Phục hồi kinh tế và các chính sách duy trì tăng trưởng phát triển

TIỂU LINH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng 22/11, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (NCIF-MPI) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) đồng tổ chức Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam 2022 với chủ đề “Tiếp tục phục hồi kinh tế - Các nhân tố thúc đẩy tăng trưởng” nhằm phân tích và đánh giá quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và các chính sách duy trì tăng trưởng và phát triển trong năm tới.

Phục hồi kinh tế và các chính sách duy trì tăng trưởng phát triển - ảnh 1

Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện của IMF tại Việt Nam và Lào phát biểu (Ảnh Tiểu Linh)

Theo ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện của IMF tại Việt Nam và Lào cho biết, có rất nhiều rủi ro đã và đang ảnh hưởng đến nền kinh tế của Việt Nam không chỉ đến từ bên trong mà còn có các yếu tố bên ngoài. 

Những rủi ro đến từ trong nước, đặc biệt trong thị trường ngân hàng và trái phiếu, vốn rất nhạy cảm với những điều kiện thay đổi nhanh chóng trong lĩnh vực bất động sản. Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu sẽ ngày càng đè nặng lên sản xuất nông nghiệp, sức khỏe và sự an khang của các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán và bão lớn.

Cũng rủi ro đối với việc tiếp tục phục hồi kinh tế chủ yếu đến từ bên ngoài. Cuộc xung đột ở Ukraine, suy thoái kinh tế ở Trung Quốc, lãi suất quốc tế tăng và đồng USD mạnh lên, nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng tăng… có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam và làm tăng rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô. Các nhà hoạch định chính sách sẽ cần cảnh giác, điều chỉnh chính sách tài khóa và tiền tệ kịp thời với tình hình thay đổi trên toàn cầu.

Với mức tăng trưởng mạnh cho đến tháng 9, IMF đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 tăng lên từ mức 6 lên 7-7,5%. Tuy nhiên, do cầu bên ngoài chậm lại và điều kiện tài chính thắt chặt hơn, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2023 xuống 5,8%. Lạm phát dự kiến sẽ tăng lên trước khi dần trở lại dưới mức 4%.

Ông Painchaud cho rằng: Các nhà hoạch định chính sách sẽ cần cảnh giác, điều chỉnh chính sách tài khóa và tiền tệ kịp thời với tình hình thay đổi trên toàn cầu. Để đối phó với những thách thức này, các chính sách cần được tính toán, phối hợp và truyền thông một cách cẩn trọng để quản lý các rủi ro tiêu cực, giảm bớt sự đánh đổi chính sách, đặc biệt là sự đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát.

Chính phủ cần xử lý các yếu kém nội tại của nền kinh tế thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tăng tỷ lệ giải ngân gói phục hồi gói phục hồi kinh tế xã hội 347.000 tỷ đồng hay đối với các ngân hàng yếu kém, các ngân hàng kiểm soát đặc biệt cần phải tập trung xử lý hiệu quả.

Phục hồi kinh tế và các chính sách duy trì tăng trưởng phát triển - ảnh 2
Quang cảnh hội nghị (ảnh Tiểu Linh)

Đại diện nhóm nghiên cứu trình bày Báo cáo “Cập nhật Triển vọng kinh tế Việt Nam”, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Kinh tế ngành và Doanh nghiệp (NCIF), cho hay: Nền kinh tế Việt Nam cũng đã có sự phục hồi đáng kể sau đại dịch Covid 19 vừa qua. Xu hướng ngành công nghiệp có sự tăng trưởng vượt bậc là ngành đồ uống và thiết bị điện tử, viễn thông. Đây là những ngành có mức tăng trưởng âm trong đại dịch vừa qua và đã vươn lên tăng trưởng dương trong năm 2022 này; nhu cầu người tiêu dùng tăng và dẫn đến tỷ lệ xuất khẩu cũng tăng lên từ 17-18% trong 9 tháng vừa qua; đối với các doanh nghiệp, thay vì đầu tư vào các lĩnh vực mới thì đầu tư mở rộng doanh nghiệp lại gia tăng đáng kể. 

Từ đó, ông dự báo rằng: Việt Nam vẫn sẽ cố gắng duy trì mục tiêu ổn định lãi suất và tỷ giá, giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng. Về chính sách tài khóa, hợp phần đầu tư của Chương trình hỗ trợ - lên đến khoảng 1,6% GDP - dự kiến sẽ được triển khai chủ yếu từ năm 2023 trở đi.

Kinh tế Việt Nam năm 2023 xảy ra theo dự đoán nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Diễn biến xung đột Nga - Ukraine, sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam. Cùng với đó là các nỗ lực thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

 

Tin cùng chuyên mục

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

(PNTĐ) - Ngày 25/4, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Ban tổ chức đã nhận được gần 20 tham luận gửi đến Hội thảo đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật.
Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

(PNTĐ) - Phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã chung sức, đồng lòng, cùng với cả nước, tích cực chủ động tham gia phục vụ chiến trường với tất cả tinh thần, sức lực, trí tuệ và của cải, tất cả cho chiến thắng.