MTTQ Việt Nam có vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết các tổ chức thành viên ​

HÀ LINH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 quy định các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam, hoạt động thống nhất và phối hợp dưới sự chủ trì của Mặt trận là một thay đổi căn bản, phù hợp chủ trương, tinh gọn bộ máy, khắc phục sự chồng chéo…

Đại biểu thống nhất với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

 Để thực hiện chủ trương của Đảng về thu gọn đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (dự thảo Nghị quyết) đã được Quốc hội thông qua và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân.

Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 gồm có 2 điều; Điều 1 gồm 8 khoản sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp năm 2013 về MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương; Điều 2 gồm 3 khoản quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.

MTTQ Việt Nam có vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết các tổ chức thành viên  ​ - ảnh 1
Các đại biểu quan tâm, góp ý đối với Điều 110 về các đơn vị hành chính, đặc khu và Điều 9 về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Báo Phụ nữ Thủ đô đã ghi nhận ý kiến của nhiều đại biểu đến từ cơ sở cho đến các đại biểu thảo luận tại nhiều cuộc họp - từ kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, đến Hội thảo Những vấn đề về lý luận, pháp lý và bảo đảm điều kiện hoạt động của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới - đa số các đại biểu tán thành cao với các nội dung sửa đổi, bổ sung tại 3 điều của Hiến pháp liên quan trực tiếp tới MTTQ Việt Nam.

Gắn bó nhiều năm trên cương vị Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thường Tín (TP Hà Nội) ông Lê Tuấn Dũng chia sẻ về sự quan tâm đặc biệt đến việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam, thu gọn MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội về một mối nhằm hướng tới một hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với tình hình đất nước hiện nay.

Ông Dũng cho rằng, khi các cơ quan, đơn vị, tổ chức về trực thuộc dưới “mái nhà chung” Mặt trận sẽ làm tăng sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.

Bày tỏ sự đồng tình với nội dung sửa đổi tại Dự án Luật MTTQ Việt Nam, bà Võ Thị Minh Sinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An cho rằng, nội dung sửa đổi tại khoản 2 Điều 5 Luật MTTQ Việt Nam “Các tổ chức chính trị - xã hội (gồm Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam) và các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ là các tổ chức thành viên trực thuộc MTTQ Việt Nam, được tổ chức và hoạt động thống nhất trong MTTQ Việt Nam” khá tương đồng với nội dung sửa đổi tại dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Nếu Hiến pháp được sửa đổi thì nội dung này phải thống nhất hoàn toàn về nội dung, cách viết để tránh nhầm lẫn.

MTTQ Việt Nam có vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết các tổ chức thành viên  ​ - ảnh 2
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội đánh giá cao các ý kiến chất lượng, sâu sắc, trí tuệ của các chuyện gia, các đồng chí nguyên lãnh đạo TP.

Theo bà Võ Thị Minh Sinh, cụm từ “trực thuộc” là nội dung quan trọng, thể hiện rõ quan điểm từ các văn bản, chủ trương của Đảng, đảm bảo được sự rõ ràng về mối quan hệ quản lý, trách nhiệm pháp lý cũng như trách nhiệm chính trị của các tổ chức. Nếu không quy định cụm từ “trực thuộc” sẽ không diễn đạt được nội dung của việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy.

Mặt khác, cách quy định “được tổ chức và hoạt động thống nhất trong MTTQ Việt Nam” rất đúng với tình hình hiện nay, đồng thời thể hiện được tính năng động, linh hoạt và chủ động của các tổ chức chính trị - xã hội.

Các ý kiến chất lượng, sâu sắc, trí tuệ của các chuyện gia

TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp là cần thiết, hợp lý và cấp bách. Trong đó, Điều 110, Điều 111 là đột phá đổi mới để phù hợp với yêu cầu phát triển. Tuy nhiên việc diễn đạt ĐVHC dưới tỉnh, Thành phố còn chung chung, chưa bám sát công tác tổ chức đang triển khai. Vì vậy, đề nghị sửa thành "ĐVHC dưới tỉnh, Thành phố trực thuộc T.Ư bao gồm xã, phường, thị xã do Quốc hội quy định".

"Kế hoạch tổ chức chính quyền 2 cấp từ ngày 1/7 cần có hướng dẫn cụ thể và UBTV  Quốc hội cần có điều chỉnh 2 nghị quyết đã ban hành là Nghị quyết 1210/2016 về phân loại đô thị và Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn ĐVHC, phân loại ĐVHC; đồng thời sớm ban hành hai nghị quyết trên để tạo hiệu lực, hiệu quả để các điều sửa Hiến pháp lần này đi vào thực tiễn"- TS Đào Ngọc Nghiêm thẳng thắn.

Góp ý vào khoản 3, Điều 110 quy định "Việc xác định các loại ĐVHC dưới tỉnh, TP trực thuộc T.Ư và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia ĐVHC, điều chỉnh địa giới ĐVHC do Quốc hội quy định”, TS Đinh Hạnh - Chủ tịch Hội đồng Kinh tế (Ủy ban MTTQ Việt Nam TP) đề nghị giữ quy định "phải lấy ý kiến nhân dân địa phương" như Hiến pháp 2013.

Bên cạnh đó, một số ý kiến băn khoăn về việc các tổ chức chính trị - xã hội “trực thuộc” MTTQ. Bà Trịnh Huyền Thái - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội cho rằng, tại Điều 9 của dự thảo, MTTQ Việt Nam được bổ sung là bộ phận của hệ thống chính trị của nước CHXHCN Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã nâng tầm vai trò, vị trí, trước tiên về thể chế khẳng định thực quyền của MTTQ Việt Nam.

Dự thảo quy định các tổ chức chính trị - xã hội lớn, trực thuộc MTTQ Việt Nam, hoạt động thống nhất và phối hợp dưới sự chủ trì của Mặt trận là một thay đổi căn bản, phù hợp chủ trương, tinh gọn bộ máy, khắc phục sự chồng chéo… Điều này không chỉ là khẳng định của MTTQ Việt Nam mà cần làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ cốt lõi là tập hợp đoàn kết, đại diện, bảo vệ quyền lợi nhân dân; thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội, xây dựng Đảng, Nhà nước…

Tuy nhiên, để phát huy tối đa sức mạnh, không làm mất tính chủ động đặc thù của từng tổ chức thành viên thì cơ chế chủ trì cần được cụ thể hóa. Đồng thời, cần có cơ chế pháp lý bảo đảm hiệu quả hơn chức năng giám sát, phản biện xã hội, khắc phục tình trạng né tránh, hình thức sau giám sát phản biện.

Vì vậy, đại biểu này đề nghị sửa đổi tiếp theo trong Luật MTTQ Việt Nam và các văn bản hướng dẫn quy chế phối hợp giữa Ban Thường trực MTTQ Việt Nam và các tổ chức cùng cấp.

Đồng tình với quan điểm trên, Luật sư Lê Đức Bính nhấn mạnh, trước đây, quy định các tổ chức đoàn thể là thành viên của MTTQ Việt Nam, nay quy định các tổ chức này trực thuộc dưới dự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của MTTQ Việt Nam nhằm thu gọn đầu mối, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, luật hóa chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của MTTQ Việt Nam.

"Sau khi Hiến pháp sửa đổi, bổ sung được thông qua và có hiệu lực, Đảng, Nhà nước cần có biện pháp để đánh giá, sử dụng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp thật công tâm, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công việc; không để tình trạng lợi ích nhóm, chạy chọt, thân quen. Cùng đó, cần có biện pháp kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những lợi dụng tiêu cực, nể nang, mất đoàn kết, gây chia sẻ cục bộ tại địa phương"- luật sư bày tỏ.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Điều quan trọng nhất trong cuộc cách mạng về bộ máy là chuyển đổi trạng thái sang kiến tạo, chủ động phục vụ người dân

Điều quan trọng nhất trong cuộc cách mạng về bộ máy là chuyển đổi trạng thái sang kiến tạo, chủ động phục vụ người dân

(PNTĐ) - Sáng 14/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến công tác tổ chức xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị ở cấp xã (mới).
Hơn 1,5 triệu đại biểu dự hội nghị tập huấn toàn quốc vận hành hệ thống chính trị cấp xã mới

Hơn 1,5 triệu đại biểu dự hội nghị tập huấn toàn quốc vận hành hệ thống chính trị cấp xã mới

(PNTĐ) - Sáng 14/6, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị toàn quốc tập huấn về tổ chức và hoạt động của tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các đoàn thể chính trị ở cấp xã (mới). Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đến 11.000 điểm cầu trên cả nước với hơn 1,5 triệu đại biểu tham dự.