SEA Games 31:

Dấu ấn rực rỡ của thể thao Việt Nam năm 2022

Bài và ảnh: Nhật Minh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trong đại dịch Covid-19 đầy nguy hiểm và khó khăn, Việt Nam tổ chức SEA Games 31 thành công rực rỡ, khiến bạn bè quốc tế phải nể trọng, giúp chúng ta sẵn sàng bước vào những giải đấu lớn của thế giới năm 2023.

Những dấu ấn khó quên 

“Việt Nam đã có một kỳ SEA Games thành công rực rỡ, một kỳ SEA Games công bằng, trung thực, trong sáng với tinh thần thể thao cao thượng. Đó cũng là minh chứng cho việc Việt Nam thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đang trên đà phục hồi và phát triển kinh tế, tự tin mở cửa với thế giới”- Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính chia sẻ trong lễ tuyên dương, khen thưởng Đoàn Thể thao Việt Nam sau SEA Games 31.

Đại dịch Covid-19 khiến các sự kiện thể thao trên toàn thế giới gặp không ít khó khăn. Liên đoàn Bóng đá thế giới FIFA hủy trao giải The Best, Liên đoàn Bóng đá châu Á AFC bỏ một loạt giải đấu cấp châu lục như U20 nữ, Futsal U20… Số giải đấu bị hoãn, lùi lịch thi đấu nhiều vô kể.

Dấu ấn rực rỡ của thể thao Việt Nam năm 2022 - ảnh 1
 Việt Nam có một kỳ Đại hội thành công rực rỡ, là điểm nhấn ấn tượng của năm 2022

 Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games 31 với rất nhiều khó khăn, thách thức. Thậm chí sau khi kế hoạch tổ chức đã phải lùi lại 6 tháng so với dự kiến ban đầu, và vẫn xuất hiện nhiều lo ngại Đại hội không thể diễn ra.

“Nhưng vượt qua những khó khăn và thách thức, Việt Nam đã tổ chức thành công SEA Games 31, để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người hâm mộ nước nhà và bạn bè quốc tế” -  Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 Trần Đức Phấn chia sẻ.

Trong đại dịch, an toàn sức khỏe cho những người tham dự SEA Games 31 được đặt lên hàng đầu. Các biện pháp phòng ngừa được thực hiện hiệu quả. Kết quả, không có bất cứ ổ dịch nào xảy ra như kịch bản xấu nhất được đưa ra trước đó để lên phương án xử lý.

“Sau 19 năm SEA Games trở lại Việt Nam,  niềm vui nhất đối với chúng tôi là Tiểu ban Y tế  đã đảm  bảo được việc chăm sóc sức khỏe thành công, an toàn phòng chống dịch cho các đại biểu, vận động viên, phóng viên… trong nước và quốc tế”- PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Trưởng Thường trực Tiểu ban Y tế và kiểm tra doping, Cục Quản lý Khám chữa bệnh chia sẻ.

Dấu ấn rực rỡ của thể thao Việt Nam năm 2022 - ảnh 2
 Các cô gái “Vàng” của bóng đá nữ Việt Nam

Kiểm soát được bệnh dịch, Ban tổ chức SEA Games 31 quyết định mở cửa cho người hâm mộ tới theo dõi SEA Games 31. Không chỉ bóng đá, hầu hết các môn thi đấu đều hút khán giả, người hâm mộ phải xếp hàng dài chờ được vào sân. Việc được thi đấu dưới sự cổ vũ của khán giả chật kín khiến cho nhiều đoàn quốc tế bất ngờ. Rất nhiều huấn luyện viên (HLV), VĐV và phóng viên quốc tế bị choáng ngợp, “không thể tin nổi” trước tinh thần cổ vũ của Việt Nam. Madam Pang, nữ trưởng đoàn bóng đá Thái Lan khi chứng kiến sự cuồng nhiệt ở sân Thiên Trường đã phải thốt lên: “Tôi đã ở trong môi trường bóng đá 16 năm rồi mà vẫn bất ngờ với bầu không khí này. Cảm ơn người hâm mộ Việt Nam”.

Hình ảnh CĐV phủ kín các địa điểm thi đấu ở SEA Games 31 đã xuất hiện khắp các mặt báo quốc tế, mang lại sự quảng bá hình ảnh không thể tốt hơn cho Việt Nam. 

Dấu ấn rực rỡ của thể thao Việt Nam năm 2022 - ảnh 3

Vượt qua những khó khăn và thách thức, Việt Nam đã tổ chức thành công SEA Games 31, để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người hâm mộ nước nhà và bạn bè quốc tế”

ông Trần Đức Phấn Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31

 

Toàn thắng với khẩu hiệu “Vì một Đông Nam Á mạnh  mẽ hơn”

Một khía cạnh thành công khác của SEA Games 31 là kinh tế, khi đại hội được tổ chức tiết kiệm trong hoàn cảnh cả nước dồn nguồn lực cho chống dịch và phục hồi kinh tế. Tổng ngân sách được phê duyệt để tổ chức chỉ là 750 tỷ đồng. Con số này là vô cùng nhỏ bé nếu so với chi phí khoảng 5.000 tỷ đồng, tương tương khoảng 250 triệu USD mà Việt Nam đã bỏ ra trong lần đầu tiên tổ chức SEA Games trên sân nhà vào năm 2003. Philippines trước đó cũng đã phải đổ ra 315 triệu USD để tổ chức đại hội năm 2019. Nhìn lại lịch sử có thể thấy SEA Games 31 là Đại hội tiết kiệm nhất.

Việt Nam không xây mới bất cứ công trình thể thao nào để dùng cho SEA Games 31. Toàn bộ các nhà thi đấu, SVĐ, nơi diễn ra các môn thi của đại hội đều được tận dụng từ cơ sở vật chất  đã được xây dựng từ SEA Games 2003 và trước đó tại Hà Nội và các tỉnh thành lân cận. Nước chủ nhà cũng không xây dựng làng vận động viên như nhiều quốc gia, mà linh hoạt làm việc với các khách sạn để bố trí chỗ ở cho các đoàn trong nước và quốc tế. Điều này giúp các khách sạn có được thu nhập trong hoàn cảnh vắng khách vì Covid-19, đồng thời cũng giúp các đoàn có được nơi ăn chốn ở hiện đại, thuận tiện với chi phí hợp lý.

Thể thao đỉnh cao phải gắn liền với thành tích. Xét về khía cạnh này, Việt Nam thành công vượt trội khi kết thúc SEA Games 31 với 205 HCV, nhiều hơn Thái Lan 113 tấm và phá sâu kỷ lục 194 HCV mà Indonesia lập năm 1997. Trước đó Đoàn thể thao Việt Nam chỉ đề ra chỉ tiêu là 140 HCV. 

Dấu ấn rực rỡ của thể thao Việt Nam năm 2022 - ảnh 4
 Kim Tuyền ăn mừng sau khi giành tấm HCV cho đội tuyển Taekwondo VN 

Lý giải về thành công này, ông Trần Đức Phấn cho hay: “SEA Games 31 được tổ chức với 40 môn, gồm 523 nội dung. Theo nhận định ban đầu của ban tổ chức, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với Thái Lan và Indonesia. Ngoài ra còn có hai quốc gia mạnh ở một số môn Olympic nữa là Malaysia và Singapore. Vì vậy, việc giành tới 205 HCV gây bất ngờ”.  

Theo ông Phấn, ngoài tổng số lượng HCV, điều mà Đoàn thể thao Việt Nam tự hào là những  chiến thắng mà các VĐV giành được ở các môn Olympic như điền kinh, bơi lội, rowling…  

Tại các kỳ SEA Games, bóng đá là bộ môn thể thao luôn được quan tâm nhất, dù chỉ có hai bộ huy chương. Và trên sân nhà, Việt Nam gặt hái thành công lớn khi bảo vệ được cả tấm HCV bóng đá nam và bóng đá nữ. Chiến thắng thêm ngọt ngào khi bại tướng ở cả hai nội dung đều là Thái Lan, đại kình địch trong khu vực.

Dấu ấn SEA Game 31 thực sự là một quả ngọt của Việt Nam trong năm 2022, đưa Hà Nội, Việt Nam lên một vị thế mới trong mắt bạn bè quốc tế về cả thành tích của thể thao đỉnh cao và năng lực tổ chức sự kiện thể thao tầm cỡ khu vực, thế giới. Thành công này cũng là hy vọng để Việt Nam sớm thực hiện được mong muốn tổ chức Đại hội thể thao Asiad trong một tương lai không xa. 

Tin cùng chuyên mục

Khai mạc Giải Marathon Quốc tế TP Hồ Chí Minh 2024

Khai mạc Giải Marathon Quốc tế TP Hồ Chí Minh 2024

(PNTĐ) - Giải Marathon Quốc tế TP.Hồ Chí Minh 2024 đã chính thức khai mạc ngày 6/12 tại The Global City - Trung tâm mới của TP Hồ Chí Minh. Đây là sự kiện điểm nhấn trong Tuần lễ Du lịch TP.HCM diễn ra từ 5-8/12 chủ đề “Sống động mùa lễ hội” .
Khôi phục bộ môn thuyền rồng, đưa thể thao gắn với văn hóa, du lịch

Khôi phục bộ môn thuyền rồng, đưa thể thao gắn với văn hóa, du lịch

(PNTĐ) - Ông Phạm Xuân Tài - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí về Bơi chải Thuyền rồng Hà Nội mở rộng năm 2024 cho biết, Hà Nội không dừng lại ở một giải thể thao đơn thuần mà gắn với văn hoá, nhân văn, du lịch, tôn vinh di sản văn hóa Thủ đô. Giải Bơi chải Thuyền rồng mở rộng còn nhằm mục đích khôi phục môn bơi chải thuyền rồng từng nổi tiếng của Thăng Long- Hà Nội, quảng bá hình ảnh văn hóa Thủ đô.