Gia đình là pháo đài để mỗi người trú ẩn trong cuộc đời

Chia sẻ

Năm nay em 29 tuổi, còn anh trai bước sang tuổi 35. Chúng em đều được bố mẹ cho đi du học từ sớm nên ảnh hưởng văn hóa, lối sống phương Tây khá nhiều.

Học xong trở về nước làm việc, em và anh trai đều thành đạt trong sự nghiệp, mỗi người đều mua được nhà sống tự lập. Do áp lực công việc cao, cộng thêm việc chứng kiến cuộc sống hôn nhân mệt mỏi, gia đình đổ vỡ của đồng nghiệp, bạn bè xung quanh, em và anh trai đều không muốn lập gia đình.

Gia đình hạnh phúc là xã hộiGia đình chính là tổ ấm hạnh phúc của mỗi con người. (Ảnh: Int.)

Cả hai cùng có quan niệm, thời hiện đại thích hợp với xu hướng sống độc thân hơn là ràng buộc trong mối quan hệ hôn nhân. Với em, là phụ nữ, có thể tự do phấn đấu nghề nghiệp mà không bị người đàn ông sống bên cạnh cản trở, cũng không phải mệt mỏi sống vì chồng, phục vụ, chiều chuộng mọi sở thích của anh ta. Ngược lại, đàn ông cũng sẽ thoát được gánh nặng trụ cột gia đình vốn dĩ đè nặng lên vai. Khi sống độc thân, mỗi người sẽ không phải chịu áp lực trong vấn đề sinh con, nuôi dạy chúng trưởng thành, sự phiền toái nhọc nhằn trong vai trò làm dâu, làm rể.

Tuy nhiên, gia đình em lại phản đối suy nghĩ cũng như cách sống của hai anh em. Bố mẹ em vẫn luôn ép con cái phải lập gia đình và tuân theo quy luật "trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng". Em muốn hỏi Tâm Giao, tại sao cuộc đời của mình lại không thể sống cho bản thân mà phải cứ sống theo “quy luật”?

Lethuhuyen07@gmail.com

Con người ta từ lúc sinh ra cho đến khi rời cõi tạm đều trong vòng tay của gia đình. Nơi chào đón ta chào đời đến với cuộc sống này chính là gia đình. Nơi che chở, bảo vệ ta mỗi lúc đau khổ, vấp ngã cũng chính là gia đình. Và nơi để ta chia sẻ mọi niềm vui, thành công trong cuộc sống cũng chính là gia đình. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà nhân loại cho rằng gia đình là pháo đài mà ai cũng cần để trú ẩn trong cuộc đời.

Bạn và anh trai đi du học từ sớm, ảnh hưởng bởi lối sống tự do độc lập của văn hóa phương Tây. Tuy nhiên, nếu các bạn quan sát kỹ sẽ thấy, lối sống tự do, độc lập ấy không có nghĩa là xã hội phương Tây không ủng hộ, hay không cần cuộc sống gia đình. Dù giới trẻ đang có xu hướng kết hôn muộn, hay sợ kết hôn, nhưng chỉ là ở một bộ phận, còn lại xã hội phương Tây vẫn coi trọng cuộc sống gia đình. Chỉ có điều, mô hình gia đình thay đổi theo hướng hạt nhân hóa để phù hợp với lối sống tự do cá nhân mà thôi.

Với xã hội phương Đông nói chung và xã hội Việt Nam nói riêng, gia đình rất được coi trọng. Bởi nó là nơi mỗi con người sinh ra và lớn lên, được che chở, được đùm bọc, bảo vệ cho đến cuối đời. Gia đình cũng là trường học đầu tiên của mỗi người, trong đó ông bà, cha mẹ là những người thầy của con cái, dạy dỗ nết ăn, nết ở, định hướng cuộc sống... Dù vui hay buồn, gia đình vẫn là nơi mỗi người nghĩ đến đầu tiên để được chia sẻ, được yêu thương, và được bảo vệ nhau. Không có nơi nào có thể bao dung, độ lượng với chúng ta như gia đình. Nếu ta vấp ngã, sai lầm, thay vì bị xã hội chỉ trích, kỳ thị thì gia đình lại dang rộng vòng tay đón ta trở về, tha thứ, chở che. Để gia đình tồn tại và phát triển, mỗi một thành viên đều có trách nhiệm xây dựng nó, biến nó thành tổ ấm bình an. Trách nhiệm đó có thể khó khăn, vất vả nhưng đằng sau đó là hạnh phúc, ấm êm.

Do đó, quan niệm của bạn và anh trai là phiến diện, ích kỷ, cá nhân một chiều. Các bạn đang thuận lợi trong công việc, cuộc sống là nhờ bệ đỡ từ đầu của gia đình, chứ không hẳn hoàn toàn do các bạn một tay gây dựng nên. Vì vậy, bên cạnh cái nhìn tiêu cực về gia đình, các bạn hãy nhìn vào những mặt tích cực của nó, thì mới thấy được ai cũng cần phải có một gia đình hạnh phúc. Đó cũng là mục đích hướng đến cuối cùng của mỗi người.

TÂM GIAO

 

Tin cùng chuyên mục

Về già nhờ con, sao khó thế?

Về già nhờ con, sao khó thế?

(PNTĐ) - Đắn đo mãi, bà mới dám gọi điện cho con gái. Biết là giờ này con đang ở cơ quan nhưng, việc chẳng đừng được. Ngày mai thứ 7 rồi, bệnh viện nghỉ nên chỉ còn hôm nay để bà đi khám bệnh.
Có nhiều cách để ta yêu đời

Có nhiều cách để ta yêu đời

(PNTĐ) - Một cặp vợ chồng hay xảy ra mâu thuẫn, người vợ tâm sự với Tâm Giao: “Chồng em chán lắm, không tâm lý, vô tâm, khô như ngói”. Nhưng khi Tâm Giao hỏi chuyện, người chồng lại than thở: “Vợ tôi có để chồng con chăm sóc mình đâu mà trách cứ”.