Tìm mái ấm hạnh phúc cho những trẻ thơ thiệt thòi
PNTĐ-Phụ trách công tác tư pháp, hộ tịch ở một phường trung tâm TP, trách nhiệm đặt lên vai chị Nguyễn Thị Hồng Minh, nữ cán bộ bộ phận Một cửa phường Thanh Nhàn không hề nhẹ.
Phụ trách công tác tư pháp, hộ tịch ở một phường trung tâm TP, đông dân (trên 22 nghìn nhân khẩu), trách nhiệm đặt lên vai chị Nguyễn Thị Hồng Minh (SN 1981), nữ cán bộ bộ phận Một cửa phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng không hề nhẹ.
![]() |
Chị Nguyễn Thị Hồng Minh đang tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận Một cửa phường Thanh Nhàn |
Đảm nhiệm hơn chục đầu việc, từ công tác chứng thực, khai sinh, khai tử, kết hôn cho đến tiếp công dân, hòa giải vụ việc, kiểm soát các thủ tục hành chính… nên 8 tiếng làm việc hành chính mỗi ngày để có thể xử lý những hồ sơ nhận được tại bộ phận Một cửa chị Minh phải cố gắng rất nhiều. Nhưng với phương châm, lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo hiệu quả công việc, chị Minh luôn tận tụy, dốc lòng, dốc sức, giải quyết có hiệu quả mọi hồ sơ, thủ tục của nhân dân.
Công tác tại phường Thanh Nhàn – địa bàn đặt bệnh viện Thanh Nhàn của TP nên công việc tư pháp của chị Minh còn có những đặc thù riêng. Đó là việc phối hợp để làm thủ tục khai sinh cho những trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Khi nhận được tin báo của bệnh viện, chị Minh luôn cố gắng sắp xếp công việc, kịp thời có mặt phối hợp với Công an phường và bệnh viện để hoàn thành các thủ tục nhân thân đầu đời cho các bé một cách nhanh chóng, để các con được chuyển đến các mái ấm hoặc trung tâm nuôi dạy trẻ. Không những vậy, chị còn “mát tay” kết nối hạnh phúc cho nhiều cháu bé với các gia đình hiếm muộn.
Có lần, cùng lúc cả 3 gia đình hiếm muộn đều nhận xin nuôi một cháu bé. Vì quá sốt ruột, sợ phải chờ đợi lâu và lo rằng không đến lượt mình được xin con nuôi nên một gia đình đã tranh thủ rỉ tai, ngỏ ý biếu chị Minh một khoản tiền khá lớn (gấp 5-7 lần lương công chức) với hy vọng chị sẽ đồng ý, hoàn thiện nhanh các thủ tục pháp lý để đứa bé được về làm con của mình. Không bị cám dỗ bởi vật chất, chị Minh đã nhẹ nhàng từ chối và lựa lời phân tích để họ chấp nhận sự công bằng, kiên nhẫn chờ đợi. Cùng đó, chị công khai các thủ tục nhận nuôi để 3 gia đình cùng thực hiện, gia đình nào hoàn tất thủ tục trước thì được nhận nuôi cháu bé.
Học Luật, hằng ngày tiếp xúc với quy định tư pháp khô khan nhưng trong công việc của mình, chị Minh cũng thường giải quyết những trường hợp khó liên quan đến việc giải quyết hồ sơ nhân thân của những cháu bé. Thậm chí có những hồ sơ thuộc diện cá biệt mà quy định của luật và các văn bản hướng dẫn chưa “phủ” hết được.
Trong những trường hợp như vậy, nữ cán bộ tư pháp không thể cứng nhắc “bê” văn bản để giải quyết mà với cái tình của người mẹ, trách nhiệm của cán bộ công chức với nhân dân, chị Minh trăn trở, tìm đủ cách để tham mưu với lãnh đạo tháo gỡ. Trò chuyện với phóng viên, chị Minh và cán bộ công chức của phường Thanh Nhàn vẫn nhớ như in trường hợp làm giấy khai sinh cho hai cháu bé ở địa bàn dân cư số 1. Hai cháu ở với ông bà nội già yếu, bố mẹ bỏ đi nhiều năm không có tin tức gì. Mãi đến khi cháu bước vào tuổi lên 6, chuẩn bị đi học lớp 1, ông bà mới đến phường hỏi các thủ tục làm giấy khai sinh. Bộ phận Một cửa đã hướng dẫn gia đình những hồ sơ và thủ tục cần thiết. Tuy nhiên, do gia đình không đáp ứng được những yêu cầu đó nên không hài lòng, liên tục gửi đơn thư về phường.
Trước tình hình đó, chị Minh đã chủ động xuống địa bàn dân cư, phối hợp với tổ trưởng dân phố, cán bộ cảnh sát khu vực để tìm hiểu và được biết, gia đình các cháu khá đặc biệt: bà nội bị bệnh nặng trong khi thủ tục cấp giấy khai sinh yêu cầu có chữ ký của cả bố, mẹ cháu bé, kèm theo giấy chứng sinh, chứng nhận vợ chồng... nhưng các giấy tờ trên, gia đình đều không cung cấp được.
Vì đây là trường hợp đặc biệt, nằm ngoài quy định, chị phải nhiều đêm nghiên cứu tìm hướng giải quyết tốt nhất, sau đó đề xuất với lãnh đạo cách làm linh động. Nhờ sự tận tình của chị Minh, đến nay, hai cháu bé đó đã được cấp giấy khai sinh và đã được đến trường.
Chị Minh còn là một cán bộ hòa giải tốt ở cơ sở, từng giải quyết thành công nhiều vụ tranh chấp đền bù đất đai phức tạp. Chị chia sẻ “Có vụ, tôi phải theo đuổi, vận động, cố gắng thuyết phục, hòa giải đằng đẵng suốt 3 năm trời; tổ chức mấy chục cuộc họp với gia đình, tổ dân phố và lãnh đạo phường”.
Nữ cán bộ tư pháp hộ tịch Nguyễn Thị Hồng Minh đã góp phần để phường Thanh Nhàn trở thành một trong những đơn vị được đánh giá là có nhiều cải thiện tích cực trong cải cách hành chính của quận Hai Bà Trưng và TP.
Mai Anh