Tâm Giao trò chuyện:

Làm thế nào để chồng trưởng thành hơn?

TÂM GIAO
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chồng em năm nay đã ngoài 30 tuổi nhưng “không chịu lớn”. Anh ấy vẫn giữ thói quen “rúc nách mẹ” như hồi còn độc thân. Việc gì vợ không làm cho là anh ý gọi mẹ giúp. Vì quen được bao bọc nên anh ý rất vụng về, em nhờ việc gì cũng lóng ngóng rồi còn làm hỏng. Kết hôn 4 năm rồi, nhiều lúc em thấy nản vì chẳng nhờ được chồng.

Chồng em năm nay đã ngoài 30 tuổi nhưng “không chịu lớn”. Anh ấy vẫn giữ thói quen “rúc nách mẹ” như hồi còn độc thân. Việc gì vợ không làm cho là anh ý gọi mẹ giúp. Vì quen được bao bọc nên anh ý rất vụng về, em nhờ việc gì cũng lóng ngóng rồi còn làm hỏng. Kết hôn 4 năm rồi, nhiều lúc em thấy nản vì chẳng nhờ được chồng. Trong khi đó, em thấy nhiều ông chồng khác không những giỏi kiếm tiền mà còn đảm đang, tháo vát, là chỗ dựa mọi mặt cho vợ con. Theo Tâm Giao, em nên làm thế nào để chồng mình trưởng thành như những người đàn ông làm trụ cột gia đình khác?

Nguyễn Thị Thúy (Hà Đông, Hà Nội)

Trước hết, Tâm Giao xin chia sẻ nỗi niềm của bạn và cũng “bật mí” không phải chỉ mỗi mình chồng bạn “không chịu lớn” đâu. Văn phòng Tâm Giao của báo Phụ nữ Thủ đô cũng đã tiếp nhận nhiều câu chuyện tương tự, đến nỗi, các bà vợ còn tưởng mình như là “chị”, là “mẹ” của chồng” vậy. Có chị kể, nếu chị bận không là quần áo cho thì chồng chị sẽ… đi tìm mẹ làm giúp. Có anh chồng mệt cũng chẳng biết tự đi khám, mua thuốc mà đợi… mẹ mang thuốc đến tận nơi. Vợ về nhà ngoại chơi mấy hôm, chồng ở nhà cứ sõng soài đợi ăn cơm mẹ nấu, ăn xong có mẹ rửa bát, ngủ dậy đã có mẹ gập chăn gối, đi tắm có mẹ bật bình nước nóng. 

Tâm Giao thấy, các anh như vậy một phần cũng do từ bé chí lớn luôn được các bà mẹ chăm chút, lo lắng từng miếng ăn, giấc ngủ. Ngay cả khi các anh đã lập gia đình, làm bố trẻ con rồi mà trong mắt các mẹ, con trai mình vẫn còn nhỏ, chưa thể bước ra khỏi vòng tay của mình. Các anh cứ thể ỷ lại vào mẹ, sau này là vợ nên cũng chẳng cần “lớn lên” làm gì.
Tâm Giao nghĩ, bạn đã lấy chồng rồi thì trước tiên phải chấp nhận cả nhược điểm của chồng và tìm cách hỗ trợ, điều chỉnh anh ấy dần dần. Bạn đừng so sánh chồng mình với chồng khác, lúc nào cũng thấy chồng người tài giỏi, đảm đang thì sẽ thấy chán chồng mình. 

Về “lộ trình” cải tạo chồng, Tâm Giao nghĩ bạn hãy khéo léo khơi dậy “bản năng tự lập của chồng”, từng chút một kéo chồng tham gia vào các công việc nhà. Chồng bạn, cũng có ưu điểm là không gia trưởng, sẵn sàng hỗ trợ khi vợ nhờ, tuy còn lóng ngóng. Bạn cũng có thể tạo cơ hội để anh ý “thể hiện mình”, ví dụ như hỏi ý kiến của anh ấy, cùng anh ấy thảo luận, bàn bạc về một số việc nào đó trong gia đình. Bạn nên nhìn vào mặt tốt của anh ấy, đừng chỉ nhăm nhăm chê anh ý vụng về hay còn trẻ con sẽ khiến chồng bạn nản. Có những việc bạn hãy áp sát để chồng giải quyết luôn thay vì để mặc cho anh ấy tìm kiếm sự trợ giúp từ mẹ. Dần dà từng chút một, từ lúc còn vụng, sau này anh ấy sẽ thành thạo dần.
Tâm Giao không biết hai bạn đã có con chưa? Nếu đã có con thì sau này khi dạy dỗ các con, bạn cũng nên để các cháu tự lập, hạn chế bao bọc con quá mức. Tâm Giao thấy có nhiều chị em phàn nàn chồng được mẹ chăm chút nhưng rồi lại quay sang chăm con, làm hết mọi việc cho con hệt như vậy. 

Tâm Giao chúc chồng bạn sẽ nhanh chóng trưởng thành hơn và làm chỗ dựa vững chắc cho vợ con. Tâm Giao

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Về già nhờ con, sao khó thế?

Về già nhờ con, sao khó thế?

(PNTĐ) - Đắn đo mãi, bà mới dám gọi điện cho con gái. Biết là giờ này con đang ở cơ quan nhưng, việc chẳng đừng được. Ngày mai thứ 7 rồi, bệnh viện nghỉ nên chỉ còn hôm nay để bà đi khám bệnh.
Có nhiều cách để ta yêu đời

Có nhiều cách để ta yêu đời

(PNTĐ) - Một cặp vợ chồng hay xảy ra mâu thuẫn, người vợ tâm sự với Tâm Giao: “Chồng em chán lắm, không tâm lý, vô tâm, khô như ngói”. Nhưng khi Tâm Giao hỏi chuyện, người chồng lại than thở: “Vợ tôi có để chồng con chăm sóc mình đâu mà trách cứ”.