Giúp người cao tuổi vận động thể lực đúng cách

Chia sẻ

Với người cao tuổi, vận động thể lực không chỉ giúp phòng, chống các bệnh mãn tính không lây nhiễm, mà còn làm tăng hiệu quả điều trị bệnh, giảm té ngã.

 
Vận động thể lực giúp phòng chống, tăng hiệu quả điều trị bệnh không lây nhiễm
Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hoá nhanh nhất thế giới. Hiện nước ta có gần 12% người trên 60 tuổi. Dự kiến, 30 năm nữa, cứ 4 người dân Việt lại có một người cao tuổi.
Với người cao tuổi, tuổi thọ tăng kéo theo gánh nặng bệnh tật. Khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây nhiễm như: Tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, xương khớp. Trung bình một người cao tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh. Một số nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương còn cho thấy con số này lên tới 6,9 bệnh.
 
Thiếu vận động thể lực xếp hàng thứ 4 trong 5 yếu tố nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm phổ biến. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong lễ phát động hưởng ứng Chương trình Sức khoẻ Việt Nam, đã kêu gọi người dân có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, bên cạnh đó, tăng cường vận động, đi bộ, đi xe đạp, tập thể dục, thể thao. 
 
Giúp người cao tuổi vận động thể lực đúng cách - ảnh 1
Vận động thể lực giúp phòng chống, tăng hiệu quả điều trị bệnh không lây nhiễm. Ảnh minh hoạ

 Với người cao tuổi, vận động thể lực không chỉ giúp phòng, chống các bệnh mãn tính không lây nhiễm mà còn làm tăng hiệu quả điều trị bệnh và giảm nguy cơ té ngã.
 
Các nghiên cứu cho thấy, rèn luyện sức khỏe bằng sự vận động thường xuyên rất tốt cho não bộ, giảm sa sút trí tuệ, giảm các rối loạn của nhịp tim. Các hoạt động thể chất giúp người già duy trì sự cân bằng trong cơ thể, giúp giảm căng thẳng, lưu thông máu và giảm huyết áp, cải thiện giấc ngủ, giúp người cao tuổi duy trì sức khỏe và sự minh mẫn.  
 
Theo BS Nguyễn Thụy Song Hà, Bộ môn Y học thể dục thể thao, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, việc tập thể thao đúng cách còn làm hạn chế tình trạng loãng xương và đặc biệt là về mặt tinh thần, giúp người lớn tuổi sống hòa nhập, vui tươi, giảm đi rất nhiều tình trạng cô đơn trầm cảm.
 
Người cao tuổi nên vận động thể lực ra sao?
Điều lưu ý đầu tiên với người cao tuổi là trước khi luyện tập, người cao tuổi cần kiểm tra tổng quát sức khỏe, tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn tập luyện phù hợp với sức khỏe, bệnh tật của mình. “Lắng nghe cơ thể” là lời khuyên quan trọng. 
 
Tập vừa sức phù hợp và thích nghi dần với thể lực người bệnh. Quan trọng nhất là cường độ cho từng lần tập, từng buổi tập; biểu hiện nhận biết chứng tỏ hoạt động thể lực ở “ngưỡng đủ” bao gồm: đổ mồ hôi, mệt, thở dốc và đạt đến ngưỡng nhịp tim theo yêu cầu để đem lại hiệu quả tối ưu.
 
Khi vận động không phù hợp với tuổi tác, cơ địa, đặc biệt tình hình bệnh tật, sức khoẻ người cao tuổi sẽ tiềm ẩn rủi ro khôn lường.
 
Với người tăng huyết áp, yoga, đi bộ, đi xe đạp, chạy bộ là rất phù hợp, tuy nhiên nếu kết hợp bệnh loãng xương hay thoái hoá khớp gối, một số môn lại không được khuyến khích. Những môn thể thao vận động mạnh, mang tính đối kháng cao như đá bóng, võ thuật làm tăng khả năng chấn thương, gãy xương, thậm chí tăng nguy cơ đột tử.
 
Với người cao tuổi có suy giảm chức năng ở các mức độ khác nhau, hoạt động thể lực có thể chỉ cần thay đổi tư thế trong sinh hoạt hay vận động đi lại chậm rãi, nhẹ nhàng với gậy hoặc nạng. Theo khuyến cáo, những người sức khỏe không tốt nên đi bộ 1 tuần 150 phút vào 4-5 giờ chiều.
Bên cạnh đó, tập luyện buổi sáng cũng là cách xua tan stress, tạo tinh thần phấn chấn, vui vẻ bắt đầu cho ngày mới. Lưu ý là trong những ngày thời tiết lạnh giá, ô nhiễm không khí, người mắc các bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hô hấp, tăng huyết áp nên hạn chế dậy sớm, ra ngoài tập thể dục.
 
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Sức khỏe Việt Nam với mục tiêu từ năm 2018 – 2030 tập trung vào 11 lĩnh vực, trong đó có nâng cao sức khỏe, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực. Theo đó hỗ trợ người dân tăng cường vận động thể lực theo khuyến cáo, bằng cách phát động phong trào 10.000 bước chân mỗi ngày.
 
Các địa phương cũng cần quan tâm, cung cấp, tạo điều kiện cho người dân có đường đi bộ an toàn, thân thiện, tiếp cận sử dụng không gian cộng cộng, cơ sở luyện tập thể dục… Tổ chức các chương trình, mô hình vận động thể lực tại cộng đồng dân cư gắn với các sinh hoạt cộng đồng…  
T.A

Tin cùng chuyên mục

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

(PNTĐ) - Tuổi thọ dân số tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội và chăm sóc sức khỏe người dân của Việt Nam. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, vui chơi giải trí,… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đang có nhiều “khoảng trống”.
Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần từ 19 – 26/4, toàn Thành phố ghi nhận 16 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 9 ca so với tuần trước) và 170 trường hợp mắc tay chân miệng (giảm 25 ca so với tuần trước).