Hiện tượng viêm, hoại tử xương sọ, xương hàm mặt: Người dân không nên quá hoang mang

LONG YÊN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Hai tháng gần đây, một số bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh tiếp nhận gần 30 trường hợp viêm, hoại tử xương sọ, xương hàm mặt. Dù chưa thể kết luận nguyên nhân nhưng đặc điểm chung là bệnh nhân đã mắc Covid-19 dù trước đó chưa có vấn đề về tai mũi họng, răng hàm mặt.

Hiện tượng viêm, hoại tử xương sọ, xương hàm mặt: Người dân không nên quá hoang mang - ảnh 1
Bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy chúc mừng và dặn dò các bệnh nhân bị hoại tử xương vùng hàm mặt trước khi xuất viện Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Chưa thể khẳng định do Covid-19
Theo thống kê, đến nay bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận 11 ca hoại tử xương hàm trên, hoại tử sàn sọ, trong đó có 2 ca tử vong, 6 ca xin về, 3 ca được phẫu thuật, loại bỏ các ổ viêm nhiễm. Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương tại TP Hồ Chí Minh tiếp nhận 16 ca hoại tử xương hàm trên. Hiện các bệnh viện chưa xác định được nguyên nhân gây hoại tử xương ở những bệnh nhân gần đây nhưng điểm chung là họ từng mắc Covid-19, không có tiền sử bệnh tai mũi họng hay răng hàm mặt.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, chưa thể khẳng định nguyên nhân các bệnh nhân hoại tử xương hàm mặt bất thường tại TP HCM là do Covid-19. Tại Hà Nội, các bệnh viện cũng chưa ghi nhận bệnh nhân bị hoại tử tương tự. BS CKI Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga (Bộ Quốc phòng) nhận định: Bản chất của vấn đề là nhiễm trùng cơ hội tại xương do vi khuẩn, nấm... xảy ra bởi các nguyên nhân: Thiếu máu và thiểu dưỡng (do suy kiệt, do viêm/tắc các mạch máu nhỏ nuôi dưỡng xương hàm); suy giảm sức đề kháng (có thể do bị bệnh mạn tính, nhất là ung thư, HIV/AIDS, tiểu đường... hoặc do dùng corticoid, thuốc ức chế miễn dịch dài ngày). 

Các bác sĩ giả thuyết cơ thể người mắc Covid-19 bị rối loạn miễn dịch kéo dài, cộng với bệnh lý nền sẵn đó, có thể dẫn đến nấm phát triển nhiều hơn trong cơ thể, gây viêm nhiễm. Bình thường, môi trường xung quanh có nhiều loại vi sinh vật, khi cơ thể suy giảm miễn dịch do mắc bệnh, sẽ dễ bị vi khuẩn, nấm tấn công hơn. Như vậy, việc mắc Covid-19 làm suy giảm sức đề kháng, nguy cơ gây viêm/tắc các mạch máu nuôi xương hàm cũng là yếu tố có thể dẫn tới viêm, hoại tử xương hàm. Tuy nhiên, cần nhiều bằng chứng khoa học để chứng minh, các thông tin hiện tại chỉ mang tính suy đoán.

Không chỉ tại Việt Nam, trên thế giới cũng đã có hơn 80 báo cáo mô tả về bệnh viêm, hoại tử xương hàm mặt xoay quanh các luận giải trên. Tại Ấn Độ, một số chuyên gia cho rằng nguyên nhân của tình trạng nhiễm nấm dẫn đến hoại tử xương là do bệnh nhân Covid-19 phải sử dụng steroid để điều trị khi nhập viện; tình trạng người dân tự sử dụng bình thở oxy tại nhà mà không được vệ sinh đúng cách... tạo điều kiện cho nấm phát triển mạnh hơn.

Trong khi lượng steroid đó làm tổn thương hệ miễn dịch, khiến bệnh nhân Covid-19 dễ nhiễm các bào tử nấm hơn. Steroid cũng có thể làm tăng lượng đường trong máu ở mức nguy hiểm, khiến các bệnh nhân tiểu đường dễ nhiễm nấm đen, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và suy dinh dưỡng.

Trong bối cảnh các ca bệnh tăng, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các bệnh viện liên quan thành lập Hội đồng chuyên môn để xem xét, xác định nguyên nhân gây bệnh và các yếu tố liên quan đến bệnh lý trên.

“Các chuyên gia sẽ đánh giá ban đầu về những vấn đề của bệnh lý trên cơ sở khoa học, tiếp tục khảo sát các yếu tố có liên quan và không vội vàng quy kết cho nguyên nhân Covid-19 do dễ gây ra tâm lý hoang mang cho người dân” - Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng cho biết.

Làm gì để phòng ngừa, điều trị?
PGS.BS Trần Minh Trường - nguyên Phó Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy, Phó Chủ tịch Hội Tai - Mũi - Họng Việt Nam cho biết: Bệnh nhân có triệu chứng gần giống nhau như đau đầu, nghẹt mũi, sưng mặt, mắt, đau vùng mặt, đau răng, đau vòm miệng, đau đầu, đau vùng xương hàm mặt trong giai đoạn bị nhiễm Covid-19, sau đó tiếp tục tiến triển kéo dài âm ỉ, không giảm. Biểu hiện lâm sàng khi khám bệnh là sưng viêm mi mắt; sưng vùng sọ trán; hoại tử xương hàm, răng, xương khẩu cái gây khó nhai; hoại tử nặng hốc mũi lan lên nền sọ. Bệnh có một số dấu hiệu giống viêm xoang nên dễ chẩn đoán nhầm.

Về mặt xử trí nguyên nhân, BS CKI Nguyễn Huy Hoàng phân tích: Với nguyên nhân đầu tiên là thiếu máu và thiểu dưỡng có thể tăng cường nuôi dưỡng và có biện pháp giải quyết tình trạng viêm tắc các mạch máu (rất khó và mất nhiều thời gian). Với nguyên nhân viêm, hoại tử xương hàm do suy giảm sức đề kháng gần như không có cách khắc phục. Bởi vậy, giải pháp hiện tại vẫn là phát hiện sớm bằng đi khám chuyên khoa Tai-mũi-họng/Răng-hàm-mặt, sau đó xử trí ngoại khoa (loại bỏ vùng xương/mô tổn thương) kết hợp kháng sinh phù hợp và nuôi dưỡng tốt, nâng đỡ cơ thể.

Cũng theo các chuyên gia, dù bệnh xảy ra ở những bệnh nhân từng mắc Covid-19 nhưng người dân không nên quá hoang mang, lo lắng vì tỷ lệ xảy ra rất thấp. Chủ động phòng ngừa, người dân nên chú ý đến hiện tượng hoại tử xương với người sau khi mắc Covid-19 có các dấu hiệu: Đau dai dẳng ở các xương lớn, đột ngột không thể ngồi bắt chéo chân (cho thấy khớp háng bị cứng), thay đổi dáng đi (khập khiễng), đặc biệt là ở những người đã trải qua bệnh Covid-19 nặng và sử dụng thuốc có thành phần corticoid thời gian dài trong quá trình điều trị.

Các Hiệp hội y khoa trên thế giới không khuyến khích việc “tầm soát” hoại tử xương hàm khi không hề có triệu chứng nghi ngờ Việc tầm soát bằng chụp MRI hoặc CT để xem “xương sọ, xương hàm có sao không” là vô ích, tốn kém. 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

(PNTĐ) - 790 người cao tuổi phường Bồ Đề được hướng dẫn bài thể dục tránh ngã. Đây là chương trình thuộc dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số áp dụng mô hình Tsuyama" (JICA). Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.