Từ SEA Games 31:

Việt Nam đã có thể hướng tới những đại hội thể thao tầm cỡ

BLV TRƯƠNG ANH NGỌC
Chia sẻ

(PNTĐ) - Đến lúc này, có thể nói, chỉ tiêu nhất toàn đoàn của nước chủ nhà Việt Nam tại SEA Games 31 có rất nhiều khả năng sẽ giành được khi chúng ta đang bỏ xa các đoàn thể thao đối thủ. Tuy nhiên, chiến thắng của chúng ta sẽ không phải là số huy chương giành được bao nhiêu, mà là đã nhìn thấy những điều lớn lao hơn rất nhiều…

Những bước phát triển ngoạn mục của thể thao Việt Nam từ SEA Games 22

Năm 2003, Việt Nam đăng cai Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 22 là một cột mốc chưa từng có trong lịch sử. Ngày đó, nước ta vừa trải qua dịch SARS với nhiều tổn thất nặng nề, khó khăn nhiều mặt. Về phương diện thể thao, ở Việt Nam ngoài bóng đá ra, người dân dường như không hề quan tâm đến bất cứ môn thể thao nào khác. Vậy nhưng, khi đó Việt Nam đã rất “dũng cảm” để đăng cai SEA Games 22. 

Có thể nói, trước SEA Games 22, thể thao Việt Nam còn rất yếu kém, cơ sở hạ tầng cho thể thao gần như không có gì. Với việc đăng cai SEA Games 22, chúng ta đã xây dựng loạt công trình thể thao đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, và sau khi phục vụ Đại hội, các công trình này đã được các VĐV sử dụng suốt 19 năm qua cho đến nay.

Đó chính là cơ sở để tạo đà cho sự phát triển của thể thao Việt Nam nói chung. Điều này rất quan trọng, vì cơ sở vật chất là một trong những yếu tố quyết định cho sự phát triển chung của thể thao, nhất là thể thao đỉnh cao, góp phần đưa thể thao đỉnh cao của Việt Nam liên tục bước lên những tầm cao mới trong suốt những năm qua. Ngay cả HCV của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic 2016- HCV đầu tiên của Việt Nam ở đấu trường Olympic được thế giới ghi nhận, theo tôi cũng bắt nguồn từ sự thúc đẩy của SEA Games năm 2003. 

Cùng với đó, một trong những thành tựu rất lớn được ghi nhận từ việc đăng cai tổ chức SEA Games 22, chính là đã thay đổi hoàn toàn nhận thức của người dân Việt Nam đối với thể thao. Nếu trước đó, thể thao Việt Nam chỉ là bóng đá cùng những tháng ngày “vật vã” vì liên tục thua nước bạn, chỉ có những người làm thể thao mới để ý đến huy chương môn này, môn kia, nhưng khi SEA Games 22 diễn ra, người dân Việt mới biết thêm hóa ra thể thao còn có các môn khác nữa, và họ đã hào hứng đón nhận, tự hào về thành tích của các vận động viên các bộ môn khác.

Thành tích vang dội nhất toàn đoàn SEA Games 22 năm đó của nước chủ nhà Việt Nam đã tạo nên một niềm tự hào rất lớn cho người dân Việt. Sau kỳ Đại hội ấy, với cú hích của SEA Games, các địa phương trên cả nước đã dần dần phát triển các môn thể thao để đua tranh trong nước và thế giới. Đó là sự thúc đẩy lớn lao, liên tục đưa cho thể thao Việt Nam bước lên những tầm cao mới trong suốt những năm qua.

Sự thành công của lần đăng cai SEA Games 22 đã đưa Việt Nam đến một vị thế mới trong con mắt bạn bè quốc tế; có những bước phát triển ngoạn mục từ thể thao đến rất nhiều giá trị văn hóa, xã hội khác; tạo nên biến chuyển trong nhận thức của người dân về thể thao; tăng cường niềm tự hào dân tộc nhờ những vinh quang mà thể thao mang về... Đặc biệt, nhờ đăng cai SEA Games 22 mà Việt Nam đã tự tin và tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức một sự kiện quốc tế, là tiền đề để sau này chúng ta tổ chức nhiều sự kiện khác, được thế giới đánh giá cao, như SEA Games 31. 

Việt Nam đã có thể hướng tới những đại hội thể thao tầm cỡ - ảnh 1
Khoảnh khắc ngọn lửa SEA Games 31 được thắp sáng trong lễ khai mạc tối 12/5 Ảnh: KT

Việt Nam có khả năng tổ chức tốt các Đại hội thể thao tầm cỡ thế giới 

19 năm đã trôi qua, chúng ta đã cùng trưởng thành với SEA Games, lứa VĐV từng tham gia SEA Games năm đó vẫn luôn tự hào, những phóng viên từng tác nghiệp ở sự kiện vẫn bồi hồi xúc động khi nhớ lại những ngày lịch sử ấy.

19 năm trôi qua, thể thao Việt Nam đã có những bước trưởng thành lớn mạnh, không chỉ có HCV của Hoàng Xuân Vinh mà còn bước đầu có thành công ở nhiều bộ môn, bóng đá giờ đã được đánh giá cao ở đấu trường châu Á, bằng tấm HCB U23 ở Thường Châu năm 2018 hay là một trong 12 đội lọt vào vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á, trình độ tổ chức sự kiện lớn như SEA Games cũng đã được nâng lên một bước. Dù vẫn trong tầm khu vực, nhưng thể thao Việt Nam đã hướng tới những Đại hội tầm cỡ hơn như Asiad và xa hơn là Olympic. 

Nhiều bạn phóng viên thể thao đã từng tham gia nhiều kỳ SEA Games đều cho rằng, Việt Nam đang tổ chức rất tốt SEA Games 31 từ công tác hậu cần đến các hoạt động. Đặc biệt, đó là sự quan tâm cổ vũ nhiệt tình của người dân. Sẽ hiếm thấy ở kỳ SEA Games nào mà người dân đến cổ vũ tất cả các bộ môn thi đấu đông đảo, hùng hậu đến vậy, thể hiện tinh thần thể thao tuyệt vời. Nhìn vào hình ảnh đó là đủ thấy chúng ta thắng rồi. Thắng không phải vì tổng sắp huy chương mà vì tinh thần thể thao tuyệt vời. 

Điều gây ấn tượng ở lần đăng cai SEA Games năm nay của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế, là chúng ta đã làm tốt mọi mặt dù vừa mới trải qua đại dịch Covid-19 với bộn bề những khó khăn trên mọi mặt đời sống. SEA Games 31 diễn ra đúng vào thời điểm chúng ta vừa mở cửa du lịch hoàn toàn như một lời quảng bá hiệu quả rằng Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn cho du khách quốc tế. Điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn, bởi SEA Games không chỉ là thể thao mà còn là dịp để quảng bá hình ảnh đất nước với bạn bè quốc tế. 

So với năm 2003, kỳ Đại hội năm nay có nhiều lợi thế, nhiều điều mới mẻ. Đặc biệt là niềm tự hào quốc gia nhân lên rất nhiều khi chúng ta mới đẩy lùi được dịch Covid-19, các chương trình kết hợp thể thao và du lịch rất ấn tượng. Người dân không chỉ được hưởng không khí của thể thao mà còn được hòa mình vào một tinh thần mở cửa du lịch rất sôi động. Rất nhiều chương trình, tour du lịch mới được thực hiện dịp SEA Games, vừa để chiêu đãi các đoàn đến Việt Nam thi đấu, vừa phục vụ du khách trong và ngoài nước rất tưng bừng và ý nghĩa.

Hơn nữa, so với hồi tổ chức SEA Games 22, ngày nay, chúng ta có mạng xã hội. Trên khắp các nền tảng mạng xã hội đều thấy hình ảnh, thông tin của SEA Games được lan tỏa rộng khắp, giúp bạn bè khắp nơi trên thế giới đều có thể xem và thấy được những gì Việt Nam đang làm. Đây chính là điểm nhấn kích thích du lịch Việt Nam sau những năm tháng Covid-19 hoành hành, thu hút sự quan tâm của quốc tế. 

Với những gì chúng ta đã và đang làm được, Việt Nam hoàn toàn đủ kinh nghiệm và có thể tổ chức được những sự kiện tầm cỡ lớn hơn trong khu vực và cả thế giới. Thể thao Việt Nam đã từng xin đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao châu Á - Asiad 18. Tuy nhiên, năm 2014 chúng ta sau đó xin rút vì chưa đủ kinh nghiệm và điều kiện kinh tế. Nhưng, với những gì chúng ta đang thấy hiện tại, sau 8 năm, giờ Việt Nam có thể đáp ứng được yêu cầu để tổ chức một kỳ Asiad. Nếu đăng cai tổ chức được Asiad thì khi đó, hình ảnh, vị thế Việt Nam sẽ lớn hơn nữa. 

Việt Nam đã có thể hướng tới những đại hội thể thao tầm cỡ - ảnh 2
Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 Ảnh: KT

Mong chờ những chiến lược nâng tầm thể thao quốc gia 

Tôi tin rằng, ngay lúc này khi Việt Nam đang dẫn đầu trong tổng sắp huy chương, khi công tác tổ chức của Việt Nam có thể nói đã thành công, thì các nhà hoạch định chính sách lĩnh vực thể thao đã nhìn rõ được những điều cần giải quyết, cần làm ngay sau khi Đại hội kết thúc. 
Sẽ có rất nhiều vấn đề về thể thao cần phải quan tâm, ví như việc xã hội hóa thể thao như thế nào, việc đào tạo, phát triển những tài năng thể thao ra sao nhất là ở các bộ môn có tính chuyên biệt như đấu kiếm, bóng đá nữ… Đặc biệt, có một vấn đề rất quan trọng cần sự quan tâm sớm của những người làm thể thao đó là chiến lược phát triển, thúc đẩy thể thao học đường. 

Ai cũng biết, việc học văn hóa quan trọng, nhưng nhìn ra các nước trên thế giới, ngay cả các nước trong khu vực, sự phát triển thể thao học đường giúp thể chất thế hệ trẻ được tăng cường, các em có sức khỏe tốt, thể lực tốt, chiều cao tốt. Tuy nhiên, ở nước ta, điều này lại chưa được nhận thức đúng đắn để có các chính sách phát triển tốt.

Sau SEA Games 22, cùng với sự chuyển biến về nhận thức của toàn dân đối với thể thao, đã ghi nhận ở rất nhiều địa phương xuất hiện các trung tâm bóng đá cộng đồng, rèn luyện nhiều môn thể thao khác… Điều này không chỉ góp phần nâng cao thể lực cho thế hệ trẻ mà từ đây còn phát hiện và đào tạo, bồi dưỡng nhiều tài năng thể thao, nhất là ở các bộ môn thể thao đỉnh cao. Trong tương lai, nếu chúng ta muốn nâng tầm thể thao, có nhiều chiến thắng hơn nữa, có thể vươn ra biển lớn thì phải có những tài năng từ chính thể thao học đường. Trên 75% thành viên trong đội tuyển Mỹ tham dự Olympic Tokyo 2020 là từ thể thao học đường Mỹ là một bài học rõ ràng cho chúng ta.

Vì vậy, rất hy vọng thành công của SEA Games 31 sẽ tạo thêm cú hích lớn nữa đối với các phụ huynh, giúp các phụ huynh nhận thức sâu sắc hơn nữa trong việc khích lệ con em mình rèn luyện thể thao. Điều này không hẳn là để tìm kiếm được những VĐV thể thao, bởi trong 1.000 đứa trẻ mới có thể may ra tìm được 1 VĐV thể thao đỉnh cao, mà điều quan trọng là để thế hệ trẻ hôm nay khỏe mạnh, có thêm nhiều nghị lực sống, sự kiên cường trong cuộc sống. 
Chúng ta đừng bỏ lỡ cơ hội này, bởi đây là nền móng để chúng ta có một thế hệ trẻ khỏe mạnh, giàu ý chí hơn, đóng góp cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Và tôi tin rằng, Việt Nam sẽ làm được điều đó trong tương lai gần, từ thành công của thể thao nói chung và các sự kiện thể thao như SEA Games mà chúng ta đã và đang thực hiện.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục