Phòng, chữa bệnh ngoài da cho phụ nữ tuổi “tiền mãn”
PNTĐ-Tôi năm nay 48 tuổi, cơ thể đang có nhiều thay đổi. Thời gian gần đây, bỗng dưng tôi bị ngứa dù không có cơ địa dị ứng, cũng không tiếp xúc với môi trường độc hại...
Một số người bạn nói rằng, có thể do tôi đang bước vào giai đoạn “tiền mãn” nên cơ thể thay đổi như vậy? Mong bác sĩ giải thích giúp và hướng dẫn tôi cách điều trị?
Nguyễn Mai (Đống Đa, Hà Nội)
Một số phụ nữ sau khi bước vào thời kỳ “tiền mãn” sẽ gặp phải triệu chứng ngứa như đã nêu trên. Đây là biểu hiện bình thường do da đang thoái hóa, sơ sợi có sức đàn hồi của lớp chân bì co ngắn lại, chất collagen đọng lại, lớp mỡ dưới da trở nên mỏng, da trở nên lỏng lẻo, khô rít, tính đàn hồi thấp, dẫn tới ngứa da.
Với mỗi người mức độ ngứa sẽ khác nhau, thậm chí thay đổi theo mùa. Tuy nhiên, nếu bạn bị ngứa dữ dội và liên tục không dứt có thể dấu hiệu của một vài bệnh lý như: bệnh về huyết dịch, gan thận mạn tính, thấp protein trong máu, có khối u ác tính... Cũng có thể nghĩ xem có phải vì tác dụng của thuốc, hoặc trúng độc thuốc mạn tính, người lao động mệt mỏi và một số thức ăn nào đó sinh ngứa hay không. Ngứa phát sinh nhiều ở âm hộ, ở xung quanh hậu môn có thể là do đường niệu hẹp, bạch đới ra quá nhiều, loét mụn trĩ, trùng roi, giun kim... Có trường hợp còn có thể là do triệu chứng ban đầu của bệnh tiểu đường.
Bởi vậy, tốt nhất bạn nên tới cơ sở y tế uy tín làm các xét nghiệm để loại trừ những nhân tố có khả năng gây bệnh, tránh để tình trạng bệnh nặng thêm. Trong quá trình đó, bạn cần chú ý chăm sóc cơ thể đúng cách, chẳng hạn: không nên tắm quá nhiều, nước tắm không nên nóng quá, tránh gãi nhiều. Đồng thời, bạn cũng nên hạn chế hoặc không ăn các thức ăn có tính kích thích như ớt, hạt tiêu, ít uống bia rượu; thận trọng khi dùng xà bông tắm; luôn đảm bảo ngủ đủ...
BS Ngô Quang Thái