Tuyên án CDC Hà Nội: Y án sơ thẩm đối với các bị cáo CDC Hà Nội

Chia sẻ

Chiều muộn ngày 24/6, sau 1 ngày xét xử, TAND cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án các bị cáo theo đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của 6 bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội).

6 bị cáo có đơn xin kháng cáo giảm nhẹ hình phạt là: bị cáo Nguyễn Nhật Cảm (cựu Giám đốc CDC Hà Nội), Nguyễn Vũ Hà Thanh (cựu Trưởng phòng Tài chính Kế toán, CDC Hà Nội), Nguyễn Thị Kim Dung (cựu Trưởng phòng Tổ chức hành chính, CDC Hà Nội), Đào Thế Vinh (cựu Giám đốc Công ty MST), Nguyễn Trần Duy (cựu TGĐ Công ty CP định giá và bán đấu giá Nhân Thành) và Nguyễn Ngọc Quỳnh (cựu Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, CDC Hà Nội).Các bị cáo tại phiên toà phúc thẩmCác bị cáo tại phiên toà phúc thẩm

Theo HĐXX cấp phúc thẩm, hành vi của các bị cáo đã vi phạm quy định về chỉ định thầu thông thường, không thực hiện đúng trách nhiệm, lập kế hoạch chỉ định thầu khi chưa có kết quả thẩm định giá… Hành vi của các bị cáo đã vi phạm luật đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại cho nhà nước số tiền hơn 5,4 tỷ đồng. Do đó, hành vi của các bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng” với tình tiết định khung. Do vậy, TAND TP Hà Nội đã xét xử và xử phạt các bị cáo với tội danh, khung khoản và điều luật nêu trên là có căn cứ, đúng pháp luật.

HĐXX cho rằng, tại phiên toà phúc thẩm, cả 6 bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội, lời khai phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra và bản án sơ thẩm, phù hợp với lời khai của bị hại, người liên quan và các tài liệu chứng cứ khác. Do đó, HĐXX thống nhất với nhận định của cấp sơ thẩm về hành vi của bị cáo. Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm là Giám đốc CDC Hà Nội nhưng đã không thực hiện đúng trách nhiệm của mình, đã lợi dụng tình trạng dịch bệnh, vì động cơ vụ lợi, đã thống nhất giá gói thầu, ấn định giá gói thầu số 15 là hơn 9 tỷ đồng, lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu khi chưa có kết quả thẩm định giá. Các bị cáo \ Nguyễn Vũ Hà Thanh, Nguyễn Thị Kim Dung, Nguyễn Ngọc Quỳnh, Nguyễn Trần Duy đã báo cáo sai, cung cấp thông tin không đúng đã làm sai phạm nhà thầu, gây hậu quả nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước.

Bị cáo Đào Thế Vinh (cựu Giám đốc Công ty MST) với động cơ vụ lợi đã gian lận trong đấu giá, hồ sơ thầu để được chỉ định gói thầu số 15, mượn pháp nhân hai công ty để nâng giá trị hệ thống PCR từ hơn 4 tỷ đồng lên hơn 7 tỷ đồng.. ký hợp thức hợp đồng số 15 gây hậu quả thiệt hại cho Nhà nước…

Hành vi của các bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” với tình tiết định khung. Do đó, TAND TP Hà Nội xét xử và xử phạt các bị cáo với tội danh là có căn cứ và đúng luật.

Đánh giá vai trò, HĐXX cấp phúc thẩm xác định, bị cáo Cảm trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội với vai trò chủ mưu, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 5,4 tỷ đồng. Các bị cáo Nguyễn Vũ Hà Thanh, Nguyễn Thị Kim Dung, Nguyễn Ngọc Quỳnh, Đào Thế Vinh, Nguyễn Trần Duy có vai trò đồng phạm giúp sức.

Hành vi của các bị áo là nguy hiểm của xã hội, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của các cơ quan nhà nước. Trong khi cả nước và toàn dân đang nêu cao tinh thần chống dịch, các bị cáo vì lợi ích vật chất, cố ý vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, do đó cần có hình phạt nghiêm minh nhằm cải tạo, giáo dục riêng cho từng bị cáo để có tính phòng ngừa, răn đe chung.

HĐXX cũng cho biết, trong quá trình điều tra, các bị cáo ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo. Các bị cáo công tác tại CDC Hà Nội đều chưa có tiền án tiền sự, nhân thân tốt, người bị hại xuyên suốt quá trình điều tra đều đã xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Nhiều bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ già, con nhỏ. Toà án cấp sơ thẩm đã áp dụng các biện pháp giảm nhẹ cho các bị cáo.

Các bị cáo đều có vai trò tích cực trong vụ án, việc toà cấp sơ thẩm cách ly ra khỏi xã hội 1 thời gian là có căn cứ. Tại cấp phúc thẩm, các bị cáo là cán bộ CDC Hà Nội được người bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Gần 30 CDC của các tỉnh phía Bắc có đơn xin giảm nhẹ; gần 600 cán bộ CDC Hà Nội và quận Tây Hồ, công đoàn Sở Y tế Hà Nội cũng có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Một số nhà khoa học, các Giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ cũng có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, đặc biệt là bị cáo Cảm. “HĐXX ghi nhận những ý kiến và đề nghị này của các cơ quan y tế trung ương và địa phương” – Vị chủ toạ cho biết.

Trên cơ sở đánh giá vị trí, vai trò, nhân thân, tính chất hành vi phạm tội, HĐXX nhận thấy, hành vi của các bị cáo là rất nghiêm trọng, mức hình phạt là thoả đáng, vì vậy không có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Do đó, HĐXX phiên phúc thẩm quyết định, không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Cảm, Thanh, Dung, Quỳnh, Duy, Vinh, không chấp nhận kháng cáo của CDC Hà Nội về việc giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo Cảm, Thanh, Duy, Quỳnh, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Theo đó, mức án của các bị cáo như sau:

Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm: 10 năm tù

Bị cáo Nguyễn Vũ Hà Thanh: 6 năm 6 tháng tù.

Bị cáo Đào Thế Vinh: 6 năm 6 tháng tù.

Bị cáo Nguyễn Thị Kim Dung: 6 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Trần Duy: 6 năm tù

Bị cáo Nguyễn Ngọc Quỳnh: 5 năm tù với đúng tội danh đã truy tố

 TÚ AN

Tin cùng chuyên mục

Xét xử cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng: Nhận tội nhưng không nhận lừa tiền

Bị cáo Đỗ Hữu Ca nhận tội nhưng không nhận lừa tiền

Bị cáo Đỗ Hữu Ca – cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng bị xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước toà, bị cáo thừa nhận cáo trạng mô tả hành vi phạm tội của mình là đúng, phù hợp với kết luận điều tra nhưng khi nói lời sau cùng lại khẳng định không lừa tiền vợ chồng Đước.