Thêm một nạn nhân bị lừa 50 triệu đồng từ chiêu giả danh công an

Chia sẻ

Trước các vụ việc lừa đảo gần đây, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh “mắc bẫy của đối tượng xấu”.

Công an quận Cầu Giấy (thành phố Hà Nội) đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt 50 triệu đồng với thủ đoạn giả mạo cơ quan cán bộ công an thông báo việc vi phạm giao thông hoặc có liên quan đến đường dây ma túy, rửa tiền. Ảnh minh họaẢnh minh họa

Theo đó, vào ngày 18/4, anh P (sinh năm 1998, trú tại tỉnh Hà Nam) nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là công an và thông báo anh P vi phạm giao thông. Đối tượng còn nói anh có liên quan đến việc mua bán tài khoản ngân hàng để rửa tiền.

Để xác định anh P không liên quan đến các vụ việc trên, đối tượng yêu cầu anh P phải chứng minh tài chính bằng cách chuyển 50 triệu đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp. Sau khi chuyển khoản, anh P phát hiện mình bị lừa và đến Công an phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy trình báo.

Công an quận Long Biên cũng đang điều tra, xác minh vụ lừa đảo chiếm đoạt hơn 300 triệu đồng với thủ đoạn trên. Theo đơn trình báo, ngày 18/4, chị T (sinh năm 1995, trú tại quận Long Biên, Hà Nội) có lên mạng xã hội facebook để tìm kiếm việc làm tại nhà.

Khi thấy quảng cáo tuyển cộng tác viên thanh toán đơn hàng online trên facebook chị T đã tham gia. Khi làm nhiệm vụ thanh toán đơn hàng 1 có giá trị 160.000 đồng thì chị T nhận được số tiền tiền 250.000 đồng, đơn hàng 2 có giá trị 600.000 đồng thì chị T nhận được số tiền tiền 800.000 đồng. Đến nhiệm vụ lần 3, chị T đã chuyển 312 triệu đồng thì các đối tượng thông báo số tiền muốn rút vượt quá 500 triệu đồng nên cần phải làm thêm giao dịch trị giá 450 triệu đồng mới được rút toàn bộ số tiền.

Sau đó, chị T có nói chuyện với gia đình và được người nhà khuyên can nên đã đến cơ quan Công an phường Giang Biên trình báo sự việc.

Trước các vụ việc lừa đảo gần đây, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh “mắc bẫy của đối tượng xấu”. Để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương và không yêu cầu người dân cung cấp tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra. Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP và chuyển tiền cho các đối tượng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất

AN TÚ

 

Tin cùng chuyên mục

Xét xử cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng: Nhận tội nhưng không nhận lừa tiền

Bị cáo Đỗ Hữu Ca nhận tội nhưng không nhận lừa tiền

Bị cáo Đỗ Hữu Ca – cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng bị xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước toà, bị cáo thừa nhận cáo trạng mô tả hành vi phạm tội của mình là đúng, phù hợp với kết luận điều tra nhưng khi nói lời sau cùng lại khẳng định không lừa tiền vợ chồng Đước.