Đi tìm văn hóa giao thông

Chia sẻ

PNTĐ-Dù biết còn muôn vàn khó khăn để một chủ trương đi vào cuộc sống nhưng ngay từ bây giờ những thiết chế văn hóa giao thông đang từng bước được xây dựng.

 
Hà Nội đặt mục tiêu trọng tâm trong 5 năm tới sẽ tập trung mọi nguồn lực đầu tư các công trình giao thông, tăng cường công tác quản lý, bảo trì và phát triển có hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông. Cũng chưa khi nào Thành phố lại "mạnh tay" đưa ra dự thảo tăng cường phương tiện công cộng, từng bước hạn chế xe cá nhân, định hướng tới năm 2025 sẽ dừng xe máy cá nhân… Dù biết còn muôn vàn khó khăn để một chủ trương đi vào cuộc sống nhưng ngay từ bây giờ những thiết chế văn hóa giao thông đang từng bước được xây dựng.

Sức ép không ngừng gia tăng

Trong khi cả xã hội đang ngồi bàn và nỗ lực thực hiện vô vàn giải pháp chống ùn tắc giao thông cho Thủ đô Hà Nội với định hướng rõ ràng là loại bỏ phương tiện cá nhân trong tương lai thì tại một căn phòng rộng khoảng trăm mét vuông ở Trung tâm xử lý thông tin của Kênh VOV Giao thông Quốc gia hàng giờ, hàng phút vẫn đang nhận cuộc gọi của khán thính giả báo về tình trạng ùn tắc giao thông. Những thông tin “thập cẩm” nhưng đang phản ánh chính xác tình trạng gia tăng phương tiện xe máy đã đến mức báo động. Bất kỳ lúc nào, tại một ngã tư, ngã ba, một con phố có cây đổ, đường đang thi công hay xảy ra va chạm giao thông, thiếu bóng dáng lực lượng chức năng… thì sẽ lập tức xảy ra ùn tắc. Các chuyên gia  giao thông đã “chỉ mặt, đặt tên” lý do khách quan gây ùn tắc liên quan mật thiết tới văn hóa giao thông và chính là ý thức người đi đường.
Đi tìm văn hóa giao thông - ảnh 1
Dù cấm ô tô nhưng mỗi khi có sự kiện xe máy gây ùn tắc
kinh hoàng hơn trên các tuyến phố chính
 
Bà Mai Kiều Tuyết, Phó trưởng Phòng Giao thông Hà Nội, Kênh VOV Giao thông Quốc gia cho biết, hiện một ngày VOV Giao thông nhận được khoảng hơn 1.000 cuộc gọi gồm cung cấp thông tin về giao thông, hỏi luật, hỏi đường… Các cuộc gọi đều được phân loại xử lý để đưa vào chương trình trực tiếp, hoặc giải đáp qua các chuyên mục tùy tính cấp thiết…

Theo bà Mai Kiều Tuyết, phần lớn các cuộc gọi cung cấp thông tin về ùn tắc giao thông đều có nguyên nhân từ các phương tiện chủ yếu là xe máy lấn làn, không nhường đường, cố tình leo lên vỉa hè, vượt dải phân cách mỗi khi vào giờ cao điểm để mong đến công sở sớm. Ngoài ra, vào mùa hè còn có hiện tượng người điều khiển xe máy dừng đèn xanh đèn đỏ dưới bóng râm, có khi cách xa vị trí tín hiệu giao thông cả chục mét dẫn đến cả dòng phương tiện ùn tắc theo phía sau.

Phòng CSGT – CATP Hà Nội nhận định, nếu không có giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân thì việc ùn tắc sẽ trở thành gánh nặng giao thông đô thị. Hiện Hà Nội đang có khoảng 5,5 triệu phương tiện, trong đó 535.000 ô tô và hơn 4,9 triệu mô tô đăng ký, chưa tính số lượng xe mang biển số ngoại tỉnh vẫn đang lưu thông trên địa bàn. Sức ép vẫn không ngừng gia tăng khi bình quân mỗi tháng, Hà Nội đăng ký mới 18.000 - 22.000 xe máy, 6.000 - 8.000 ô tô.  Sức ép về phương tiện sẽ làm tăng thêm những yếu tố liên quan đến con người như văn hóa ứng xử khi đi trên đường.

Hướng tới mục tiêu cụ thể

Là một người “ngoại đạo”, nhưng nhà điêu khắc Nguyễn Bá Trạch, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội có cái nhìn rất dí dỏm về tương lai của những chủ nhân chiếc xe máy. Theo ông, thói quyen sử dụng xe máy của người dân Hà Nội đang có vấn đề. Ví dụ như chỉ cần bước ra khỏi nhà từ phố nọ đến phố kia với khoảng cách vài chục đến vài trăm mét người dân cũng phải lấy xe máy để đi. Có khi sang đường để ăn quà, uống café cũng phải đi xe máy. Dường như người Hà Nội đang thờ ơ với phương tiện giao thông công cộng như xe buýt khi chỉ một bộ phận nhỏ sinh viên, người cao tuổi… “mặn mà” với phương tiện này. Nhưng thói quen sử dụng xe máy trở thành “tập tục” này sẽ sớm không còn. Thậm chí xe máy sẽ trở thành những phương tiện đóng vai trò nhỏ trong xã hội dùng để vận chuyển hàng hóa trong điều kiện  Hà Nội trở thành thành phố xanh có nhiều tuyến phố đẹp để người dân có thể vừa đi bộ, vừa mua sắm và vui chơi như thủ đô các nước châu Âu, Singapore, Nhật Bản…

Tại hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội diễn ra ngày 27/6 vừa qua, trong dự thảo chương trình 06 “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh hiện đại giai đoạn 2016 - 2020”, Thành ủy Hà Nội đặt ra mục tiêu trọng tâm trong 5 năm tới thành phố sẽ tập trung mọi nguồn lực đầu tư các công trình giao thông khung, đầu tư xây mới các bến xe khách liên tỉnh theo xu hướng hiện đại, tăng cường công tác quản lý, bảo trì và phát triển có hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông.

Cùng với đó, Hà Nội sẽ rà soát, điều chỉnh và tăng thêm các tuyến xe buýt cho phù hợp, tăng cường giao thông công cộng, từng bước hạn chế xe cá nhân. Phấn đấu tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng đạt 20 - 25%, diện tích đất dành cho giao thông tăng từ 0,3 - 0,5% đất đô thị/năm, đưa tổng diện tích đất dành cho giao thông đạt 10 - 13% đất đô thị vào năm 2020. Đặc biệt, dự thảo đưa ra nhiệm vụ tăng cường phương tiện công cộng, từng bước hạn chế xe cá nhân, định hướng tới năm 2025 sẽ dừng xe máy cá nhân.

Có vẻ như không liên quan đến văn hóa giao thông nhưng mỗi một chính sách đưa ra đang có ảnh hưởng đến hành vi của những người xuống đường mỗi ngày. Dẫn chứng về việc này, thời gian gần đây vì sao khi Hà Nội lại “mạnh dạn” lựa chọn mốc 2025 sẽ “loại bỏ” xe máy lại có những phản hồi!?  Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng – Trưởng phòng CSGT, CATP Hà Nội phân tích từ kinh nghiệm của các nước phát triển, để tránh người dân hiểu lầm về việc cấm phương tiện xe máy và để có lộ trình để phương tiện công cộng dần dần thay thế phương tiên cá nhân thì mốc thời gian 10 năm được coi là khoa học vì đến năm 2025 xe máy sẽ vẫn là phương tiện kiếm sống của một bộ phận nhỏ người dân.

Nhìn theo góc độ nhân văn, xe máy là một thiết chế văn hóa giao thông, trước mắt CSGT Hà Nội  là cơ quan tham mưu chính đề xuất với Bộ CA và Chính phủ phải gia hạn niên hạn sử dụng cho xe máy như đối với ô tô có thế mới loại bỏ được các phương tiện xe máy lắp ráp từ Trung Quốc cách đây khoảng 10 năm và những đời xe cổ như xe Honda Cup có tuổi thọ lên đến 40 năm vẫn được người dân sử dụng. Phải quy định niên hạn bởi những phương tiện này là một trong những nguy cơ mất an toàn giao thông, không bảo đảm chất lượng tiêu chuẩn về mặt chất lượng,  an toàn kỹ thuật bởi thực tế hiện nay chưa có quy trình kiểm định đo đếm phương tiện xe máy. Hiện tại  một số tuyến trên địa bàn Hà Nội (như cao tốc) đã áp dụng biện pháp cấm không cho phương tiện xe máy được phép hoạt động như một giải pháp cụ thể hướng người dân vào đúng quỹ đạo của sự phát triển của một đô thị văn minh, hiện đại tương lai.
 
Dương Hiệp

Tin cùng chuyên mục

Huyện Phúc Thọ đẩy mạnh chuyển đổi số trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân

Huyện Phúc Thọ đẩy mạnh chuyển đổi số trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân

(PNTĐ) - Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn đề nghị ngành y tế cần đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong phòng, chống dịch bệnh, xây dựng nền tảng số kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở khám chữa bệnh. Đồng thời, tích cực triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử ở tất cả các cơ sở y tế…
Lan tỏa văn hóa giao thông đến người dân Thủ đô

Lan tỏa văn hóa giao thông đến người dân Thủ đô

(PNTĐ) - Sáng 27/12, tại Trường Liên cấp Newton (quận Bắc Từ Liêm), Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Công an TP, Sở GTVT, Sở GD&ĐT, Văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội… tổ chức Lễ tổng kết Chương trình truyền thông "Vì an toàn giao thông Thủ đô" năm 2024 và phát động Chương trình năm 2025.
Bàn giải pháp phát triển đô thị Hà Nội xanh bền vững

Bàn giải pháp phát triển đô thị Hà Nội xanh bền vững

(PNTĐ) - Ngày 12/12, tại Hà Nội, Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức Diễn đàn phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững. Hơn 100 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành, các doanh nghiệp và nhiều diễn giả là chuyên gia hàng đầu về phát triển quy hoạch, phát triển đô thị đã tập trung thảo luận các khung pháp lý,cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển hơn nữa các đô thị theo hướng xanh, bền vững.
Phụ nữ làm nòng cốt, toàn thể nhân dân cùng vào cuộc

Phụ nữ làm nòng cốt, toàn thể nhân dân cùng vào cuộc

(PNTĐ) - Việc triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội trong những năm qua đã mang lại chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn còn đó những hành vi ứng xử thiếu văn minh. Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình, các cấp Hội LHPN quận Nam Từ Liêm đã triển khai mô hình "Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu trong thực hiện quy tắc ứng xử", với nhiều hoạt động nhằm lan tỏa nếp sống văn minh trong cộng đồng.