Sống Xanh cho thành phố Xanh
PNTĐ-Sống Xanh là quan điểm sống mà nhiều bạn trẻ đang theo đuổi.
|
Bằng việc ứng xử thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, không xả rác bừa bãi… các bạn muốn góp phần bảo vệ màu xanh cho thành phố quê hương nói riêng và đất nước Việt Nam tươi đẹp nói chung.
Từ nhiều năm qua, tại trường THCS Trung Hòa, Cầu giấy, Hà Nội, sống xanh đã trở thành phong trào quen thuộc, được đông đảo học sinh hưởng ứng. Theo bà Nguyễn Thị Tạo, phó hiệu trưởng nhà trường, bằng nhiều hình thức tuyên truyền các nhau, các thầy cô giáo đã giúp học sinh của mình hiểu và thực hiện sống xanh bằng những hành động hết sức gần gũi, thiết thực.
Chẳng hạn sống xanh là ra khỏi phòng tắt điện, rửa tay xong thì tắt nước, biết tái chế rác thải thành những vật dụng có ích. Trong lớp học, những thùng mì được tận dụng, biến thành những hộp đựng rác xinh xắn. Không chỉ có ý thức vứt đúng chỗ, với mỗi loại rác, các bạn nhỏ còn biết phân biệt thành các loại tái chế được và không tái chế được. Chẳng hạn, vở chai nước, que kem, chiếc bút bi hết mực, ống hút… đều được các bạn bỏ vào thùng đựng rác tái chế để sau đó cô trò, qua đôi bàn tay khéo léo, cùng biến hóa chúng thành những ống cắm bút, đồ chơi, con giống nhựa… xinh xắn, ngộ nghĩnh. Với phong trào sống Xanh, số rác thải bị đổ bỏ ít hơn. Quang cảnh của trường cũng sạch sẽ, khang trang hơn…
Cùng với ý thức giữ gìn môi trường, các bạn nhỏ của trường THCS Trung Hòa còn học được dạy về lối sống tiết kiệm điện, nước. Một học sinh lớp 8A cho biết, trước đây, em ra khỏi phòng thì vẫn để điện sáng. Nay, em đã luôn ý thức “tắt khi không sử dụng”. Ngay cả cách sử dụng nước để rửa tay, các em cũng biết nên mở nước lúc nào cho hiệu quả, tay vẫn sạch mà không để nước chạy ồ ạt rất lãng phí. “Nguồn nước của thành phố có hạn, vì thế, chúng ta cần có ý thức giữ gìn tài nguyên chung, cũng là giữ gìn môi trường sống bền vững của chính mình”.
Không chỉ thay đổi bản thân mỗi học sinh THCS Trung Hòa giờ đây còn trở thành tuyên truyền viên bảo vệ môi trường, nhắc nhở các thành viên khác trong gia đình cũng… sống xanh như mình. Có em “rủ” bố trồng nhiều cây xanh trong nhà, ngoài ngõ để tô màu xanh cho không gian sống. Có em “tuyên truyền” tới mẹ một số bí quyết như chỉ bật nồi cơm 30 phút trước bữa ăn, lau chùi tủ lạnh thường xuyên để tiết kiệm điện, dùng nước vo gạo để tưới rau, lấy nước cốt chanh hoặc dấm pha với nước làm chất tẩy rửa kháng khuẩn bỏ một chai nước vào thùng giật của bồn cầu để mỗi lần xả là một lần tiết kiệm được 1 chai nước… Bằng cách đó, chính gia đình các em cũng tiết kiệm được một phần chi phí trong sinh hoạt, lại hạn chế ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên.
Cứ như vậy, phong trào sống Xanh đã lan tỏa, tạo nên chuyển biến rõ rệt trong ý thức của các học sinh Trung Hòa và từ các em đã âm thầm “ngấm” vào nhiều tổ ấm khác. Cô Tạo tin rằng, nếu mỗi người dân, từ già trẻ, lớn bé… đều có ý thức sống Xanh, thì Thủ đô cũng sẽ ngày một xanh hơn, đẹp hơn, sạch hơn. Đặc biệt nếu những học sinh hôm nay sớm được rèn ý thức sống thân thiện thì mai này, khi lớn lên, các em cũng sẽ thành những công dân biết giữ gìn vẻ đẹp của thành phố.
Tương tự như vậy, cô gái trẻ Huỳnh Mai Anh cũng đã trở thành Đại sứ môi trường Bayer VN 2012 khi có nhiều hoạt động kêu gọi mọi người sống thân thiện với môi trường. “Khi nhắc đến bà nội trợ, người ta nghĩ đến nấu nướng, bếp núc, dọn dẹp nhà cửa/ Nhưng khi nhắc đến bà nội trợ, tôi nghĩ về tái chế, về môi trường/Người nội trợ sử dụng nhiều điện nước trong công việc hàng ngày của mình, tại sao không tuyên truyền cho họ cách tiết kiệm, điện nước/Người nội trợ thu dọn lon, chai trong gia đình, tại sao không cung cấp cho họ cách tái chế lon chai?...”- Mai Anh viết.
Cô cũng đã có rất nhiều ý tưởng để giúp các bà nội trợ tiết kiệm năng lượng (điện, nước, gas) và tái chế rác thải… Càng ngày, trong xã hội phát triển, khi công nghiệp hóa được đẩy mạnh thì cũng đồng nghĩa với việc, sẽ có nhiều ô nhiễm môi trường hơn. Đô thị cũng sẽ trở nên chật chội, bí bách hơn với khói bụi, kẹt xe, rác thải…
Thế nhưng, nếu từng người, góp sức bảo vệ giữ gìn thì môi trường thành phố sẽ trong lành hơn. Cũng như Mai Anh, nhiều bạn trẻ là sinh viên ĐH KHXH và NV, sinh viên ĐH Ngoại thương lại có sáng kiến động viên mọi người hạn chế sử dụng nhiều túi ni long khi đi chợ mà thay bằng túi vải có thể dùng nhiều lần, hoặc túi giấy thân thiện với môi trường. Ngày lễ Tết, khi đi lễ chùa, các bạn nhắc nhở người thân không đốt hương nghi ngút, hay đốt vàng mã quá nhiều làm ảnh hưởng tới môi trường.
PV