Không ngủ để làm đẹp Thành phố
PNTĐ-Khi những dòng xe không còn hối hả trên đường, hàng quán đã đóng cửa, thì những người công nhân, trong đó không ít phụ nữ xa quê mới bắt đầu công việc của một ngày mới.
![]() |
Chị Kiều Thị Trúc đang lật những viên gạch vỡ ra để thay gạch mới vào |
Phố phường trong những ngày bầu cử hay đón những dịp lễ lớn dường như nhộn nhịp hơn mọi khi, Hồ Gươm như được khoác áo mới với nhiều cờ, hoa, băng rôn, khẩu hiệu... nên người dân đổ ra phố đông hơn. Hòa trong dòng người nhộn nhịp ấy, những công nhân của công ty Thảo viên xanh đang tất bật chăm sóc những bồn cây cảnh, lát lại vỉa hè… để duy trì cảnh quan cho Thủ đô.
Ngồi lặng lẽ cạnh bồn hoa vừa trồng xong, chị Nguyễn Thị Cúc tranh thủ ăn tạm bữa tối bằng miếng khoai luộc và túi nước mía uống dở từ chiều. Chị cho biết mình đang thực hiện nhiệm vụ trông coi vườn hoa, không để người dân ngắt nhổ những bông hoa mới trồng trong khi chờ đợi một đội khác đến nhận nhiệm vụ. Đây là khâu cuối trong 8 tiếng làm việc một ngày của những công nhân trồng hoa sau khi thay mới toàn bộ hoa, bón phân, tưới nước và làm hàng rào bảo vệ cho những bồn hoa mới trồng. “Công việc cũng không quá khó, rất đơn giản, chúng tôi làm quen tay rồi nên không thấy vất vả gì. Tuy vậy, một năm cứ đôi ba lần trước các ngày lễ lớn là khối lượng công việc nhiều hơn, tất bật hơn. Chúng tôi dường như không có ngày nghỉ” - chị Cúc cho biết.
Cách đó không xa, những người đồng nghiệp của chị đang gấp rút hoàn thành công việc để giao ca cho một đội khác. Vừa thoăn thoát đặt những gốc hoa xuống đất, Hạnh- nữ công nhân gần như trẻ nhất đội vừa say mê nói về nghề trồng hoa: “Trồng hoa không chỉ đơn giản là trồng cho xong. Hoa rất cần được chăm sóc, tưới tắm đều đặn thì mới duy trì được sự tươi mới. Hàng ngày, chúng em đều có người thay nhau bón phân, chăm sóc cho các bồn hoa, giữ cho hoa trong và sau các ngày lễ luôn được rực rỡ như khi mới trồng. Ngày nào chúng em cũng phải thay nhau luôn phiên chăm sóc những bồn hoa ở đây". Trở về sau nhiều năm đi xuất khẩu lao động, Hạnh theo các chị em trong xã từ Vĩnh Phúc xuống Hà Nội để ngày ngày làm công việc trồng hoa chăm sóc cây cảnh trong lúc chờ cơ hội tiếp tục đi xuất khẩu lao động lần nữa.
Trong nhóm công nhân làm việc của công ty Thảo viên xanh mà tôi gặp hôm ấy, có rất nhiều người đến từ những vùng quê nghèo gần Hà Nội như Hạnh. Cứ hết ngày mùa, họ lại tranh thủ bắt xe xuống Hà Nội để trồng hoa kiếm thêm thu nhập, lo trang trải học hành cho con cái. Dù với mục đích gì, thì ở họ cũng toát lên tình yêu với thiên nhiên, cây cỏ. Bởi cái nghề trồng trọt, nếu không chăm sóc tỉ mỉ thì cây cối chẳng thể xanh tươi. Mà để làm được thì trong tâm họ ngoài tình yêu nghề, còn cần tình yêu cây cỏ.
Đêm về khuya, khi nhóm công nhân trồng hoa rục rịch ra về, người dân quanh hồ cũng dần thưa thớt, những công nhân lát gạch ven hồ lại rộn ràng bắt tay vào công việc. Trong một góc bên cổng đền Ngọc Sơn, một nhóm công nhân đang tỉ mẩn lật những viên gạch đã vỡ, chuẩn bị thay mới bằng những viên gạch sáng hơn. Người trộn xi hồ, người xách nước, tiếng trò truyện rôm rả cả một góc hồ tĩnh lặng. Trong nhóm công nhân ấy tôi đặc biệt chú ý đến người phụ nữ chừng 35 tuổi đang thoăn thoát trộn vữa. Chị Kiều Thị Trúc là người phụ nữ duy nhất trong đội, cũng đã có không ít năm gắn bó với nghề và những đêm trắng trên các công trường. “Cuộc sống nên phải đi làm thôi. Mỗi người mỗi nghề mà” - chị chỉ cười và nói đôi câu ngắn ngủi, trong khi những người đồng nghiệp của chị luôn miệng pha trò để xua đi cơn buồn ngủ. Những phút giây ấy phần nào giúp họ vượt qua những đêm trắng dài đằng đẵng.
Giữa những câu chuyện tếu táo, những người công nhân ấy khiến tôi lúng túng khi đoán tuổi từng người. Sương gió của đêm đã làm cho vóc dáng họ già hơn tuổi và khuôn mặt dường như cũng khắc khổ hơn. Không chỉ đào hết lớp gạch cũ, công việc của họ còn phụ thuộc vào việc chuẩn bị vật tư, bốc vật tư vào tận nơi, thế nên mỗi đêm, một tổ chừng 5-6 người chỉ làm được chừng 20 mét vuông. Trời về sáng, trước khi kết thúc công việc, họ phải quét dọn gọn gàng sạch sẽ vỉa hè, trả lại không gian sáng đẹp cho người dân Thủ đô. “Nghề này hầu như đều phải làm đêm vì phải đảm bảo việc đi lại, sinh hoạt cho người dân. Chúng tôi đã huy động từ 3-4 tổ, mỗi tổ 5-6 công nhân làm liên tục. Công việc hiện tại đã tương đối xong, chỉ chừng 3 - 4 ngày nữa là có thể hoàn tất, bao gồm cả việc lắp toàn bộ ghế gỗ mới ven hồ"- Anh Khương Ngọc Hà, công ty Dịch vụ Đô thị phấn khởi cho biết.
Trời về đêm, không khí hối hả, khẩn trương vẫn bao phủ quanh khu vực Bờ Hồ. Còn bao ngày lễ nữa trong năm đang tới gần, sau mỗi đêm, những tuyến phố sẽ thêm rực rỡ, những con đường sẽ thêm đẹp và sáng xanh. Công sức ấy một phần nhờ những người công nhân nhỏ bé với những công việc lặng thầm mà tôi đã gặp trong đêm…
Nguyễn Thị Hạnh