Đến ở nhà vợ mới là con rể tốt?

TÂM GIAO
Chia sẻ

(PNTĐ) -Phải chăng thời nay thanh niên lấy vợ không muốn “ở rể”, giống như các cô gái lấy chồng không muốn “làm dâu” vậy? Làm thế nào để chúng tôi kén được chàng rể tốt như mong muốn?..

Đến ở nhà vợ mới là con rể tốt? - ảnh 1
Ảnh minh họa

Chúng tôi có một con gái duy nhất nên mong muốn sau này con lấy chồng ở rể. Vợ chồng tôi quan niệm chỉ có chàng trai nào chấp nhận sống cùng nhà với bố mẹ vợ thì mới thật sự yêu quý nhà vợ, xứng đáng là con rể tốt, hiếu thuận. Đây cũng là người chồng hết lòng yêu thương vợ, cùng vợ gánh vác công việc nhà ngoại sau này. 

Vì vậy, khi con gái bước vào tuổi yêu đương, chúng tôi đưa ra tiêu chí “con rể tốt” là người sau khi kết hôn sẽ đến ở rể. Do đó, chúng tôi không đồng ý để con yêu đương với người có tư tưởng sống riêng sau khi kết hôn. Đến nay, con gái tôi sắp bước vào tuổi 30 nhưng vẫn chưa chọn được con rể tốt theo tiêu chí trên. Điều này khiến vợ chồng tôi rất buồn. Phải chăng thời nay thanh niên lấy vợ không muốn “ở rể”, giống như các cô gái lấy chồng không muốn “làm dâu” vậy? Làm thế nào để chúng tôi kén được chàng rể tốt như mong muốn?

Nguyễn Thị Thiện(Cầu Giấy, Hà Nội)

Có lẽ do tâm lý sinh con một, lại là con gái nên vợ chồng bác mong muốn con lấy chồng ở rể để sau này có chỗ nương tựa. Do đó, hai bác mặc định tiêu chí “rể tốt” là người chấp nhận đến sống cùng gia đình vợ sau khi kết hôn. Đây là quan niệm không đúng, vì không phải cứ sống cùng nhà vợ mới là “rể tốt”, còn lấy vợ ra ở riêng thì là “rể xấu”. Để đánh giá được mức độ “tốt, xấu” của con rể, vợ chồng bác cần dựa vào tính cách, ứng xử, đối đãi với hai bác trong cuộc sống hàng ngày. Nếu là con rể tốt, tôn trọng, yêu thương bố mẹ theo đúng phương châm “tứ thân phụ mẫu” thì dù sống chung trong một nhà hay sống ở bên ngoài thì anh ta cũng sẽ quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ vợ chu đáo. Ngược lại, nếu là con rể xấu thì dù sống ngay bên cạnh cũng sẽ đối đãi, cư xử với bố mẹ vợ không ra gì. 

Ngoài ra, việc sống chung cũng không hẳn sẽ đảm bảo hai bác có được con rể tốt. Đôi khi những va chạm khi sống chung do bất đồng quan điểm sống giữa hai thế hệ lại khiến bố mẹ vợ và con rể nảy sinh mâu thuẫn, ảnh hưởng đến tình cảm. Nhưng sống riêng bên ngoài, hai bên tránh được va chạm lại thấy yêu quý nhau hơn. Dân gian chẳng phải có câu “xa thương, gần thường” đấy thôi. 

Một điều nữa Tâm Giao cần nói với hai bác là con rể tốt hay xấu còn phụ thuộc vào cách sống, ứng xử làm gương của bố mẹ vợ, chứ không phải một chiều từ con rể. Nếu bố mẹ tôn trọng con rể, yêu thương giống như con trai của mình thì ắt sẽ có rể hiền hiếu thảo. Bởi chẳng có một chàng rể nào nỡ đối xử tệ với bố mẹ vợ khi họ hết lòng yêu thương mình, luôn sống đức độ, phát huy vai trò “cây cao bóng cả” làm gương cho con cháu trong nhà. Ngược lại, nếu bố mẹ vợ sống không làm gương, có những hành vi ứng xử coi thường con rể, thì cũng không thể nào hiện thực hóa được mong muốn có rể tốt của mình.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Làm vợ kiểu... Mèo

Làm vợ kiểu... Mèo

(PNTĐ) - Nhiều người nói vợ phải Cáo thì mới trị được chồng, phải Hổ Báo để chồng biết sợ, đừng làm Trâu, Ngựa và Mèo chỉ dành cho những cô bồ. Ô hay, tại sao Mèo chỉ dành cho những cô bồ? Tại sao vợ lại chỉ chết vai Hổ mà không thể làm Mèo?
Về già nhờ con, sao khó thế?

Về già nhờ con, sao khó thế?

(PNTĐ) - Đắn đo mãi, bà mới dám gọi điện cho con gái. Biết là giờ này con đang ở cơ quan nhưng, việc chẳng đừng được. Ngày mai thứ 7 rồi, bệnh viện nghỉ nên chỉ còn hôm nay để bà đi khám bệnh.