Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Hà Nội

Chia sẻ

Theo Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội), trung bình mỗi ngày xảy ra 3-5 vụ cháy nổ, cứu nạn cứu hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trên 70% vụ việc được phát hiện sớm và được xử lý tại chỗ.

Ngày 22/3, Công an thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị gặp mặt các đơn vị truyền thông, báo chí về công tác phối hợp thông tin, tuyên truyền trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố.

Toàn cảnh Hội nghịĐại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Trung Kiên)

Tại Hội nghị, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết: Công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) cũng như việc phản ánh diễn biến ban đầu của các vụ cháy, nổ trên địa bàn Thủ đô còn một số khó khăn, hạn chế. Nguyên nhân là do công tác phối hợp giữa công an với các cơ quan báo chí trong việc phản ánh diễn biến, thông tin ban đầu của các vụ cháy, nổ trên địa bàn thành phố chưa kịp thời dẫn đến thông tin sai lệch gây hoang mang trong dư luận và quần chúng nhân dân.

Điển hình là vụ cháy lán tạm chứa vải vụn, quần áo, hàng tạp hóa tại Khu Soi Baza, thôn 6, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội ngày 30-12-2021 đã có nhiều trang báo giật tít “Cháy Chợ vải Ninh Hiệp”, “Cháy lớn Chợ Ninh Hiệp”...; hay những nội dung bài viết chưa được xác minh nguồn thông tin mà chỉ lấy từ ý kiến, phản ánh của người dân về lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH trong quá trình thực thi nhiệm vụ làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh người chiến sỹ công an nhân dân “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Nội dung tuyên truyền, khuyến cáo, cảnh báo và kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH chưa thực sự lan toả rộng rãi đến người dân Thủ đô, chưa kịp thời ghi nhận, biểu dương những tấm gương của các tập thể, cá nhân điển hình trong công tác phòng cháy cũng như các hoạt động chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại các vụ cháy nổ để động viên, khích lệ và nhân rộng các điển hình xuất sắc, tiêu biểu. Bên cạnh đó, do dịch bệnh Covid-19, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và kỹ năng PCCC&CNCH thông qua hình thức trực tiếp bị hạn chế.

“Nhằm tháo gỡ khó khăn, tồn tại trong công tác phối hợp giữa công an thành phố và các cơ quan báo chí, Công an thành phố đã yêu cầu Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tổ chức Hội nghị gặp mặt các đơn vị báo chí thống nhất trong công tác phối hợp cung cấp thông tin, hình ảnh, từ đó nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng về PCCC&CNCH cũng như hình ảnh người chiến sỹ Cảnh sát PCCC&CNCH Thủ đô” – Đại tá Trần Ngọc Dương nhấn mạnh.

Đại tá Phạm Trung HiếuĐại tá Phạm Trung Hiếu triển khai công tác phối hợp, tuyên truyền trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố giữa công an thành phố Hà Nội và báo chí trong thời gian tới

Chia sẻ về công tác phối hợp tuyên truyền trong thời gian tới, Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết, hiện nay, Công an thành phố Hà Nội đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong công tác phòng, chống cháy nổ tại cơ sở như tuyên truyền tại các nơi công cộng, sảnh chung cư; mô hình vận động, hỗ trợ người dân mở logia ban công tại quận Thanh Xuân; lắp bình chữa cháy tại một số ngõ hẹp để người dân quản lý…

Tuy nhiên, để công tác tuyên truyền mạnh mẽ hơn, hướng tới mục tiêu “mỗi một nhà dân lập một phương án chữa cháy” thì rất cần sự phối hợp nhiều hơn nữa của các cơ quan báo chí. “Thường các vụ cháy nổ nghiêm trọng gây ra thiệt hại rất lớn. Do đó, người dân cần nắm vững kiến thức phòng chống cháy nổ, nâng cao cảnh giác và có ý thức bảo vệ gia đình và cộng đồng, giảm thiểu rủi ro do cháy nổ gây ra” – Đại tá Hiếu nhấn mạnh.

Phòng cảnh sát PCCC&CNCH có trách nhiệm cung cấp thông tin đối với các vụ cháy nổ, sự cố cứu nạn cứu hộ trên địa bàn thành phố; đồng thời Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH và Công an 30 quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp cung cấp thêm thông tin để các cơ quan báo chí có đầy đủ thông tin phục vụ viết bài, đăng tải bài chính xác, hiệu quả; với mục tiêu không để việc đăng tải thiếu thông tin, thiếu chính xác có thể gây hoang mang trong dư luận và quần chúng nhân dân.

Một số thông tin từ các vụ cháy, nổ, sự cố cứu nạn cứu hộ được công an thành phố Hà Nội cung cấp theo đúng thẩm quyền gồm: Tên, địa chỉ cơ sở xảy ra chảy, nổ, sự cố cứu nạn cứu hộ; Thời điểm lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH có mặt tại; Lực lượng, phương tiện được điều động; Sơ bộ kết quả tổ chức triển khai công tác chữa cháy; Số lượng người, tài sản cứu được tại các vụ việc; Thiệt hại: Diện tích chảy, sản phẩm, hàng hóa bị cháy,...

Định kỳ 6 tháng đến 1 năm Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an thành phố Hà Nội) chủ trị, tổ chức gặp mặt các đơn vị báo chí, truyền thông để trao đổi, đánh giá, từ đó duy trì và phát huy những nội dung phối hợp đã mang lại hiệu quả cao, đồng thời nêu ra những tồn tại, hạn chế trong công tác phối hợp để rút kinh nghiệm và nêu xuất những giải pháp trong thời gian tiếp theo.

Đối với các phóng viên, trong quá trình tiếp cận khai thác thông tin, hình ảnh tại hiện trường phải có trách nhiệm tuân thủ, chấp hành theo sự chỉ dẫn của người chỉ huy chữa cháy…

“Để tạo hiệu quả tuyên truyền mang tính định hướng dư luận, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã chủ động kết nối cùng các cơ quan báo chí thành lập các nhóm zalo chung để trực tiếp lắng nghe những phản hồi từ công luận đồng thời nhanh chóng trả lời những vấn đề mang tính thời sự. Trên cơ sở nhóm Zalo chung, các thành viên trong nhóm có trách nhiệm cung cấp các bài viết, tư liệu, ảnh, clip ghi nhận hình ảnh của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH để kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCCC&CNCH, từ đó lan tỏa hình ảnh người chiến sỹ Cảnh sát PCCC&CNCH Thủ đô mưu trí, dung cảm, không ngại hiểm nguy” – Đại tá Phạm Trung Hiếu cho biết.

 QUỲNH AN

Tin cùng chuyên mục

Xét xử cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng: Nhận tội nhưng không nhận lừa tiền

Bị cáo Đỗ Hữu Ca nhận tội nhưng không nhận lừa tiền

Bị cáo Đỗ Hữu Ca – cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng bị xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước toà, bị cáo thừa nhận cáo trạng mô tả hành vi phạm tội của mình là đúng, phù hợp với kết luận điều tra nhưng khi nói lời sau cùng lại khẳng định không lừa tiền vợ chồng Đước.