Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội bị một công ty kiện đòi bồi thường danh dự… 1.000 đồng

TÚ AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 1/8, TAND TP Hà Nội đã mở phiên toà xét xử hành chính sơ thẩm giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần truyền thông VietArt (Công ty VietArt) và bị đơn là Sở Văn hoá và Thể thao TP Hà Nội (VH&TT).

Trong vụ án này, Công ty VietArt khởi kiện Sở VH&TT TP Hà Nội vì cho rằng, Sở VH&TT Hà Nội đã kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính gây phiền hà, khó khăn cho Công ty khi thực hiện thủ tục hành chính trong việc giải quyết thủ tục tổ chức biểu diễn nghệ thuật chương trình “Ngôi sao Phương Nam số 10: Vở cải lương Tiếng trống Mê Linh” vào ngày 15 và 16/10/2022.

Tại phiên toà, đại diện uỷ quyền của người bị kiện là Sở VH&TT Hà Nội có đơn xin vắng mặt tại toà và có bài phát biểu luận cứ gửi HĐXX.

Theo HĐXX, đây là phiên toà mở lần 2, các đương sự đã có yêu cầu xử vắng mặt và có đơn gửi ý kiến của mình đến toà, nên HĐXX vẫn quyết định tiếp tục xét xử.

Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội bị một công ty kiện đòi bồi thường danh dự… 1.000 đồng - ảnh 1
Toàn cảnh phiên toà

Tại Toà, phía đại diện Công ty - người khởi kiện cho biết, trong quá trình giải quyết hồ sơ đề nghị tổ chức biểu diễn nghệ thuật, chương trình “Ngôi sao Phương Nam, số 10: Vở cải lương Tiếng trống Mê Linh”, Sở VH&TT Hà Nội đã kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính và tự ý yêu cầu bổ sung hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định của pháp luật, gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính.

Do đó, VietArt khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại hơn 1 tỉ đồng. Tại phiên toà, đại diện Công ty VietArt thay đổi yêu cầu bồi thường thiệt hại. Theo đó, người khởi kiện yêu cầu Sở VH&TT Hà Nội bồi thường thiệt hại do quyết định hành chính, hành vi hành chính không hợp pháp gây ra hơn 672 triệu đồng. Đồng thời, doanh nghiệp này yêu cầu Sở bồi thường thiệt hại về danh dự trị giá… 1.000 đồng.

Tại toà, bà Nguyễn Thị Quỳnh Như, đại diện Cty VietArt cho biết, vở cải lương “Tiếng trống Mê Linh” là vở diễn lâu đời và kinh điển. Đây còn được đánh giá là vở cải lương đẹp nhất của sân khấu Việt Nam, được biểu diễn khắp cả nước. Công ty tổ chức chương trình “Ngôi sao Phương Nam” nhằm đưa các nghệ sỹ cải lương ra Bắc biểu diễn sau nhiều năm vắng bóng. Theo bà Như, Sở VH&TT nhiều lần yêu cầu Công ty VietArt cung cấp các văn bản ngoài quy định, kéo dài thời gian xử lý hồ sơ so với thời gian quy định tại Nghị định 144/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Cụ thể, Sở VH&TT Hà Nội yêu cầu thực hiện các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan, cung cấp văn bản chấp thuận đồng ý của chủ sở hữu vở cải lương “Tiếng trống Mê Linh” và căn cứ để xác định Công ty VietArt đã hoàn thành quy định của pháp luật về quyền tác giả; quy định về thời gian tổng duyệt; thời gian cấp phép muộn gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc quảng cáo… Liên quan đến thời gian tổng duyệt, mặc dù nội dung kịch bản vở cải lương không có bất kỳ nội dung nào vi phạm quy định về biểu diễn nhưng Sở VH&TT lại có yêu cầu tổng duyệt vào thời gian không đúng với đề nghị của doanh nghiệp, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình cấp duyệt biểu diễn chương trình.

“Ngôi sao Phương Nam là chương trình cải lương, khán giả chủ yếu là lứa tuổi trung niên trở lên. Một bộ phận con cái mua vé tặng bố mẹ đến dự chương trình. Chương trình diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam, tôn vinh nữ tướng Hai Bà Trưng nên càng nhân lên ý nghĩa. Đối với lứa tuổi trung niên và cao tuổi, họ không thành thạo sử dụng điện thoại di động, thiết bị thông minh nên khi Sở xét duyệt hồ sơ chậm, chúng tôi không có thời gian và kế hoạch để quảng cáo bằng các bano, khẩu hiệu, băng rôn, không tiếp cận được độc giả, ảnh hưởng đến doanh thu của Công ty” – bà Như nói.

Cũng theo lời bà Như tại Toà, việc Sở VH&TT Hà Nội có yêu cầu bổ sung thực hiện các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan, cung cấp văn bản chấp thuận đồng ý của chủ sở hữu vở cải lương “Tiếng trống Mê Linh” là không đúng thẩm quyền và nằm ngoài quy định về thành phần hồ sơ của Nghị định số 144/2020/NĐ-CP.

“Chúng tôi có 18 năm hoạt động, đặc biệt tôn trọng quyền tác giả đối với các nhạc sỹ, người sáng tác ca khúc, kịch bản. Nhiều chương trình trước đó, chúng tôi đều gửi kinh phí tác quyền đến các nhạc sỹ mà không qua Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) vì không phải tác giả nào cũng đều uỷ quyền cho Trung tâm quản lý quyền tác giả và biểu phí của Trung tâm chưa được sự đồng thuận của Công ty chúng tôi và một số công ty khác” – bà Như trình bày. Theo bà Như, sau khi Sở VH&TT yêu cầu về quyền tác giả, phía Công ty đã cố gắng liên hệ với người thân của tác giả vở kịch để thực hiện quyền tác giả và đã hoàn thành sau đó.

Do không đến Toà, Sở VH&TT Hà Nội đã gửi ý kiến đến Toà. Theo đó, Sở VH&TT Hà Nội cho biết, ban đầu, hồ sơ của Cty VietArt nộp ngày 5/8/2022 là hợp lệ. Tuy nhiên, sau đó, ngày 17/6/2022, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam  đã gửi công văn đến Sở đề nghị thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả đối với chương trình “Đêm nhạc Dáng em”, trong đó nêu rõ yêu cầu Công ty VietArt thực hiện nghĩa vụ xin phép và trả tiền sử dụng quyền tác giả khi sử dụng các tác phẩm âm nhạc để biểu diễn trong chương trình “Đêm nhạc: Dáng em” theo đúng quy định của pháp luật”. Do nhận thấy có thể chương trình Ngôi sao Phương Nam số 10: vở cải lương “Tiếng trống Mê Linh”, Công ty VietArt cũng chưa xin phép và chưa được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả nên đã Sở VH&TT Hà Nội đã đề nghị Công ty thực hiện các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, cung cấp văn bản chấp thuận đồng ý của chủ sở hữu vở cải lương “Tiếng trống Mê Linh”.

Việc yêu cầu này, theo Sở VH&TT Hà Nội là cần thiết và phù hợp với thực tế quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Công ty VietArt cho rằng, nghĩa vụ trả tiền bản quyền là nghĩa vụ dân sự giữa đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật và các tác giả, không phải là một quan hệ hành chính. Do đó, việc yêu cầu Công ty VietArt cung cấp thêm  hồ sơ là nằm ngoài quy định của pháp luật, là hành vi gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, về thời gian biểu diễn chương trình, mặc dù vở cải lương có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, song vở diễn lại được diễn ra vào thời điểm mang tính nhạy cảm chính trị lớn. Do đó, Sở đã dự kiến lịch duyệt vào 14h ngày 12/10/2022, trước thời gian công diễn 3 ngày để đảm bảo chất lượng nghệ thuật và kịp thời chỉnh sửa các yêu cầu của Hội đồng nghệ thuật (nếu có). Tuy nhiên, Cty VietArt phải tiếp tục kiến nghị (đến 3 lần) về thời gian tổng duyệt thì Sở VH&TT mới đồng ý cho Công ty VietArt tổng duyệt vào 14h ngày 15/10/2022 để thuận lợi cho doanh nghiệp nên Sở đã đáp ứng yêu cầu chuyển lịch tổng duyệt vở cải lương theo đúng đề xuất của ông Cty.

Theo Sở VH&TT Hà Nội, ngoài chương trình “Ngôi sao Phương Nam số 10”, Cty còn đề nghị tổ chức biểu diễn 4 chương trình nghệ thuật khác, các hồ sơ đều được giải quyết, trả kết quả theo đúng quy định, không chậm muộn, không gây phiền hà cho doanh nghiệp. Do đó, việc Công ty nói Sở gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, cá nhân là chưa khách quan và chưa đúng bản chất vấn đề. Sở VH&TT Hà Nội đề nghị TAND TP Hà Nội xem xét và cân nhắc yêu cầu của Cty VietArt do không có cơ sở.

Đại diện VKS cho rằng, Công ty VietArt khởi kiện về vấn đề này là không có căn cứ, đồng thời đưa ra đề nghị không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty VietArt.

16h chiều 2/8, TAND sẽ đưa ra phán quyết về vụ án này.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cảnh báo 4 hình thức lạm dụng, trục lợi các quỹ bảo hiểm

Cảnh báo 4 hình thức lạm dụng, trục lợi các quỹ bảo hiểm

(PNTĐ) -Thời gian qua, nhằm hạn chế các hành vi gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH), BHTN, BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố chủ động, quyết liệt triển khai các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT. Nhiều hành vi vi phạm đã được phát hiện và xử lý kịp thời.
Ngày 2/9 toàn quốc xảy ra 30 vụ tai nạn giao thông

Ngày 2/9 toàn quốc xảy ra 30 vụ tai nạn giao thông

(PNTĐ) -Theo thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an, trong ngày 2/9, toàn quốc xảy ra 30 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm tử vong 18 người, bị thương 23 người. Đường sắt, đường thủy không xảy ra tai nạn.. Lực lượng CSGT các tỉnh, thành phố đã phát hiện xử lý 8.868 trường hợp vi phạm giao thông.