Bắt khách hàng quỳ gối xin lỗi là hành vi ngông cuồng và có tính côn đồ

Chia sẻ

Hành vi bắt ép khách hàng quỳ gối xin lỗi không chỉ thể hiện thái độ coi thường pháp luật mà còn là sự ngạo mạn, hống hách và ngông cuồng của chủ quán.

Với những người bán hàng chân chính, khách hàng luôn được coi là thượng đế. Thế nhưng, với chủ quán Nhắng nướng Thiện Hiền, khi bị khách hàng bóc phốt, thay vì lắng nghe ý kiến, giải quyết khủng hoảng truyền thông trong kinh doanh thì chủ quán lại bắt ép khách hàng quỳ gối xin lỗi. Đây là hành vi không chỉ thể hiện thái độ coi thường pháp luật mà còn là sự ngạo mạn, hống hách và ngông cuồng của chủ quán.

Ảnh cắt từ clipẢnh cắt từ clip

Cụ thể, một cô gái sinh năm 1995 và bạn đến ăn ở quán Nhắng nướng Hiền Thiện (42 Nguyễn Đăng Đạo, phường Đại Phúc, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Khi phát hiện món lòng non có giun sán, cô không ăn và gọi nhân viên đến để nhắc nhở. Sau đó, cô gái đăng tải thông tin này lên Facebook cá nhân. Nhiều người vào bình luận và chia sẻ, trong đó có rất nhiều bình luận có ý tẩy chay quán nướng vì đã sử dụng thực phẩm bẩn.

Khi hay tin, chủ quán Nhắng nướng Hiền Thiện truy tìm chủ nhân bài viết, đưa cô về quán, đe dọa, bắt quỳ gối xin lỗi, yêu cầu xóa bài viết trước đó và viết bài đính chính. Nhóm người này còn quay livestream cảnh dọa nạt cô gái. Mặc cho cô gái liên tục khóc lóc, van xin, các đối tượng vẫn không buông tha.

Sự việc ngay lập tức gây rúng động dư luận không chỉ bởi hành vi của chủ quán đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà con là hành vi côn đồ trong kinh doanh. Ở góc độ pháp luật, Hiến pháp 2013 quy định: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm". Hành động của chủ quán trong clip đã xâm phạm hai khách thể mà Bộ luật Hình sự bảo vệ đó là nhân phẩm, danh dự và quyền tự do thân thể của công dân.

Nếu cơ quan công an xác định được việc có hành động buộc cô gái đến một địa điểm nhất định trái ý chí của họ là dấu hiệu của hành vi bắt, giữ người trái pháp luật được quy định tại điều 157 Bộ luật hình sự. Hình phạt tù cao nhất cho tội danh này lên đến 12 năm. Còn hành động bắt quỳ, chửi bới, lăng mạ uy hiếp tinh thần cô gái có dấu hiệu của tội làm nhục người khác theo quy định tại điều 155 Bộ luật hình sự. Người thực hiện hành vi phạm tội khi bị kết án có thể phải chịu mức án đến 5 năm tù.

Mặc dù đối tượng Nguyễn Văn Thiện (SN 1973) chủ quán Nhắng nướng Hiền Thiện đã bị bắt giam để điều tra về hành vi làm nhục người khác, còn quán Nhắng nướng Thiện Hiền bị phạt 30,5 triệu đồng nhưng vẫn chưa thỏa lòng cư dân mạng. Rất nhiều người lên án, tẩy chay quán ăn này, bởi không chỉ là việc quán ăn đã inh doanh không đảm bảo vệ sinh thực phẩm mà còn là cách hành xử hung hang, côn đồ của chủ quán đối với khách hàng đã từng góp ý cho mình.

Trong kinh doanh, khách hàng là đối tượng phải phục vụ và là nguồn cơn của sự thịnh đạt hay suy tàn của doanh nghiệp nên họ có quyền đòi hỏi quyền lợi chính đáng. Do đó, khi khách hàng có những phản hồi về chất lượng hàng hóa thì người bán hàng cần có sự ghi nhận, trân trọng ý kiến đó để hoàn thiện hoạt động kinh doanh của mình.

Các cơ quan ban ngành làm việc với quán Nhắng nướng Thiện Hiền ngay sau khi sự việc xảy raCác cơ quan ban ngành làm việc với quán Nhắng nướng Thiện Hiền ngay sau khi sự việc xảy ra

Ở đây chủ cửa hàng trước phản ánh của khách hàng chẳng những không ghi nhận, sửa sai mà chọn lối ứng xử bạo lực, uy hiếp, làm nhục họ. Sự coi thường pháp luật, từ sự ngạo mạn nghĩ có thể “một tay che trời” như chủ quán là một hành động khiến việc kinh doanh của mình dễ suy vong.

Sự việc xảy ra đối với quán Nhắng nướng Thiện Hiện ở Bắc Ninh cũng là hồi chuông cảnh tỉnh, nhắc nhở lối ứng xử tùy tiện, thiếu hiểu biết hoặc bất chấp pháp luật của một số người hiện nay trong xã hội hiện nay. Bởi đã có không ít chủ quán ăn đã có hành vi thô lỗ với thực khách. Như vụ một quán bún ngan khá nổi tiếng trên phố Trung Yên, Hà Nội bị thực khách phản ánh mắng chửi khách hàng lớn tuổi được chia sẻ trên Facebook, hay hiệu “bún mắng, cháo chửi” ở Hà Nội vẫn còn tồn tại trong lòng du khách nhớ đến mỗi khi đến Hà Nội.

Do đó, để tạo môi trường văn hóa trong kinh doanh, năm 2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản về thực hiện nếp sống văn hóa trong hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống. Theo đó, UBND TP Hà Nội giao cho các Sở Chức năng xây dựng, trình UBND TP ban hành “Quy chế tổ chưc kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố theo hướng văn minh, hiện đại”.

Ngoài ra, các đơn vị này phải tham mưu, bổ sung tiêu chí ứng xử văn hóa trong hoạt động kinh doanh ăn uống với tiêu chí bình xét gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa hằng năm. Chính điều đó đã thúc đẩy các cơ sở kinh doanh ăn uống kiềm chế và có thái độ phục vụ tốt đối với khách hàng. Các doanh nghiệp kinh doanh ăn uống cần làm quen với văn hóa thượng tôn khách hàng, bởi bước ra thế giới như ra biển lớn, khách hàng ngày càng thông minh, chính họ sẽ nắm trong tay quyền định đoạt sự tồn tại hay biến mất của doanh nghiệp chứ không phải thái độ bất cần của ai đó.

TÚ AN

Tin cùng chuyên mục

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo “cập nhật thông tin BHXH” để chiếm đoạt tài sản

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo “cập nhật thông tin BHXH” để chiếm đoạt tài sản

(PNTĐ) - BHXH Việt Nam liên tục nhận được phản ánh về việc các đối tượng lừa đảo mạo danh cán bộ BHXH thực hiện các hành vi như: Gọi điện thoại, nhắn tin, hoặc gửi các đường link không rõ nguồn gốc. Các đối tượng này yêu cầu người dân và các đơn vị sử dụng lao động cập nhật thông tin với lý do: “Từ ngày 1/7/2025, cơ quan BHXH thay đổi hệ thống giao dịch điện tử, nếu không cập nhật sẽ bị gián đoạn giao dịch, không nhận được lương hưu và thẻ bảo hiểm y tế”... Đây là thủ đoạn lừa đảo.