Phát huy vai trò của quy ước, hương ước trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

M.THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 30/11, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Tọa đàm "Nâng cao chất lượng xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh và phát huy vai trò của quy ước, hương ước trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở".

Chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Sở Văn hóa và Thể thao có: ông Phạm Cao Thái - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; bà Trần Thị Vân Anh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; ông Phạm Anh Tuấn - Chánh Văn phòng Sở Xây dựng Hà Nội. Hội nghị cũng có sự tham gia của các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội với hình thức trực tuyến.

Phát huy vai trò của quy ước, hương ước trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở - ảnh 1
Bà Trần Thị Vân Anh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu tại Tọa đàm 

Phát biểu đề dẫn Hội nghị, bà Trần Thị Vân Anh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: Đến tháng 7/2021 toàn Thành phố có 4.726/5.404 thôn, tổ dân phố có quy ước, trong đó có 1.232 quy ước đã được sửa đổi, bổ sung. Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn, làng trong thời gian qua đã đem lại những kết quả thiết thực đối với công tác quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư, góp phần đưa pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước; giữ gìn, phát huy truyền thống tập quán tốt đẹp ở cơ sở; bài trừ các hủ tục lạc hậu; hình thành giá trị chuẩn mực xã hội phù hợp với truyền thống, bản sắc của địa phương; phát huy và mở rộng dân chủ ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống văn minh, phát huy hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

Việc triển khai xây dựng các tiêu chí đô thị văn minh sẽ mang lại những lợi ích thiết thực về phát huy tinh thần sáng tạo, đoàn kết của nhân dân toàn thành phố trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, y tế, giữ gìn vệ sinh môi trường, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, phát huy dân chủ, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh…

"Việc đánh giá tổng thể vấn đề về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, xây dựng đô thị văn minh trên địa phàn thành phố cần xác định rõ những kết quả cũng như hạn chế nhằm bổ sung, hoàn thiện và đưa ra các giải pháp mang tính hệ thống, đồng bộ, tổng thể lâu dài, có tính khả thi để thực hiện hiệu quả. Các giải pháp đề xuất phải mang tính đặc thù, đặc trưng văn hóa, phong tục, tập quán của mỗi thôn, làng, tổ dân phố, phường, thị trấn" - bà Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh.

Phát huy vai trò của quy ước, hương ước trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở - ảnh 2
Ông Phạm Cao Thái - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh. Ảnh: Phạm Linh

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng được ông Phạm Cao Thái - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập huấn triển khai Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện quy ước hương ước của cộng đồng dân cư và Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh.

Với những những yêu cầu đặt ra, Hội nghị tọa đàm tập trung vào những nội dung trọng tâm: Những kinh nghiệm thực tiễn trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, ban chỉ đạo và các ngành, các cấp đối với việc triển khai xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở cơ sở, xây dựng đô thị văn minh. Các đại biểu tại buổi tọa đàm cũng trình bày về những kết quả, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; những thuận lợi, khó khăn và kinh nghiệm bước đầu; các giải pháp đẩy mạnh, nâng cao chất lượng và hiệu quả việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, xây dựng đô thị văn minh trong thời gian tới; phát huy vai trò tự quản tại cộng đồng dân cư, triển khai phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh; quy tắc ứng xử, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Về xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh, ý kiến của đại diện các Sở, ngành, địa phương trao đổi tại Hội nghị thống nhất đánh giá, việc triển khai mô hình này bước đầu mang lại những kết quả khả quan. Dễ nhận thấy là phong trào văn hóa, thể thao ở đô thị ngày càng phát triển, nếp văn hóa ứng xử của người dân, cộng đồng dân cư ở nơi công cộng từng bước được nâng lên. Công tác tạo việc làm, bảo đảm thu nhập của người dân đô thị được nhiều bên quan tâm thực hiện, qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Nhằm đạt các tiêu chí về đô thị văn minh, đại biểu quận Ba Đình cho rằng, thời gian tới, địa phương cần phát huy những kết quả đạt được; tập trung thực hiện tốt 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cụ thể như: Tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ những khó khăn trong lĩnh vực quản lý đô thị, vệ sinh môi trường; Có chế tài xử lí cụ thể, kịp thời và đủ sức răn đe đối với những hành vi lệch chuẩn, vi phạm pháp luật và biểu dương, khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân có cách làm hay, thành tích tiêu biểu; Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng đô thị một cách đồng bộ và phát triển theo hướng thông minh, hiện đại; tăng cường tuyên truyền, thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc…

Phát huy vai trò của quy ước, hương ước trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở - ảnh 3
Đại biểu điểm cầu huyện Thạch Thất phát biểu ý kiến

Về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, đại diện lãnh đạo UBND huyện Đông Anh cho biết, nhằm phát huy hiệu quả vai trò của hương ước, quy ước trong cộng đồng dân cư, đồng thời phát huy các nguồn lực xã hội để góp phần đưa các quy định của hương ước, quy ước vào thực tiễn đời sống xã hội, thời gian tới, huyện Đông Anh sẽ phát huy tính dân chủ, sự chủ động của cộng đồng ở cơ sở trong quá trình xây dựng và thực hiện hương ước. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; tăng cường đầu tư về nguồn lực, tạo điều kiện đảm bảo việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý, xây dựng, hướng dẫn thực hiện hương ước, quy ước ở cơ sở…  Tại huyện Đông Anh, Huyện ủy - UBND huyện Đông Anh đã ban hành các văn bản chỉ đạo việc bổ sung quy chế dân chủ và quy ước thôn, tổ dân phố năm 2019, 2022; chỉ đạo việc thực hiện bổ sung quy ước các thôn, tổ dân phố năm 2019, 2022; hướng dẫn xây dựng, công nhận, sửa đổi, bổ sung, thay thế hương ước, quy ước; tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và thực hiện bổ sung quy ước tại các thôn, tổ dân phố. Việc xây dựng và thực hiện hương ước đã phát huy được tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, tính tự chủ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và phát huy được dân chủ tại cơ sở, hạn chế được các tệ nạn xã hội, đảm bảo trật tự, an ninh tại địa phương. Qua thời gian triển khai thực hiện, đến nay 195/195 thôn, tổ dân phố tại huyện Đông Anh đã tiến hành bổ sung, sửa đổi, phê duyệt hương ước, quy ước phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

Đại diện huyện Quốc Oai báo cáo, hàng năm đơn vị đều có văn bản gửi các địa phương rà soát kiểm tra những hương ước, quy ước, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, 100% các đơn vị đã hoàn thành sửa đổi, bổ sung và được huyện công nhận. Đơn cử như việc thực hiện hỏa táng được địa phương được đưa vào quy ước, hương ước để tuyên truyền và người dân thực hiện vô cùng triệt để. Công tác vệ sinh môi trường, khẩu hiệu "Sạch từ nhà ra ngoài ngõ" được một số địa phương triển khai hiệu quả. 

Tại Thanh Oai, hương ước quy ước góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, duy trì phong tục tập quán, bài trừ hủ tục lạc hậu, giải quyết những mâu thuẫn, phát huy quỹ khuyến học, văn hóa cơ sở tại địa phương. Đại diện huyện Thạch Thất cho biết: Sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn huyện Thạch Thất, cơ bản nội dung của quy ước đã bám sát với tình hình thực tế của địa phương. Quy ước đã góp phần phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương, truyền thống, tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư và các nội dung xây dựng nếp sống văn hóa trong sinh hoạt hàng ngày như: Việc cưới, việc tang, việc mừng thọ và lễ hội, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phát triển sản xuất, nếp sống văn minh đô thị, xây dụng Nông thôn mới, thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh...

Phát biểu kết luận Hội nghị, bà Trần Thị Vân Anh cho biết: Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện quy ước hương ước của cộng đồng dân cư là cơ hội để chúng ta rà soát lại những điểm làm được, làm chưa được để nhận thức sâu sắc hơn. Vì thế, chúng ta phải đánh giá và tập trung vào nội dung hương ước có chọn lọc, không ôm đồm, hướng tới thực hiện luật Dân chủ cơ sở trong thời gian tới. Dù khá yên tâm về việc triển khai, thực hiện tại các địa phương trên địa bàn Hà Nội nhưng không được chủ quan mà phải nghiêm túc, cầu thị để đem đến kết quả tốt nhất.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đừng để thiếu kiến thức sức khỏe tình dục làm tăng lây nhiễm HIV

Đừng để thiếu kiến thức sức khỏe tình dục làm tăng lây nhiễm HIV

(PNTĐ) - Chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống AIDS và Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay nhấn mạnh vai trò sáng tạo và tầm quan trọng của những đóng góp của cộng đồng người sống với HIV, người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV và chịu ảnh hưởng bởi HIV vào các nỗ lực chung của quốc gia nhằm khống chế dịch HIV và thực hiện các mục tiêu quốc gia về chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, để HIV và AIDS sẽ không còn là một mối nguy cho sức khỏe cộng đồng.