Thịt tái, nem chua, tiết canh: Trước là khoái khẩu, sau là thiệt thân

Chia sẻ

PNTĐ-Thịt tái, nem chua, tiết canh – những món khoái khẩu này đang trở thành môi trường trung chuyển để đưa các loại sán, ấu trùng nguy hiểm vào cơ thể, để lại những hậu quả khôn lường.

 
Càng tươi sống càng nhiều ấu trùng giun, sán
 
Bệnh nhân P.T.L – 32 tuổi được chuyển từ Bắc Giang lên Viện Sốt rét và ký sinh trùng Trung ương trong tình trạng hết sức nguy kịch. Hai mắt của bệnh nhân này sưng to bất thường, ngứa dữ dội, nhỏ thuốc mắt không thấy đỡ, ở rìa mắt nổi lên một cục u, lúc to, lúc nhỏ. Qua thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán là bị nhiễm u sán ở kết mạc vùng hốc mắt, các bác sĩ tại Viện phải phẫu thuật mới lấy được sán ra. Nguyên nhân gây nên hiện tượng này theo kết luận là do bệnh nhân ăn tiết canh lợn.
 
Thịt tái, nem chua, tiết canh: Trước là khoái khẩu, sau là thiệt thân - ảnh 1
Chỉ nên sử dụng thịt đảm bảo vệ sinh và nấu chín
 
Cùng với tiết canh, nem chua là món ăn khoái khẩu của nhiều người và được xem như món khai vị trong nhiều mâm cỗ. Thế nhưng, đây cũng là nguyên nhân khiến 26 người nhiễm giun xoắn, 4 người tử vong tại huyện Mù Cang Chải, Nghĩa Lộ (Yên Bái) sau khi ăn nem chua được làm từ thịt lợn có ấu trùng giun xoắn. Đây được coi là một trong những vụ nhiễm giun xoắn quy mô lớn đầu tiên tại VN. Mẫu thịt lợn được làm nem trong vụ dịch này đã được mang đi xét nghiệm và kết quả là trong 1 gram thịt lợn chứa tới 879 ấu trùng giun xoắn.
 
Trường hợp đáng tiếc như trên tiếp tục xảy ra ngay sau đó mà nguyên nhân chính gây bệnh vẫn là từ cái… miệng. Cũng qua hàng loạt các trường hợp cấp cứu nhiễm giun xoắn GS.TS Nguyễn Văn Đề - Trưởng bộ môn Ký sinh trùng, Trường Đại học Y HN cảnh báo, lâu nay người tiêu dùng tin tưởng sản phẩm “nhà trồng được” nhưng trên thực tế, lợn thả rông ngoài rừng, vườn không hẳn đã đảm bảo an toàn vệ sinh, trái lại đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ dịch bệnh, đặc biệt cần cẩn trọng với lợn cỏ, lợn mán… là những động vật được nuôi thả rông, dễ nhiễm ấu trùng giun từ môi trường và truyền sang người.
 
Ngoài lợn, trong danh sách các loại thịt chứa nhiều ấu trùng sán dây, khả năng gây bệnh cũng nguy hiểm như sán và giun xoắn còn có thịt bò, thịt trâu. Đặc biệt, không chỉ các món sống như tiết canh, nem chua, nem thính (lạp)… mới ủ sán và giun xoắn mà ngay cả các món tái cũng chứa rất nhiều mầm bệnh. “Nhiều người vẫn nghĩ rằng, thịt sống nhúng qua nồi nước đang sôi sùng sục hoặc chần gần chín rồi sẽ loại bỏ được hết các tác nhân gây bệnh nhưng thực tế thì không hẳn như vậy. Nguy cơ gây bệnh của thịt tái và thịt sống là gần như nhau vì khi chưa bị tiêu diệt hoàn toàn ở nhiệt độ cho phép – 100 độ C, ấu trùng sán và giun xoắn vẫn tồn tại và phát triển rất mạnh khi xâm nhập vào cơ thể người”.
 
Tránh xa các món tái, sống
 
Không giống như các loại bệnh khác, các ca bệnh do mắc sán, giun xoắn… không có mùa mà xuất hiện rải rác tất cả các tháng trong năm. Bệnh có thể lây nhiễm qua một số nguồn khác nhưng chủ yếu vẫn là từ… miệng. GS.TS. Nguyễn Văn Đề cho biết, khi ăn phải thịt bị nhiễm ấu trùng giun xoắn chưa được nấu chín, ấu trùng giun xoắn được giải phóng khỏi kén tại dạ dày, sau 1-2 giờ sẽ di chuyển tới ruột non.
 
Tại đây sau 24 giờ, ấu trùng phát triển thành giun trưởng thành và xâm nhập vào niêm mạc ruột. Vào ngày thứ 4-5 và kéo dài từ 10-30 ngày, giun cái đẻ ấu trùng trong các bạch mạch. Ấu trùng theo hệ bạch mạch tới tim phải, phổi rồi tới tim trái và tới cơ vân, cơ hoành, lưỡi... phát triển thành kén và có khả năng gây nhiễm. Khi nhiễm giun xoắn, bệnh nhân thường có sốt cao, nôn, rối loạn tiêu hóa, đau cơ, phù mặt nhất là ở hai mi mắt... Nặng có thể xảy ra một số biến chứng vào tuần thứ 3 - 4 như viêm cơ, viêm phổi, viêm não làm bệnh nhân có thể tử vong.
 
Tùy theo mức độ nhiễm, tỷ lệ tử vong khoảng 6 - 30%, có trường hợp tử vong trong vòng 1 - 2 tuần. Bệnh nhân được điều trị qua khỏi vẫn còn thấy đau các cơ và bứt rứt trong nhiều tháng sau đó.
 
Biện pháp phòng ngừa tốt nhất, theo BS Nguyễn Trung Cấp - khoa Điều trị tích cực, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cần phải từ bỏ ngay thói quen, sở thích ăn tiết canh, ăn đồ tái chưa nấu kỹ; trước khi sử dụng cần vệ sinh sạch sẽ miếng thịt; sử dụng thịt có nguồn gốc xuất xứ, nấu kỹ và ăn chín.
 
Trong trường hợp ăn phải thịt động vật nấu chưa chín mà thấy xuất hiện các triệu chứng như tiêu chảy, kèm theo nôn, có khi chỉ có cảm giác buồn nôn, đau các cơ như cơ lưỡi, cơ vận nhãn, cơ ngực… cần đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời.
 
Tố Như

Tin cùng chuyên mục

Khi lợi thế của chồng trở thành rào cản hạnh phúc chăn gối trong hôn nhân

Khi lợi thế của chồng trở thành rào cản hạnh phúc chăn gối trong hôn nhân

(PNTĐ) - Chuyện phòng the tưởng chừng riêng tư lại có thể ẩn chứa những vấn đề y khoa ít ai ngờ tới. Mới đây, Trung tâm Y học Giới tính Hà Nội (Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) đã tiếp nhận một ca đặc biệt, khi lợi thế của người chồng lại vô tình trở thành nguyên nhân khiến người vợ gặp khó khăn trong đời sống tình dục.
Đồng hành và tiếp sức cho các đội tuyển Bóng đá Quốc gia Việt Nam

Đồng hành và tiếp sức cho các đội tuyển Bóng đá Quốc gia Việt Nam

(PNTĐ) - Vừa qua, nhân dịp cùng tham gia buổi tập huấn tại Hà Nội của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, các tuyển thủ Đội tuyển Bóng đá Quốc gia Nam, Đội tuyển Bóng đá Quốc gia Nữ và Đội tuyển Quốc gia U22 Nam đã được cổ vũ tinh thần để chuẩn bị cho những giải đấu quan trọng sắp tới trong năm 2025.
Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam lần thứ 4

Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam lần thứ 4

(PNTĐ) - Báo Sức khỏe & Đời sống vừa tổ chức “Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam” lần thứ tư tại TP.Hồ Chí Minh. Chương trình được tổ chức tại Dinh Độc Lập, di tích lịch sử nổi tiếng tọa lạc tại trung tâm Thành phố, đã thu hút sự quan tâm và tham gia của hàng ngàn người dân địa phương và du khách.