầu rơi vào trạng thái suy sụp tâm lý, tự trách bản thân và khuyên vợ nên dừng lại cuộc hôn nhân này để đi tìm một gia đình mới để hạnh phúc trọn vẹn hơn.

Anh Chu Văn Cầu và chị Nguyễn Thị Thắm (Hà Nội) chia sẻ lại về hành trình tìm con.
Cảm nhận được nỗi buồn của chồng, chị Thắm lại càng yêu và thương anh Cầu, chị không đồng ý ly hôn, ngược lại chị luôn ở bên cạnh động viên anh vượt qua khó khăn và chờ "phép màu" xuất hiện, con yêu sẽ về. Ngày qua tháng lại, 7 năm trôi qua với quá nhiều áp lực từ xã hội và từ chính tâm lý bế tắc của anh Cầu, năm 2016 vợ chồng anh chị đành dừng lại cuộc hôn nhân này mặc dù còn rất yêu thương nhau. Sau ly hôn, anh Cầu chị Thắm mỗi người chọn cho mình một cuộc sống riêng và nghĩ rằng mọi thứ đã chấm hết. Thế nhưng, tình yêu vẫn còn, ân tình chưa thể dứt, năm 2019 sau anh Cầu chị Thắm vô tình gặp lại nhau tại Thành phố Hồ Chí Minh và họ đã trở về với nhau, tiếp tục nuôi giấc mơ "con yêu" trong niềm hy vọng mới.
Cũng trong năm đấy, chị Thắm đọc được bài viết về cơ hội sinh con “chính chủ” nhờ phương pháp nam khoa hiện đại tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Một hy vọng mới mở ra, anh chị động viên nhau đến bệnh viện thăm khám. Kết quả thăm khám ngày ấy tại bệnh viện vẫn cho thấy anh Cầu bị vô tinh - không có tinh trùng trong tinh dịch. Tuy nhiên, khác với nỗi tuyệt vọng trước đây, lần này anh được bác sĩ giải thích về việc anh vẫn có thể tìm thấy tinh trùng nhờ phương pháp chọc hút tinh trùng từ mào tinh qua da (PESA), sau đó tinh trùng sẽ được kết hợp với noãn của vợ để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Bác sĩ cũng giải thích, muốn thực hiện IVF, anh Cầu chị Thắm cần có giấy đăng ký kết hôn hợp pháp. Vậy là tia hy vọng đã xuất hiện, thắp sáng niềm tin sau bao nhiêu năm anh Cầu chìm vào nỗi mặc cảm, dằn vặt bản thân vì không thể có khả năng làm cha. Rời bệnh viện, vợ chồng anh chị quay vào miền nam để tiếp tục làm việc và chuẩn bị sức khỏe thật tốt cho hành trình sắp tới. Đại dịch Covid-19 xuất hiện khiến kế hoạch về quê đăng ký kết hôn lại của anh chị phải tạm dừng một thời gian.
Tháng 4/2022, tình hình covid được kiểm soát, hai vợ chồng trở lại quê hương và cùng nhau ký vào giấy đăng ký kết hôn một lần nữa trước sự ngỡ ngàng của người thân. Và rồi, đúng dịp Tuần Lễ Vàng – Ươm mầm hạnh phúc năm 2022 chị Thắm, anh Cầu quay trở lại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội để tiếp tục hành trình tìm con. Sau thăm khám và hoàn thiện hồ sơ, vợ chồng anh chị bước vào quá trình thực hiện IVF với một niềm tin mãnh liệt rằng con yêu sẽ đến. “Chúc mừng anh nhé, anh có rất nhiều tinh trùng”, câu thông báo của bác sĩ sau thủ thuật PESA khiến anh Cầu không thể nào quên. Giây phút ấy chính là thời khắc làm thay đổi cuộc đời người đàn ông với khát khao mong con cả 1 thập kỷ. Những mầm phôi được hình thành từ chính noãn và tinh trùng của vợ chồng chị Thắm anh Cầu đã đưa giấc mơ được làm cha, làm mẹ đến gần hơn bao giờ hết.
Năm 2023, sau 2 lần chuyển phôi vợ chồng anh chị đã chính thức chạm tay đến thiên chức làm cha mẹ, một "thiên thần nhỏ" chào đời, đánh dấu sự kết thúc hành trình 13 năm hiếm muộn mong con của vợ chồng anh chị, mang đến cuộc sống mới – nơi có niềm hạnh phúc vẹn tròn của mái ấm nhỏ, là tiếng cười trẻ thơ và tình yêu, duyên nghĩa vợ chồng.
Bên cạnh câu chuyện tìm con dài hàng thập kỷ của vợ chồng chị Thắm, anh Cầu thì hành trình tìm kiếm những đứa con khỏe mạnh của vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Oanh (1994) và anh Nguyễn Quang Thành (1994) ở Thanh Trì, Hà Nội cũng vô cùng khó khăn bởi ảnh hưởng của bệnh lý di truyền dị sản ống thận. Hay câu chuyện về niềm hạnh phúc mang tên con yêu là hành trình tìm con của gia đình chị Hù Thị Yên (1995) và anh Sân Văn Định (1990) ở Mường Khương – Lào Cai.

Các gia đình lên nhận giải Nhì cuộc thi viết “Hạnh phúc khi được gọi tên con yêu”.
Như chia sẻ của ThS.BS Lê Thị Thu Hiền - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện: “Mỗi gia đình có mặt tại buổi lễ ngày hôm nay đều là một hành trình đặc biệt mà chúng tôi từng đồng hành. Khi nhìn thấy các em bé khỏe mạnh tay trong tay cùng cha mẹ đến với chúng tôi, với ánh mắt lấp lánh niềm tin và sự hạnh phúc, các y bác sĩ như được tiếp thêm động lực trên hành trình phía trước. Với chúng tôi, đây không chỉ là buổi lễ tổng kết hay kỷ niệm một dấu mốc, mà là ngày hội tụ của yêu thương, nơi phép màu đã thành hiện thực. Và tôi tin rằng, chính những câu chuyện hôm nay sẽ tiếp tục thắp lên hy vọng cho những gia đình đang trên hành trình tìm con".
Một hành trình kết nối - Một chặng đường nhân văn
Hành trình tìm con của những gia đình hiếm muộn là vô cùng gian nan, không ít cặp vợ chồng hiếm muộn đã phải tạm dừng quá trình điều trị vì áp lực tài chính cũng như những áp lực tâm lý đè nặng. Từ năm 2015, bệnh viện tổ chức chương trình Tuần Lễ Vàng với mục tiêu mang đến những giá trị ưu đãi thăm khám, những gói hỗ trợ miễn phí, góp phần chia sẻ gánh nặng tài chính cho cộng đồng hiếm muộn nói chung và các gia đình hiếm muộn có thu nhập thấp, hoàn cảnh còn nhiều khó khăn nói riêng.
Đặc biệt, tính đến tháng 4/2025 đã có 67 gia đình được nhận hỗ trợ miễn phí 100% chi phí thực hiện Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) từ chương trình Tuần Lễ Vàng - Ươm mầm hạnh phúc, 68 em bé đã chào đời khỏe mạnh, số còn lại đang mang thai và đang trong quá trình thực hiện hỗ trợ sinh sản.

Các gia đình chụp ảnh kỷ niệm với các bác sĩ trên sân khấu Lễ Tổng kết Tuần Lễ Vàng - Ươm mầm hạnh phúc 2025.
BSCKI Phạm Văn Hưởng - Phó Giám đốc chuyên môn, Trưởng Khoa Hỗ trợ Sinh sản Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội chia sẻ: “Tuần Lễ Vàng - Ươm mầm hạnh phúc không chỉ là một chương trình ưu đãi đơn thuần, mà thông qua đây chúng tôi mong muốn mang đến cơ hội, tiếp thêm niềm tin và hy vọng cho những gia đình đang khát khao con yêu. Và với chúng tôi, lễ tổng kết chương trình Tuần Lễ Vàng 2025 đúng vào dịp kỷ niệm 13 năm thành lập khoa Hỗ trợ sinh sản càng trở nên ý nghĩa hơn, như một dấu mốc nhìn lại chặng đường đã đi qua và tiếp tục khẳng định cam kết không ngừng nỗ lực, nâng cao chất lượng chuyên môn và luôn đồng hành cùng người bệnh bằng sự thấu hiểu và yêu thương”.
Tuần Lễ Vàng - Ươm mầm hạnh phúc 2025 quyết định dành tặng ưu đãi đặc biệt - giảm 50% chi phí thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm IVF (chọc trứng, tạo phôi, nuôi phôi ngày 3) như một lời động viên, chia sẻ và truyền thêm động lực trên hành trình phía trước.

Bệnh viện cũng trao tặng 10 ca miễn phí 100% chi phí thực hiện Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) cho 10 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; 10 ca phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng (Micro TESE) và 20 ca xét nghiệm phôi bệnh lý đơn gene. Tất cả các gói miễn phí được thực hiện qua hình thức xét duyệt hồ sơ. Những ưu đãi thăm khám, những hỗ trợ miễn phí mà Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội triển khai trong những năm qua đã kiến tạo nên một hành trình nhân văn, một cam kết đồng hành dài lâu với cộng đồng vô sinh hiếm muộn đang khát khao hai tiếng “con yêu”.