Lạm dụng thuốc bổ? - SOS!

Chia sẻ

PNTĐ-Dù được quảng cáo mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, nhưng nếu sử dụng vượt quá ngưỡng cho phép thuốc bổ có thể gây phản tác dụng, thậm chí tử vong.

 
Lạm dụng thuốc bổ? - SOS! - ảnh 1
Lạm dụng thuốc bổ là tự gây hại cho cơ thể
 
Rước bệnh vì tự ý dùng thuốc bổ
 
Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ (36 tuổi, ở Nghĩa Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội) trong tình trạng xuất huyết dạ dày, nôn ra máu, khó thở, tím tái, sốc phản vệ… do ngộ độc thuốc tân dược. Qua điều tra dịch tễ ban đầu, bệnh nhân này đã uống vitamin C liều cao và viên vitamin tổng hợp (A, E, D, vi chất…) với mong muốn giữ gìn sắc đẹp, vóc dáng, chữa nám da... BS Nguyễn Trung Nguyên – phụ trách Trung tâm Chống độc phân tích, liều tối đa để một người bổ sung vitamin C là khoảng 500mg/ngày. Bệnh nhân nữ này đã uống tới 1.000mg vitamin C/ngày là quá nhiều, gây nên tình trạng ngộ độc cấp tính rất nguy hiểm.
 
BS Nguyễn Trung Cấp – khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết, cách đây chưa lâu, BV cũng đã cấp cứu cho một trường hợp sốc phản vệ sau khi truyền thuốc bổ. Bệnh nhân nữ T.T.V (25 tuổi, Thanh Hóa), khi thấy người mệt mỏi, chán ăn, da nhăm nheo… đã tự ý mua thuốc bổ dạng truyền và nhờ người đến nhà truyền dịch. Tuy nhiên, chưa truyền hết xong chai dịch thuốc bổ chị V đã bị sốc phản vệ, trụy tim mạch, co giật, vã mồ hôi, méo miệng… Gia đình nhanh chóng đưa đi cấp cứu ở BV Bệnh nhiệt đới T.Ư nhưng bệnh nhân đã rơi vào trạng thái hôn mê và tử vong sau đó 20 phút. Các bác sĩ xác định, nguyên nhân tử vong của bệnh nhân này là do sốc phản vệ trong quá trình truyền thuốc bổ vào cơ thể. Thêm nữa, việc truyền thuốc bổ dạng “cấp tốc” khiến gan phải hoạt động quá sức.
 
Chăm sóc con đang nằm điều trị tại BV Nhi T.Ư, chị Nguyễn Lan Hoa (phố Mai Anh Tuấn, Hoàng Cầu) cho biết, nghe lời mách bảo của hàng xóm, chị đã ra hiệu thuốc mua vitamin D về tự nhỏ cho con (6 tháng tuổi) uống không theo liều lượng. Khoảng một tuần sau, con chị có triệu chứng hay trớ, biếng ăn, mệt mỏi như người ốm nhưng không có triệu chứng sốt, tóc rụng sau gáy hình vành khăn... Đưa con đi khám tại BV Nhi T.Ư, BS chẩn đoán con chị bị ngộ độc vitamin D. TS Đỗ Mạnh Hùng – BV Nhi T.Ư cho biết, ngày càng nhiều trẻ nhỏ thừa vitamin D hoặc ngộ độc vitamin D do cha mẹ bồi bổ quá liều cho con.

Cẩn trọng khi sử dụng thuốc bổ
 
Theo BS Nguyên, trường hợp ngộ độc cấp tính do dùng thuốc bổ hay các loại vitamin không phải là hiếm. Hầu như tháng nào, Trung tâm cũng tiếp nhận và điều trị 5-7 trường hợp bệnh nhân tự ý dùng thuốc tân dược các loại, trong đó, có không ít trường hợp là lạm dụng thuốc bổ dẫn đến tình trạng ngộ độc cấp, cá biệt đã có trường hợp tử vong.     
TS.BSCKII Nguyễn Kim Sơn, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, các loại thuốc bổ, vitamin tổng hợp rất dễ dàng tìm mua tại các nhà thuốc mà không cần theo đơn bác sĩ. Do đó, nhiều người tự ý dùng vì cứ nghĩ thuốc bổ chỉ… bổ mà không có hại. Đa phần mọi người sử dụng là do sự tự cảm nhận của bản thân hoặc qua kinh nghiệm của người thân hoặc sự tư vấn của nhân viên bán thuốc. Tuy nhiên, thuốc bổ (các dạng vitamin) cũng là thuốc tân dược nên ít nhiều đều có độc tính. “Dẫu là thuốc bổ cũng cần uống có chừng mực, chứ không phải thích dùng bao nhiêu thì dùng”.
 
Các chuyên gia y tế cảnh báo, những người lạm dụng thuốc bổ có thể gây ra nhiều bệnh lý khác nhau do thừa vitamin hoặc khoáng chất. Chẳng hạn, vitamin A có tác dụng được hỗ trợ các chức năng thị giác, các mô tế bào cơ thể như da, ruột, phôi thai…, chống lão hoá qua tác dụng chặn các gốc tự do… nhưng  dùng quá nhiều sẽ gây ngộ độc, dẫn đến đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, nghiêm trọng hơn có thể làm sưng gan, đau khớp xương, vàng da.
 
Đặc biệt đối với phụ nữ có thai và trẻ sơ sinh khi dùng quá liều vitamin A, vitamin D lại càng nguy hiểm. Phụ nữ có thai dùng thừa vitamin A có thể gây quái thai. Trẻ sơ sinh thừa vitamin A sẽ bị tăng áp lực sọ não đưa đến lồi thóp, viêm teo dây thần kinh thị giác. Trẻ em thừa vitamin A, D sẽ chán ăn, mệt mỏi, nôn ói, tăng áp lực sọ não, xương hoá sụn sớm. Người uống canxi quá liều sẽ có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, tăng quá trình xơ cứng mạnh máu. Uống liều cao kali bổ sung sẽ gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng như rối loạn nhịp tim và có thể ảnh hưởng tới sự sống.
 
Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến cáo, nếu có ý định sử dụng thuốc bổ, người dân cần tư vấn và chỉ định của bác sĩ. Khi đang dùng thuốc, nếu xảy ra các phản ứng bất thường như ngứa, nổi mề đay, khó thở, hoặc cảm thấy rất khó chịu thì ngừng ngay, đến tái khám ở bác sĩ đã chỉ định thuốc để có xử trí kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc.
 
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, các loại vitamin có thể tìm thấy trong rau quả, thực phẩm hằng ngày, vì thế, có thể không cần bổ sung thuốc bổ hoặc vitamin mà chỉ cần ăn uống một cách hợp lý. Trong chế độ ăn uống hàng ngày, cần chú trọng bảo đảm đầy đủ chế độ dinh dưỡng thiết yếu, cân bằng để duy trì cơ thể luôn khỏe mạnh về thể chất và tinh thần.

Tâm Thanh

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành và tiếp sức cho các đội tuyển Bóng đá Quốc gia Việt Nam

Đồng hành và tiếp sức cho các đội tuyển Bóng đá Quốc gia Việt Nam

(PNTĐ) - Vừa qua, nhân dịp cùng tham gia buổi tập huấn tại Hà Nội của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, các tuyển thủ Đội tuyển Bóng đá Quốc gia Nam, Đội tuyển Bóng đá Quốc gia Nữ và Đội tuyển Quốc gia U22 Nam đã được cổ vũ tinh thần để chuẩn bị cho những giải đấu quan trọng sắp tới trong năm 2025.
Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam lần thứ 4

Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam lần thứ 4

(PNTĐ) - Báo Sức khỏe & Đời sống vừa tổ chức “Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam” lần thứ tư tại TP.Hồ Chí Minh. Chương trình được tổ chức tại Dinh Độc Lập, di tích lịch sử nổi tiếng tọa lạc tại trung tâm Thành phố, đã thu hút sự quan tâm và tham gia của hàng ngàn người dân địa phương và du khách.