NSƯT Phạm Ngọc Ánh: “Gia đình luôn là hậu phương vững chắc”

Chia sẻ

Hơn 30 năm “cháy” hết mình cho nghệ thuật, NSƯT Phạm Ngọc Ánh đã giành được không ít giải thưởng cao quý. Chị luôn tự hào rằng để có được thành tựu như ngày nay không chỉ cần có tài năng, mà còn có sự hậu thuẫn rất lớn từ phía gia đình. Nhân Ngày Gia đình Việt Nam, báo Phụ nữ Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng nghệ sỹ.

Kỷ niệm nào khiến chị khó quên nhất trong suốt 30 năm làm nghệ thuật?

3 thập kỷ cống hiến cho sự nghiệp sân khấu chèo truyền thống đã mang lại cho Ánh không ít những kỷ niệm vui có, buồn cũng có. Đáng nhớ nhất là lần đầu tiên được tham dự hội diễn sân khấu chèo toàn quốc năm 1995 tại Huế. Đó không chỉ là lần đầu Ánh được tham dự một hội diễn toàn quốc mà còn là thành tựu đầu tiên khi giành được huy chương Bạc với vai Tú Liên trong vở Thuở ấy Hà Đông của đạo diễn NSND Lê Hùng. Tú Liên là vai diễn đầu tay, tuy không phải vai chính nhưng Ánh vẫn hăng say luyện tập không quản ngày đêm và luyện tập bằng tất cả nhiệt huyết cũng như đam mê của mình với nghề. Đây có thể được coi là dấu mốc cho thành công đầu tiên và những thành công tiếp theo của Ánh.

Trong suốt thời gian làm nghệ thuật của mình, vai diễn nào khiến chị tâm đắc nhất?

Có thể nói Ánh khá là may mắn khi được sinh ra trong gia đình làm nghệ thuật nên cũng diễn được khá nhiều vai từ Thị Màu lên chùa, Thuý Vân, cho đến cả những vai diễn cổ như Thuỵ Phương trong vở Chương Viên. Tuy nhiên, phù hợp nhất với Ánh là các vai “lệch” mà trong chèo thường gọi là “đào lệch”. Vai diễn khiến Ánh tâm đắc nhất là vai hề Già trong bộ ba vở Bài ca giữ nước của NSND Tào Mạt. Vai diễn này đã giúp Ánh đoạt giải Nhì Tài năng trẻ Toàn quốc tại Nhà hát Hồng Hà năm 2001.

Chị có thể chia sẻ một chút về những khó khăn khi ở cương vị quản lý không?

Có một chút trở ngại vì là nghề đặc thù, hay phải đi diễn từ chiều đến tận 1-2 giờ sáng hôm sau mới về. Như những người phụ nữ khác thì thời gian đó đáng lẽ phải dành cho gia đình. Hoặc những ngày lễ ngày tết, các cơ quan khác thì được nghỉ nhưng là nghề phục vụ, mình lại phải đi biểu diễn để phục vụ bà con. Chính vì vậy để có thể theo được nghề cần phải có sự ủng hộ hết lòng nơi “hậu phương”, không ai khác chính là chồng và các con của Ánh.

NSƯT Phạm Ngọc Ánh trong chuyến công tác tại Úc. Ảnh: NVCCNSƯT Phạm Ngọc Ánh trong chuyến công tác tại Úc. Ảnh: NVCC

Vậy “hậu phương” của chị đã giúp đỡ, cùng chị vượt qua những mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình hoặc nuôi dạy con cái như thế nào?

Phải nói rằng Ánh rất may mắn vì có ông xã làm cùng nghề, lại cùng cơ quan nên luôn thấu hiểu và nhường nhịn, ủng hộ, hậu thuẫn cho vợ và hiểu rất rõ những vất vả của vợ. Gia đình nào cũng sẽ có những lúc khó khăn, nhất là khi dịch Covid-19 bùng phát, tất cả mọi công việc của Ánh đều phải tạm dừng, việc không đi biểu diễn được đã làm ảnh hưởng đến kinh tế chung của cả gia đình. Tuy nhiên ông xã hết sức thông cảm, cùng chia sẻ và giúp Ánh tìm cách khắc phục. Chồng Ánh không phàn nàn mỗi khi Ánh phải đi diễn sớm khuya, ngược lại, dù bận công việc cơ quan, anh vẫn luôn cố gắng thu xếp giúp đỡ vợ, chăm lo cho gia đình, cho con cái. Có lẽ vì thế mà trong gia đình luôn rộn ràng tiếng cười. Nếu có mâu thuẫn, hai vợ chồng sẽ cùng ngồi xuống chia sẻ, lắng nghe suy nghĩ của nhau để cảm thông và thấu hiểu người bạn đời của mình.

Chị nhận xét thế nào về “hậu phương” của mình?

Hiểu được những vất vả của nghề diễn và vinh quang của nghề diễn là phục vụ công chúng nên anh luôn thấu hiểu và phải chia sẻ rất nhiều thì Ánh mới có thể thực sự gắn bó được với nghề như hiện tại. Có lẽ nhờ có “hậu phương vững chắc” là sự ủng hộ của chồng con, của gia đình nên Ánh mới có thể đạt được nhiều thành tựu như ngày hôm nay.

Có khi nào chị cảm thấy quá áp lực khi vừa phải chăm lo cho gia đình, vừa phải hoàn thành tốt nhiệm vụ tại đoàn kịch không?

Mặc dù công việc có vất vả và áp lực. Tuy nhiên, được làm việc, được cống hiến cho nghệ thuật với Ánh mãi mãi là niềm vui, Rồi mỗi khi về tới nhà là lại được nhìn thấy nụ cười của các thành viên trong gia đình. Đó thực sự là điều hạnh phúc nhất đối với Ánh nên những áp lực bên ngoài dường như tan biến hoàn toàn.

Trân trọng cảm ơn chị!

ĐỖ HỮU

Tin cùng chuyên mục

ASEAN 2025: Cam kết về bao trùm và bền vững

ASEAN 2025: Cam kết về bao trùm và bền vững

(PNTĐ) - Malaysia đã chọn chủ đề “Bao trùm và Bền vững” cho năm Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2025, một năm đặc biệt khi ASEAN kỷ niệm 10 năm Cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột.
Chú trọng kỹ năng sống, toán học và tiếng Anh để trở thành công dân toàn cầu

Chú trọng kỹ năng sống, toán học và tiếng Anh để trở thành công dân toàn cầu

(PNTĐ) - Ngày nay, việc phát triển kỹ năng công dân toàn cầu là cần thiết, nhằm hướng dến việc đào tạo ra thế hệ trẻ tiên phong - những người có thể học tập tại bất cứ đâu, sống ở bất cứ đâu và làm việc tại bất kỳ quốc gia nào. Bất kỳ ai cũng có khả năng trở thành công dân toàn cầu, miễn là họ có mục tiêu rõ ràng và nỗ lực không ngừng, đặc biệt khi được hỗ trợ bởi một chương trình đào tạo chất lượng, ngay từ lứa tuổi mầm non.