Án mạng vì tình, vì đâu nên nỗi?

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)
Chia sẻ

(PNTĐ) -Có nhiều cách để giải quyết mâu thuẫn tình cảm, song, trong nhiều vụ việc, những người trong cuộc đã để sự ghen tuông, thù hận lấn át dẫn đến không thể kiểm soát được hành vi, ra tay tàn độc với bạn tình của mình, để lại bi kịch đau lòng...

Án mạng vì tình, vì đâu nên nỗi? - ảnh 1
Ba đối tượng bị đưa ra xét xử vì mang hung khí đi đánh ghen

Thời gian vừa qua, hàng loạt vụ án xâm hại tính mạng, sức khỏe người khác vì tình đã xảy ra, có thể kể đến như vụ án chồng dùng dao chặt lìa hai tay vợ ở Đồng Nai, vụ án người đàn ông đâm 14 nhát dao vào một phụ nữ ở phố Hàng Bài, Hà Nội; vụ việc nam thanh niên chặn đường đâm chết tình địch trên phố Láng Hạ, Hà Nội… 

Dưới góc độ tâm lý, hầu hết trong các vụ án, đối tượng gây án đều ở trạng thái mất kiểm soát về tinh thần, cả giận mất khôn, chỉ vì một phút thiếu bình tĩnh mà đối tượng nhẫn tâm sát hại người mình yêu. Đa phần các đối tượng gây án thường có nền tảng đạo đức, nhân cách không tốt, thường có xu hướng sử dụng bạo lực để giải quyết mọi việc. Những vụ án mạng vì tình có thể do mâu thuẫn tích tụ lâu dài không được hóa giải, dẫn đến bùng phát, thủ phạm căng thẳng, quẫn trí không kiểm soát được hành vi. Ngoài ra, không ít bạn trẻ khi bước vào mối quan hệ yêu đương nhưng có lối suy nghĩ, quan niệm méo mó như tâm lý sở hữu, kiểm soát người yêu, bắt người yêu phải phục tùng…, dẫn đến hậu quả là mối quan hệ tình cảm luôn căng thẳng, nặng nề, thậm chí dẫn đến vụ việc đau lòng. 

Dưới góc độ pháp luật, hung thủ sẽ phải chịu sự trừng phạt thích đáng với hành vi của mình gây ra. Đối tượng gây án sẽ bị truy tố về tội Giết người quy định tại Điều 123 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với tình tiết định khung hình phạt có thể là có động cơ đê hèn hoặc có tính chất côn đồ, với hình phạt cao nhất lên đến tử hình. Tuy nhiên, hệ lụy sau đó thì không ai lường trước được. Đặc biệt là các vụ án gia đình, khi nạn nhân là chồng/hoặc vợ, người mất, kẻ đi tù, để lại đàn con thơ bơ vơ không nơi nương tựa, thiếu đi tình yêu thương, chăm sóc của cha mẹ, thậm chí, quan hệ thông gia vì thế cũng rạn nứt.

Xét về nguyên nhân, một trong những lý do chủ yếu khiến cho các vụ án mạng vì tình xảy ra nhiều trong thời gian qua là xuất phát từ việc đạo đức xã hội xuống cấp, nhiều người không coi trọng giá trị tình cảm, đạo đức. Thậm chí, có nhiều bạn trẻ chạy theo xu hướng lối sống buông thả, thích thụ hưởng, chấp nhận cuộc sống là người thứ ba, yêu người có gia đình để được trợ cấp, chiều chuộng, mua sắm mọi thứ mà không cần quan tâm đến hạnh phúc gia đình người khác, không quan tâm đến bất cứ hậu quả nào có thể xảy ra với họ. 

Về yếu tố tâm lý tội phạm, hiện nay, các phim ảnh, thông tin, hình ảnh bạo lực đang khá phổ biến, tiêm nhiễm vào tiềm thức của mọi người, trong đó có cả giới trẻ và trẻ em. Đối với những người dễ bị mất kiểm soát, hay nổi nóng, ích kỉ, cái tôi lớn thì xu hướng sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố, hình ảnh bạo lực. Đáng lẽ, trong hoàn cảnh này, họ cần được quan tâm, động viên tinh thần, chia sẻ quan điểm về cuộc sống, giúp họ có những lời khuyên răn để họ có thể bớt nóng nảy, có hành vi ứng xử chuẩn mực hơn. Nhưng với xã hội hiện đại, mọi người tránh va chạm, không thích tham gia vào việc gia đình, cá nhân người khác, ai biết nhà đấy thì sự giúp đỡ về tinh thần, tháo gỡ căng thẳng là không có nhiều. 

Bên cạnh đó, phương pháp giáo dục con của nhiều gia đình đang có vấn đề nghiêm trọng. Khi cuộc sống đầy đủ về vật chất, nhiều gia đình có xu hướng nuông chiều con cái, chạy theo cảm xúc, mong muốn, yêu cầu của con. Một số phụ huynh đã bất chấp tất cả để bảo vệ con cái, thậm chí cổ súy cả những hành vi sai trái, ích kỷ ngay từ nhỏ. 

Ngoài ra, mối liên kết xã hội, cộng đồng, khu dân cư ngày càng rời rạc, ít sự quan tâm lẫn nhau. Trước đây hầu hết mâu thuẫn gia đình đều được hóa giải, cảm hóa bằng các yếu tố tình cảm, gia đình hoặc cảm hóa của xã hội. Tuy nhiên với sự phát triển của xã hội, các gia đình sống khép kín không muốn người ngoài biết về các mâu thuẫn gia đình. Gia đình nào biết gia đình đó, khiến cho tác động khuyên ngăn không còn nhiều, mọi người sống nội tâm, không chia sẻ và hệ quả là tích tụ các ức chế, cảm xúc, bức xúc ngày càng nhiều…

Do đó, để giảm bớt tình trạng án mạng vì tình, cần có giải pháp đồng bộ về tâm lý, xã hội cũng như pháp luật, tăng cường sự giáo dục của nhà trường, gia đình và xã hội, tăng cường giáo dục, xây dựng văn hóa gia đình từ việc gieo mầm tình yêu thương, hành vi ứng xử có văn hóa, lịch sự, xây dựng cách thức đối thoại trong gia đình để tìm được tiếng nói chung khi xảy ra mâu thuẫn; tăng cường rèn luyện kỹ năng sống, xây dựng giá trị và nhân cách sống của mỗi người, có trách nhiệm và biết tôn trọng người khác, cần loại bỏ suy nghĩ tiêu cực, biết kiềm chế cảm xúc, sống có trách nhiệm với cộng đồng. Đặc biệt, người trẻ cần có sự chuẩn bị tâm lý, tạo thói quen đến các bác sĩ khi gặp vấn đề về tâm lý hoặc luật sư nếu như gặp các vấn đề vướng mắc liên quan đến pháp luật... 


 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xét xử cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng: Nhận tội nhưng không nhận lừa tiền

Bị cáo Đỗ Hữu Ca nhận tội nhưng không nhận lừa tiền

Bị cáo Đỗ Hữu Ca – cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng bị xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước toà, bị cáo thừa nhận cáo trạng mô tả hành vi phạm tội của mình là đúng, phù hợp với kết luận điều tra nhưng khi nói lời sau cùng lại khẳng định không lừa tiền vợ chồng Đước.