Cần sớm nâng thu nhập cho y, bác sĩ cơ sở

Nam Nghĩa
Chia sẻ

(PNTĐ) -Trước “làn sóng” nghỉ việc của nhân viên y tế trên cả nước thời qua, các chuyên gia cho rằng, ngành y tế cần sớm cải thiện môi trường làm việc, thu nhập cho nhân viên y tế. Về lâu dài rất cần nhiều chính sách đãi ngộ mang tầm chiến lược, một sự “danh chính ngôn thuận” để y, bác sĩ, đặc biệt là y, bác sĩ tuyến cơ sở yên tâm gắn bó với nghề.

Cần sớm nâng thu nhập cho y, bác sĩ cơ sở - ảnh 1
Đội ngũ y tế có đặc thù đào tạo dài, môi trường làm việc nhiều áp lực nhưng thu nhập còn thấp Ảnh: H.N

Từ câu chuyện ca trực 115.000 đồng
Bà Đoàn Thu Trà, Chủ tịch công đoàn Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch bệnh và nhiều yếu tố khác, đời sống của cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai trong hai năm qua khá vất vả. Nhiều tháng nay, y, bác sĩ và nhân viên y tế phải đi làm từ 5-6h sáng để kịp thăm khám cho người bệnh. Nhưng thù lao cả đêm trực chỉ vỏn vẹn 115.000 đồng. Tại Bệnh viện Bạch Mai, từ năm 2021 đến nay có 172 cán bộ, nhân viên nghỉ việc, chuyển việc, trong số đó có các tiến sĩ, phó giáo sư, là giám đốc, phó giám đốc trung tâm đương nhiệm của bệnh viện.

Lương và phụ cấp của bác sĩ, nhân viên y tế ra trường rất thấp, khó giữ chân nhân viên y tế ở cơ sở y tế công lập là tình trạng phổ biến xảy ra tại nhiều cơ sở y tế hiện nay. Báo cáo của Công đoàn Y tế Việt Nam cho thấy, tính từ đầu năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2022, có tổng số 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc (trong đó có 8.620 viên chức y tế thuộc quyền quản lý của các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương); 777 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế). 

Công đoàn Y tế Việt Nam chỉ ra 8 nguyên nhân dẫn đến gần 9.400 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc, trong đó nguyên nhân đầu tiên là do lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở. 

Theo kết quả nghiên cứu “Tình trạng lương khu vực công đối với nhân viên y tế tuyến đầu trong dịch Covid-19”, khảo sát 2.472 nhân viên y tế trên khắp cả nước, được Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam công bố cuối năm 2021 cho thấy, lương bình quân của những nhân viên y tế được khảo sát khoảng 7,36 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chi phí sinh hoạt bình quân của hộ gia đình ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là 10-11 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, chỉ 19,1% nhân viên y tế cho biết, họ có thể chi trả hoàn toàn chi phí sinh hoạt. 

Cùng với thu nhập thấp, theo PGS, TS Nguyễn Hoài Nam, giảng viên cao cấp Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, trong môi trường công lập, nhân viên y tế chưa thật sự được coi trọng, thậm chí nhiều trường hợp thầy thuốc còn bị coi như một dạng lao động phổ thông, thiếu hẳn sự tôn trọng của người lãnh đạo.

Cần “danh chính ngôn thuận” về chính sách đãi ngộ
Xung quanh vấn đề phụ cấp ưu đãi nghề, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ và nhân viên y tế, lương đặc thù cho y, bác sĩ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: “Bộ Y tế đã có kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp, ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại cơ sở y tế công lập theo trình tự, thủ tục rút gọn... Phía cơ sở, đơn cử như ngành y tế TP Hồ Chí Minh đang xây dựng đề án, đề xuất các cơ chế để nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở, làm sao để nhân viên y tế yên tâm công tác, bớt nghỉ việc. Trước mắt, có chính sách hỗ trợ thu nhập để giữ chân nhân viên y tế. Cụ thể, bác sĩ công tác ở trạm y tế được nhận thêm 1,5 lần lương tối thiểu vùng (khoảng hơn 6 triệu đồng), còn điều dưỡng nhận thêm 1 lần lương tối thiểu vùng (hơn 4 triệu đồng).

Mới đây, Công đoàn Y tế Việt Nam đề xuất sớm nâng mức hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40-70% lên mức 100% để thu hút nhân lực y tế công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở. Đảng, Chính phủ cho phép Bộ Y tế tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, kể cả giá dịch vụ khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế làm cơ sở để động viên khuyến khích các đơn vị sự nghiệp y tế tăng cường cung ứng dịch vụ có chất lượng, tăng nguồn thu sự nghiệp của đơn vị, góp phần tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức y tế. Người bệnh tham gia bảo hiểm y tế sẽ được cung cấp đầy đủ thuốc trang thiết bị để nâng cao chất lượng. Bệnh viện được tính đủ sẽ có kinh phí đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho thầy thuốc để yên tâm công tác. Đồng thời, xem xét nâng lương khởi điểm bậc 2 đối với bác sĩ mới ra trường để thu hút nguồn đầu vào, xem xét chế độ thâm niên nghề của ngành y tế như đối với ngành giáo dục.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP Hồ Chí Minh) nói rằng nhân viên y tế nói chung, họ cần mức lương cơ bản để có thể sống được ở một thành phố lớn như TP.HCM, đủ để nuôi bản thân và gia đình một cách đàng hoàng thay vì phải cào cấu làm thêm đủ nghề “tay trái, tay phải”. Họ không đòi hỏi mà cần một sự “danh chính ngôn thuận” về chính sách đãi ngộ so với công sức họ bỏ ra, chứ không phải đi xin xỏ gì ai cả… Biết rằng để thay đổi không phải một sớm một chiều, đòi hỏi cần một sự điều chỉnh về chính sách từ Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

Tại diễn đàn của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Chính phủ đã trình phương án tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức, điều chỉnh phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở. Đồng thời khi thảo luận đến Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng ngành y có thời gian đào tạo dài hơn, đặc thù hơn các ngành nghề khác nên có bảng lương, hệ số lương khác hơn với các ngành nghề có thời gian đào tạo ngắn hơn. 

Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh, cần ba yếu tố để “giữ chân” nguồn nhân lực: Một là thu nhập, vị trí hợp lý; hai là có chính sách đãi ngộ tốt và ba là tạo môi trường làm việc thật sự khoa học, thân thiện. Chúng ta vẫn hy vọng vào vai trò điều tiết của Nhà nước trong vấn đề này. Rất cần các nhà hoạch định chính sách để điều tiết đúng thị trường lao động ngành Y, trên cơ sở tôn trọng quy luật phát triển tự nhiên.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

(PNTĐ) - Hội nghị WAAM kéo dài 2 ngày, với phiên 6 làm việc, được tổ chức ngày 13/4 tại BVĐK Hồng Ngọc và ngày 14/4 tại BV Hữu Nghị Việt Đức, thu hút gần 600 y bác sĩ tham dự trực tiếp và 1000 bác sĩ tham dự trực tuyến. Tại Hội nghị, các khách mời đã được nghe một số tham luận tính thực tiễn cao như: Quản lý đường thở của u thanh quản, Đánh giá trước phẫu thuật đường thở khó, Hiệu quản dự trữ oxy, Rút ống nội khí quản khó, Đường thở khó ở trẻ em...