Lan tỏa đến cộng đồng và mỗi người dân, để nhận thấy sự cần thiết phải ứng dụng chuyển đổi số
(PNTĐ) - “Mục tiêu quan trọng của Chương trình số 07 là góp phần để tinh thần chuyển đổi số lan tỏa đến cộng đồng và mỗi người dân, để mỗi người dân nhận thấy sự cần thiết phải ứng dụng chuyển đổi số”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU nhấn mạnh.
Chương trình 07-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025 là một trong 10 Chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội khóa XVII.
Sau 3 năm triển khai thực hiện, đến nay Chương trình đã đi vào cuộc sống và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Để triển khai thực hiện Chương trình 07-CTr/TU, năm 2024, các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành các kế hoạch triển khai riêng, hoặc tích hợp trong kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm của đơn vị. UBND các quận, huyện đã xây dựng và ban hành Kế hoạch, Chương trình hoạt động đối với các lĩnh vực KH&CN như: sáng kiến kinh nghiệm, duy trì và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015, xây dựng và phát triển nhãn hiệu, ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, môi trường, công nghệ thông tin (CNTT), cải cách hành chính…
Đến nay, trên địa bàn thành phố có 393 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó có 224 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 144 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 25 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản. Đồng thời, hình thành các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và chú trọng xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Đến nay, Hà Nội đã có 68 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
Chương trình cũng đặt mục tiêu đến cuối giai đoạn 2021-2025, doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 50%. Ngày 12-3-2024, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố Chỉ số đổi mới sáng tạo (PII) năm 2023 của 63 tỉnh, thành phố. Thành phố Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước về Chỉ số PII với 62,86 điểm. Trong đó, trình độ phát triển của doanh nghiệp là một chỉ số thành phần của Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo.
Đáng lưu ý, năm 2024, ngân sách thành phố bố trí 110 tỷ đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Trong đó 69,124 tỷ đồng kinh phí thực hiện 130 nhiệm vụ khoa học và công nghệ chuyển tiếp, 40,876 tỷ đồng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ tuyển chọn, giao trực tiếp mới năm 2024.
Tuy nhiên, báo cáo tại hội nghị cho thấy, hoạt động nghiên cứu triển khai ở một số lĩnh vực chưa thực sự được quan tâm đúng mức, nhất là nghiên cứu phục vụ công tác tham mưu, hoạch định chính sách, xây dựng định hướng phát triển ngành, lĩnh vực. Chất lượng, hiệu quả đổi mới công nghệ còn thấp, chưa có bước đột phá. Việc nhân rộng mô hình nghiên cứu, nhất là trong sản xuất nông nghiệp còn chậm.
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị chia sẻ kinh nghiệm về: kết quả triển khai Kế hoạch hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025; bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai chuyển đổi số trên địa bàn Thành phố; kết quả 1 năm triển khai Đề án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025; kết quả triển khai thực hiện Chương trình trong lĩnh vực nông nghiệp và mô hình hoạt động Trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội.
Các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ đã được ứng dụng ở tất cả các ngành, lĩnh vực, góp phần nâng cao năng suất chất lượng hàng hóa và dịch vụ. Điển hình trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ sinh học trong việc sản xuất các loại giống cây, con, kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch bệnh, bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản đã tạo bước đột phá nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm…
Nhiều DN, trang trại, hợp tác xã, hộ gia đình đã ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất, tạo ra nhiều nông sản hàng hóa có năng suất vượt trội, giá trị gia tăng cao, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô và xuất khẩu. Công nghệ cao đang được chú trọng quan tâm và dần trở thành xu thế và tính tất yếu trong sản xuất nông nghiệp 4.0.
Hay trong lĩnh vực y tế, nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số phát triển y tế thông minh, đến nay Sở Y tế Hà Nội đã triển khai hệ thống công nghệ thông tin hiện đại tại bộ phận 1 cửa, cung cấp 100% các dịch vụ công gồm 131 dịch vụ công, trong đó có 6 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 125 dịch vụ công trực tuyến một phần; 100% bệnh viện đã triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (HIS); 90,2% Bệnh viện đã triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thông tin xét nghiệm (LIS); 65,9% bệnh viện đã trang bị hệ thống RIS-PACS; 100% các bệnh viện có website; 5 bệnh viện triển khai Bệnh án điện tử; 88% đơn vị đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.
Tại các quận, huyện, thị xã, đã thực hiện đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của các cấp chính quyền, đổi mới trong nghiên cứu, chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính trong đó tập trung nổi bật là công tác chuyển đổi số. 100% văn bản được xử lý trên hệ thống Quản lý văn bản của TP; duy trì, khai thác và sử dụng hiệu quả các ứng dụng nội bộ, ứng dụng chuyên ngành dùng chung...
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, qua báo cáo và 11 ý kiến tham luận cho thấy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thành phố nên Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đạt nhiều kết quả quan trọng.
Trong đó, nhận thức của cấp ủy cũng như người dân về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo được nâng lên và thành công phụ thuộc phần lớn vào quyết tâm của người đứng đầu.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong biểu dương 2 lĩnh vực y tế và giáo dục của thành phố đạt nhiều kết quả trong chuyển đổi số thời gian qua, trong khi đó Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng đã kết nối với các trường đại học tổ chức các hội thảo khoa học, góp ý vào lĩnh vực liên quan trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua.
Nhất trí với 9 nhóm nhiệm vụ trong báo cáo, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị các đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ để cụ thể hóa các nội dung Luật Thủ đô (sửa đổi) liên quan đến lĩnh vực khoa học công nghệ. Cụ thể, trong Luật Thủ đô (sửa đổi) có 99 nhóm nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực khoa học, công nghệ cần sớm được triển khai.
Cùng với đó, các đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh chuyển đổi số, trong đó có việc số hóa các di tích, dữ liệu ngành nông nghiệp. Trên cơ sở tổng kết 10 chương trình công tác của Thành ủy, dự kiến tháng 2-2025, Ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội sẽ tiến hành tổng kết. Vì thế, các thành viên Ban Chỉ đạo cần tập trung hoàn thành các nhiệm vụ đề ra; lựa chọn các mô hình, kết quả tiêu biểu liên quan đến chuyển đổi số của người dân, doanh nghiệp… để biểu dương kịp thời.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong yêu cầu Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc phối hợp với Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng thông tin sớm với các trường đại học về định hướng phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc để các trường hiểu và có đề xuất cụ thể. Sau khi Quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt. Đảng ủy Khối tiếp tục chủ trì để lãnh đạo thành phố gặp mặt với các trường đại học thông tin về định hướng quy hoạch thành phố Hòa Lạc là thành phố khoa học, công nghệ và giáo dục đại học. Theo lộ trình, các trường đại học sẽ di chuyển về đây để gắn kết với Khu công nghệ cao Hòa Lạc thành một thành phố hoàn chỉnh.
Đồng thời, Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo liên kết với các trường đào tạo chuyên ngành sư phạm, qua đó hỗ trợ bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao chất lượng cho giáo viên của thành phố.