Về già nhờ con, sao khó thế?

Tâm Giao
Chia sẻ

(PNTĐ) - Đắn đo mãi, bà mới dám gọi điện cho con gái. Biết là giờ này con đang ở cơ quan nhưng, việc chẳng đừng được. Ngày mai thứ 7 rồi, bệnh viện nghỉ nên chỉ còn hôm nay để bà đi khám bệnh.

Về già nhờ con, sao khó thế? - ảnh 1
Ảnh minh hoạ

1 Điện thoại reo mấy hồi, con gái bà nhấc máy.

- Con à, biết là phiền nhưng mẹ có việc này muốn con giúp mẹ được không?

Lẽ thường là mẹ, bà có thể sai con làm việc này, việc kia cho mình chứ không phải bóng gió gần xa, đón ý như với người ngoài như thế. Nhưng, biết tính con gái nên bà làm vậy để giảm nhẹ cơn khó chịu của con với mình. Ở tuổi này rồi, chân chậm mắt mờ, bà thấy mình đang dần bước vào giai đoạn phải sống phụ thuộc vào con cháu.

Vậy nhưng sự thận trọng của bà cũng chẳng đủ để con gái mở lòng. Nó cáu kỉnh giục mẹ:

- Có việc gì thì mẹ nói nhanh lên. Con đang bận lắm.

Bà luống cuống: 

- À thì mấy hôm nay mẹ thấy trong người khó chịu, đặc biệt là hai chân đau nhức, đi lại khó khăn. Con xem có bố trí đưa mẹ đi khám lấy thuốc được không?

- Ôi dào con tưởng chuyện gì. Mẹ bao nhiêu tuổi rồi mà còn đòi khỏe như thanh niên. Con thấy mẹ vậy là hơn khối ông bà trong xóm mình rồi. Thôi bà cứ yên tâm, bà còn sống được đến ngoài 100 tuổi, không phải khám xét gì hết...

Con gái đã chẳng thông cảm, lại còn nói kiểu đùa cợt bà  “ham sống sợ chết” hay là mắc bệnh tưởng. Nhưng nó đâu ở cùng nhà để biết mấy hôm nay bà đau đớn, mệt mỏi thế nào. Bà còn chẳng thiết ăn uống gì mà chỉ nằm bẹp trên giường.

Bà chua xót nhớ lại ngày trước, một mình bà nuôi cả đàn con. Cô con gái út này của bà ốm yếu nhất nên cũng khiến bà mất nhiều công sức chăm bẵm, bế bồng. Nhớ lần bà đang đi làm thì lớp nhà trẻ báo con bị sốt cao. Bà sốt ruột phóng xe đạp về, đi nửa đường bị vấp đá ngã trầy cả đầu gối. Bà chẳng thấy đau mà vẫn tiếp tục đạp xe phăng phăng về thăm con. 

Năm tháng qua đi, các con bà đều đã trưởng thành, vùng vẫy với những ước mơ lớn. Đồng nghĩa với việc chúng bắt đầu thấy mẹ và những mối quan tâm của mẹ trở nên tẹp nhẹp, tầm phào. Bà than mệt thì chúng gạt đi, cho là bà chưa chết ngay đâu nên để từ từ khám sau cũng được. Lâu lâu bà muốn đến chơi với mấy bà bạn già thì cũng chẳng đứa nào rảnh rang đưa mẹ đi mà còn cho rằng “mấy bà già lẩm cẩm, gặp cũng được, không gặp cũng chẳng chết ai”. (Chúng không muốn hiểu người già cũng cần được giao lưu và có mối quan tâm của người già, nếu cứ suốt ngày ru rú ở nhà chắc sẽ trầm cảm mất). Cái điện thoại bị mất mạng, cái tivi điện không vào... bà gọi năm lần bảy lượt con mới về xem cho, mà vừa giúp mẹ vừa cáu kỉnh, trách bà lạc hậu, mấy cái lỗi bé tý thế cũng phải phiền đến con cháu. 

2 Có lẽ, nỗi niềm của người mẹ trong câu chuyện mà Tâm Giao vừa chia sẻ không phải cá biệt, nhất là trong xã hội hiện đại. Những bà mẹ tâm sự: Để phê phán con bất hiếu, bạo hành, bỏ rơi bố mẹ thì chưa. Nhưng thiếu quan tâm, chia sẻ với bố mẹ thì quả là có. 

“Lâu lắm rồi, tôi chưa có cuộc nói chuyện nào với con qua điện thoại một cách tử tế. Chẳng hiểu nó bận nỗi gì mà cứ trả lời mẹ là gắt gỏng, còn hỏi mẹ có việc gì mà suốt ngày gọi? Ấy thế nhưng, tôi biết, trong lúc đó, nó có thể vẫn đang vừa chat chit với bạn, hay là lướt web, xem facebook, xem phim... Không lẽ, không có việc gì thì mẹ không được gọi cho con? Mà có việc muốn gọi cho con cũng khó vậy?”.

“Tôi đã biết thân phận nên cố gắng độc lập tự chủ, hạn chế tối đa việc nhờ vả, làm phiền con cháu. Nhưng, cũng có lúc phải nhờ. Chẳng nói đâu xa, hôm rồi, tôi nhờ con xâu chỉ vào lỗ kim để tôi tự vá lấy cái áo thôi mà nó cũng mắng tôi lắm chuyện, phiền hà. Áo rách rồi thì bỏ đi mua cái mới”.

Cũng với tâm trạng ấy, nhiều bà mẹ lo lắng sau này mình chân chậm mắt mờ hẳn thì con sẽ đối đãi thế nào. Đến với CLB Tâm Giao hôm ấy, bà mẹ 75 tuổi kể: Bà có một cậu con trai là bác sĩ. Ngày trước, cũng vì muốn cho con những gì tốt nhất trong khi nhà lại nghèo, bà đành dứt áo đi xuất khẩu lao động ở Đông Đức (cũ). Gần 6 năm trời, bà chỉ biết vùi mình trong nhà máy sản xuất thực phẩm, kiếm đủ tiền lại đổi ra xe máy, lật đật... để gửi về nước cho chồng bán. Nhờ vậy mà sau này, ông bà nuôi được con thành tiến sĩ. Về già, lương hưu không có, bà chẳng giữ được chút của riêng nào trong tay. Có cái nhà bà cũng cho con trai đứng tên để con yên tâm lập gia đình. Bà chỉ nghĩ là nước mắt chảy xuôi, tiền của mẹ cho con hết cũng là lẽ thường. 

Song bây giờ thì bà lại thấy mình thiếu tỉnh táo. Các con nghiễm nhiên coi tiền của mẹ là của mình nhưng lại chưa từng coi tiền của mình cũng có một phần công sức của mẹ. Bà lúc nào cũng ở trong trạng thái mặc cảm như thể mình là người ăn nhờ, ở đậu các con. Mỗi lần bưng bát cơm lên, thấy vợ chồng nó than thóc cao, gạo kém, hay là mắng con cái chả được việc gì là bà lại có cảm giác chúng... đang nói mình. Bà có nguyện vọng lớn là được vào miền Nam một lần để thăm anh trai hiện già yếu bệnh tật nhưng các con sẵng giọng bảo: “Bà có biết đi một chuyến như vậy tốn kém thế nào không? Bà già rồi, không giúp được gì cho con cháu thì cứ ở yên trong nhà cho con cháu nhờ”. Thế là bà đành chịu vì làm gì có tiền trong tay. 

Hè năm ngoái, khi vợ chồng các con đưa nhau đi nghỉ mát hết, còn một mình, bà liền nhờ cô bán rau đi chợ giúp cho. Vào nhà bà, cô chợt thốt lên: “Sao bà già rồi mà các con vẫn để mẹ phải ở tầng cao vậy. Cháu thấy bà đi hơi run rồi, lẽ ra các con nên thu xếp cho bà ở dưới tầng 1”. Tự nhiên lúc đó bà chỉ muốn khóc vì tủi thân. Người ngoài còn nói ra được câu đó trong khi các con bà chỉ nghĩ nếu cải tạo tầng 1 thành nơi ở cho mẹ thì lại tốn kém một khoản nên thôi.

“Về già nhờ con sao khó thế”- là câu bà buồn bã chia sẻ với Tâm Giao trước khi ra về. 

Vẫn biết là nước mắt chảy xuôi, cha mẹ chăm con không phải để đợi tới ngày con báo hiếu. Là cha mẹ, chẳng mấy ai muốn phiền hà để các con được tự do bay nhảy, lo lắng cho cuộc sống riêng. Kể cả các con có đối đãi thế nào, người làm bố, mẹ vẫn sẽ hết lòng yêu thương con và chịu đựng nỗi phiền muộn con gây ra cho mình. 

Tất nhiên, không phải con nào cũng vô tâm với cha mẹ nhưng cũng không phải con nào cũng đã cư xử đầy đặn với cha mẹ mình. Ai rồi cũng sẽ phải già đi. Những đứa con hôm nay sẽ lại thành bố mẹ mình trong tương lai... Đừng để đợi tới lúc hiểu được tâm trạng của bố mẹ rồi thì mới ân hận, giá như...

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Làm vợ kiểu... Mèo

Làm vợ kiểu... Mèo

(PNTĐ) - Nhiều người nói vợ phải Cáo thì mới trị được chồng, phải Hổ Báo để chồng biết sợ, đừng làm Trâu, Ngựa và Mèo chỉ dành cho những cô bồ. Ô hay, tại sao Mèo chỉ dành cho những cô bồ? Tại sao vợ lại chỉ chết vai Hổ mà không thể làm Mèo?
Có nhiều cách để ta yêu đời

Có nhiều cách để ta yêu đời

(PNTĐ) - Một cặp vợ chồng hay xảy ra mâu thuẫn, người vợ tâm sự với Tâm Giao: “Chồng em chán lắm, không tâm lý, vô tâm, khô như ngói”. Nhưng khi Tâm Giao hỏi chuyện, người chồng lại than thở: “Vợ tôi có để chồng con chăm sóc mình đâu mà trách cứ”.