Nạn nhân và lá chắn sống của bạo lực

Chia sẻ

PNTĐ-Syria hiện trở thành điểm nóng nhất trên thế giới, thậm chí còn bị Liên Hợp Quốc (LHQ) gọi bằng cái tên rùng rợn là “vùng đất chết chóc”.

 
Mới đây hai vụ nổ bom liên tiếp đã làm rung chuyển Thủ đô Damas và gây ra cái chết của hơn 400 người dân. Đây được coi là một trong những cuộc tấn công khủng bố tồi tệ nhất kể từ khi tình trạng bất ổn xảy ra ở Syria. Người dân của đất nước Ả-rập này chưa kịp nguôi ngoai thì lại xảy ra thảm kịch ở Houla, miền Trung thành phố Homs (Syria) sau khi căng thẳng giữa người Hồi giáo dòng Sunni chiếm đa số (ủng hộ phe đối lập) và người Alawite thiểu số (ủng hộ chính phủ) bị đẩy lên đến đỉnh điểm, làm hơn 100 người thiệt mạng, trong đó có gần 50 trẻ em và 34 phụ nữ.
 
Rồi trong lúc LHQ và phương Tây còn bận đổ lỗi cho quân chính phủ Syria về những tội ác rúng động thế giới, thì một vụ thảm sát tàn khốc khác lại tiếp diễn ở hai làng Qubair và Maarzaf, gần thị trấn Hama, miền Trung Syria, làm ít nhất 86 người bị sát hại, trong đó có hơn một nửa là phụ nữ và trẻ em...
 
Nạn nhân và lá chắn sống của bạo lực - ảnh 1
Những nạn nhân là trẻ em trong một vụ thảm sát ở Syria
 
Báo cáo mới nhất của LHQ đã lên án tình trạng sử dụng trẻ em làm lá chắn trong các cuộc đụng độ với phe nổi dậy tại các điểm nóng trên khắp đất nước Syria. Đặc sứ LHQ về vấn đề Trẻ em và Xung đột Vũ trang Radhika Coomaraswamy khẳng định, không ai có thể kìm lòng nổi khi thấy phụ nữ, trẻ em Syria bị giam giữ, tra tấn và giết hại trong các vụ thảm sát đang ngày một phổ biến. Bà Coomaraswamy kể: “Có nhiều em nhỏ bị bắt để đưa vào trong xe tăng cùng các binh sĩ. Họ dùng các em làm “bùa hộ mệnh” để tránh bị tấn công và nếu có chết thì… các em cũng phải chết theo họ”.
 
Bà Coomaraswamy nhận định, việc gây thương vong cho trẻ em trong bất cứ tình huống nào cũng không thể chấp nhận được, trong đó có cả việc ép các em cầm súng chiến đấu. “Chúng tôi thực sự choáng váng bởi con số thương tật và thiệt mạng của trẻ em ở những khu vực giao tranh. Dù từng tới nhiều chiến trường, nhưng những gì đang diễn ra ở Syria là chưa từng có. Những đứa trẻ quá nhỏ, chỉ chừng 10 tuổi trở thành nạn nhân trực tiếp của các cuộc giao tranh là điều quá bất thường”.
 
Theo báo cáo của LHQ, có tới 400 trẻ em đã thiệt mạng kể từ khi tình trạng bất ổn bắt đầu tại nước này cách đây 16 tháng.
 
Ai có mặt ở Homs-thành phố đang có giao tranh ác liệt nhất tại Syria những ngày này đều không thể cầm được nước mắt khi chứng kiến cuộc sống không khác gì địa ngục của phụ nữ và trẻ em. Một phụ nữ tên Safaa đang sống trong một căn hầm trú ẩn tối tăm, tồi tàn ở Homs, vừa khóc vừa nói:  “Bom đạn dội xuống liên tục, còn bọn trẻ cứ khóc suốt cả ngày. Chúng tôi không thể ngủ vào ban đêm và cả ban ngày cũng vậy. Các gia đình ở đây sống bằng lượng thức ăn ít ỏi có được từ một nhà kho gần đó.
 
Tuy nhiên, không đủ thức ăn cho tất cả mọi người”. Hiện tại, điều duy nhất Safaa quan tâm là đứa con bé nhỏ của mình. Cô nói cậu bé bị ốm nặng đã vài ngày nay, nhưng cô không thể làm gì được, vì ở đây không có thuốc kháng sinh.
 
Theo CNN, hàng nghìn dân thường ở Syria đã kéo nhau chạy sang các nước láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Liban để tị nạn. Cuộc sống của họ cũng chỉ là tạm bợ trong những chiếc lều. Các em học sinh Syria cũng phải đi học trong các lớp học tạm… Nhưng với họ, được sống trong những chiếc lều nơi “đất khách quê người” vẫn còn hơn phải chui rúc trong hầm trú ẩn.
Cho đến nay, ai là thủ phạm gây ra những vụ thảm sát trên vẫn còn gây nhiều tranh cãi.
 
Tuy nhiên, theo lệ thường, ngay sau vụ tấn công, Mỹ và các nước phương Tây đã nhanh chóng quy trách nhiệm cho chính quyền Syria. Thế nhưng, theo báo Spiegel (Đức), nếu nhìn vào những chứng cứ thực tế tại hiện trường các vụ thảm sát thì việc quy mọi trách nhiệm cho chính quyền Syria không phù hợp với thực tế. Thứ nhất, nếu nói quân đội Syria sử dụng pháo binh thì tại sao phần lớn nạn nhân tử vong lại là do bị dao cắt cổ hoặc do bị súng bộ binh bắn gần. Thứ hai, hầu như không có người bị thương mặc dù nếu pháo binh được sử dụng, số người bị thương phải rất nhiều. Thứ ba, nhiều người dân địa phương khẳng định vụ tàn sát là do các tay súng thuộc phe đối lập gây nên và họ đang chờ sự bảo vệ của quân đội chính phủ.
 
Theo nhận định của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov, tình hình Syria hiện nay rất giống tình hình Nam Tư cách đây 13 năm. Vào năm 1999, tại ngôi làng Rachek ở Nam Tư đã xảy ra một vụ tàn sát khiến 45 dân thường người Albania bị sát hại. Kết cục sau đó là các nước phương Tây đã đơn phương phát động những cuộc “ném bom nhân đạo” xuống Thủ đô Belgrad và lật đổ chính quyền Nam Tư.
 
Suy cho cùng, mọi sự khiên cưỡng không những sẽ đẩy bạo lực tiếp tục leo thang, mà còn khiến đất nước trên 20 triệu dân này tiếp tục phải đắp thêm những nấm mồ mới bên cạnh những ngổn ngang súng đạn và các vấn đề nan giải khác.
 
Minh Thi

Tin cùng chuyên mục

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

(PNTĐ) - Ông Phạm Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao vừa được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam. Đáng chú ý, ông Phạm Thanh Bình được tiến cử làm Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc với thời hạn nhiệm kỳ 5 năm thay cho ông Phạm Sao Mai.
Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

(PNTĐ) - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Iran tiếp tục ra thông báo khuyến cáo công dân các biện pháp bảo đảm an toàn trước tình hình xung đột leo thang phức tạp giữa Israel và Iran. Đồng thời, Đại sứ Israel tại Việt Nam khẳng định, Israel cam kết bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam.