Tiền mất, tật mạng vì… thực phẩm chức năng

YÊN HƯNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Thời gian qua, đã xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc mà “thủ phạm” là thực phẩm chức năng, gây nguy hiểm đến tính mạng cho người bệnh đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh khẩn cấp đối với việc lạm dụng thực phẩm chức năng. Khi mà hiện nay, “thực phẩm chức năng” đã trở thành một sản phẩm khá thông dụng trong đời sống thường nhật.

Tiền mất, tật mạng vì… thực phẩm chức năng  - ảnh 1
ThS.BS Nguyễn Thị Ngọc - Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám cho bệnh nhi V.L (3 tuổi) bị ngộ độc vì lạm dụng vitamin D Ảnh: Lê Giang

Ngộ độc vì uống thực phẩm chức năng… thải độc
Mới đây, câu chuyện nữ bệnh nhân Vũ Thị H (25 tuổi, trú tại Lâm Đồng), uống 7 loại thực phẩm chức năng, nhằm mục đích thải độc tố, từ đó chữa bệnh vảy nến của mình… dẫn đến ngộ độc, phải tới Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh nhập viện cấp cứu khiến dư luận không khỏi xôn xao. Thời điểm nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng hoại tử thượng bì (hội chứng Lyell), cơ thể mệt mỏi, sốt li bì, các ban đỏ, bóng nước và vết trợt ngoài da chiếm hơn 60% diện tích cơ thể, kèm theo tổn thương niêm mạc mắt, miệng, mũi… nguy cơ tử vong lên tới 50%.

Qua khai thác tiền sử bệnh của bệnh nhân, BS CKII Nguyễn Trúc Quỳnh - khoa Lâm sàng 1, Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh cho biết: Do có bệnh vảy nến, bệnh nhân đã tìm hiểu trên mạng và mua các loại thực phẩm chức năng về điều trị với mức giá gần 5 triệu đồng. Tuy nhiên, dùng được khoảng 5-7 ngày, trên người bệnh nhân xuất hiện các vết ban đỏ, sau đó phát ban. Tin lời của người bán rằng những dấu hiệu ngoài da đó là biểu hiện của việc sản phẩm đang phát huy tác dụng thải độc tố… nên chị H tiếp tục sử dụng. 

Đến ngày thứ 18, miệng chị H xuất hiện nhiều mụn nước, cơ thể mệt mỏi, sốt li bì, xuất hiện nhiều vết trợt ngoài da. Sau đó các vết trợt to dần lên, nổi thành từng bọc nước. Vì lo lắng, bệnh nhân liên lạc với người bán thì tiếp tục được trấn an và khẳng định không có gì đáng ngại, còn khẳng định rằng nhiều người bị bệnh ung thư, bệnh máu trắng nhờ uống mấy “thuốc” này đã hết bệnh. Tuy nhiên, do cơ thể đau nhức không chịu nổi, chị H được người nhà đưa vào bệnh viện đa khoa cấp cứu, sau đó chuyển sang điều trị tại Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh. Sau 5 tuần chăm sóc tích cực, điều trị corticoid liều cao, kháng sinh mạnh, bù điện giải, bù dinh dưỡng… bệnh nhân đã thoát khỏi nguy hiểm, sức khỏe dần phục hổi, ổn định.

Lý giải về tình trạng bệnh của bệnh nhân H, BS Quỳnh cho hay: Đây là một dạng ngộ độc, phản ứng dị ứng thuốc nặng do sự đáp ứng miễn dịch bất thường của cơ thể với một vài loại thuốc hoặc chất chuyển hóa trong thuốc. Bệnh đặc trưng với sự hoại tử tế bào thượng bì lan rộng, tách biệt với lớp trung bì, hình thành nhiều bọng nước với diện tích tổn thương trên 30% diện tích cơ thể. Những người mắc hội chứng này nguy cơ tử vong khoảng 30-50%. 

“Ngoài tổn thương trên da, bệnh nhân còn tổn thương mắt nguy cơ gây viêm dính kết mạc, loét giác mạc, nặng hơn có thể gây mù lòa nếu không điều trị kịp thời, tổn thương niêm mạc môi, miệng, họng gây khó khăn trong việc ăn uống dẫn đến cơ thể suy kiệt và tổn thương niêm mạc sinh dục. Bệnh nhân thường tử vong do các biến chứng như nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn phổi, rối loạn nước - điện giải, xuất huyết tiêu hóa, dinh dưỡng kém...

 Đáng nói, không riêng bệnh nhân H, thời gian qua, bệnh viện tiếp nhận khá nhiều trường hợp dị ứng với thuốc, thực phẩm chức năng, trong đó có nhiều trường hợp nặng phải nhập viện điều trị. Bởi lẽ, những phương pháp thải độc không đúng, phản khoa học chẳng những không thải được độc tố mà còn mang tới hậu quả khôn lường cho sức khỏe” - BS CKII Nguyễn Trúc Quỳnh phân tích.

Nguy kịch vì lạm dụng vitamin, thực phẩm chức năng
Thực tế, thực phẩm chức năng có vai trò quan trọng, góp phần bổ sung chất dinh dưỡng, bao gồm vitamin, khoáng chất, chất béo lành mạnh và chất xơ, hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình chăm sóc, điều trị bệnh. Tuy nhiên, thực phẩm chức năng cũng là “con dao hai lưỡi” nếu như sử dụng sản phẩm kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả hoặc sử dụng tùy tiện, lạm dụng các sản phẩm này.

Tiền mất, tật mạng vì… thực phẩm chức năng  - ảnh 2
Bệnh nhân Vũ Thị H bị hoại tử thượng bì 60% cơ thể vì ngộ độc thực phẩm chức năng      Ảnh: BVCC

Đơn cử như việc sử dụng các loại vitamin. ThS.BS Nguyễn Đình Tỉnh - trường Đại học Y tế Công cộng cho biết, trong quá trình tư vấn điều trị online, nhất là sau thời kỳ mắc Covid-19 vừa qua, có nhiều bệnh nhân cho biết bản thân đang dùng nhiều thuốc bổ cùng lúc theo lời khuyên của bạn bè hoặc hướng dẫn trên mạng xã hội… mà không có sự tư vấn của bác sĩ. Nếu dùng đúng vitamin sẽ giúp bổ sung vi chất và tăng cường sức khỏe, nhưng sử dụng quá liều lại gây phản tác dụng. 

Chẳng hạn bổ sung vitamin C quá liều sẽ gây ra chứng kích ứng tiêu hóa như: Đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy; nếu bổ sung liều cao kéo dài có thể dẫn tới ứ sắt, sỏi thận… Thừa vitamin A ở trẻ có thể gây ngộ độc làm tăng áp lực nội sọ dẫn đến đau đầu, ảnh hưởng đến sự phát triển xương có thể làm trẻ chậm lớn, rối loạn thần kinh. Thừa vitamin B6 có thể dẫn tới viêm đa dây thần kinh, giảm trí nhớ, giảm tiết prolactin. Uống sắt kéo dài gây ra thừa sắt dẫn đến gan nhiễm sắt, tim nhiễm sắt dẫn đến suy tim…

Mới đây nhất, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận và điều trị cho 2 anh em ruột: Bệnh nhi V.L (3 tuổi) và M.H (18 tháng tuổi), nhập viện trong tình trạng nôn, đau bụng nhiều. ThS.BS Nguyễn Thị Ngọc, khoa Thận - Lọc máu (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: Qua thăm khám, xét nghiệm cận lâm sàng và khai thác tiền sử sử dụng thuốc, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị ngộ độc vitamin D - suy thận cấp do uống quá liều trong thời gian dài.

Gia đình cho biết, mong muốn con phát triển khỏe mạnh, không bị còi xương nên đều đặn cho 2 bé uống vitamin D mỗi ngày từ sau sinh. Nghĩ rằng vitamin là thuốc bổ, uống nhiều cũng không sao nên thay vì cho cháu uống theo liều lượng quy định, người nhà đã cho trẻ sử dụng tùy thích (uống trực tiếp tại lọ, không sử dụng dụng cụ đong thuốc hoặc qua dụng cụ đong nhưng lấy nhiều hơn liều quy định nhiều lần) trong thời gian dài.

Khoảng 2 tuần trước khi nhập viện, hai anh em đều xuất hiện tình trạng nôn, táo bón, đau bụng từng cơn 8-9 lần/ngày. Tại bệnh viện Nhi Trung ương, sau khi được làm các xét nghiệm cần thiết, kết quả cho thấy cả 2 bé đều bị tăng canxi máu, tăng canxi niệu, nồng độ vitamin D tăng rất cao so với giới hạn bình thường, nồng độ PTH giảm, thận hai bên nhu mô tăng âm. Qua thăm khám lâm sàng kết hợp xét nghiệm và khai thác tiền sử sử dụng thuốc, 2 anh em được chẩn đoán ngộ độc vitamin D - suy thận cấp.

Trước đó, tại TP Lạng Sơn, một người mẹ vì muốn con gái 5 tuổi tăng chiều cao nên đã tự mua thực phẩm chức năng từ nguồn hàng “xách tay” về cho bé sử dụng. Tuy nhiên, thay vì có được kết quả như mong muốn, chỉ sau một thời gian ngắn, bệnh nhi phải vào Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn cấp cứu trong tình trạng mệt mỏi, ăn kém, đau khớp gối 2 bên. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, bệnh nhi được chẩn đoán viêm gan cấp, đau khớp do lạm dụng thực phẩm chức năng.

Thực tế cũng cho thấy, không ít trường hợp bệnh nhân đang ổn định lại đổ bệnh vì sử dụng thực phẩm chức năng không có chỉ định. TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP Hồ Chí Minh cho hay, bác sĩ từng thăm khám cho một bệnh nhân 50 tuổi, bị mệt mỏi sau khi mắc Covid-19. Qua kiểm tra thấy các chỉ số bình thường, ổn định. Nhưng một thời gian sau, bệnh nhân quay lại kiểm tra sức khỏe thì xuất hiện tình trạng đau cổ, nhức đầu, chóng mặt… do hẹp mạch máu não nặng, trong khi không có tiền sử và các yếu tố nguy cơ cao như: Tăng huyết áp, tiểu đường, không uống rượu bia, hút thuốc. Sau khi tìm hiểu, bác sĩ phát hiện thời gian gần đây bệnh nhân tự ý uống rất nhiều các loại thực phẩm chức năng theo tìm hiểu trên mạng. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra bất thường về sức khỏe của người bệnh.

“Dù tốt nhưng một người chỉ nên uống thực phẩm chức năng khi cần thiết, ví dụ người rối loạn, không hấp thu glucose, chất xơ… Quan trọng, không dùng thực phẩm chức năng để thay thế các giá trị dinh dưỡng từ thực phẩm. Bên cạnh đó, thực phẩm chức năng, vitamin dù không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh nhưng không có nghĩa được sử dụng tùy ý và cần có sự hướng dẫn của bác sĩ để dùng đúng cách, đúng liều lượng” - TS.BS Trần Chí Cường khuyến cáo.

Kỳ 2: Sự hỗn loạn của thị trường và bất cập trong công tác quản lý

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

(PNTĐ) - 790 người cao tuổi phường Bồ Đề được hướng dẫn bài thể dục tránh ngã. Đây là chương trình thuộc dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số áp dụng mô hình Tsuyama" (JICA). Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.