NSƯT Đức Hải: "Lúc nào cũng muốn về Hà Nội"

Chia sẻ

NSƯT Trần Đức Hải là một trong các nghệ sĩ bền bỉ tặng cho công chúng tiếng cười ý vị và duyên dáng nhiều năm qua.

 
NSƯT Đức Hải:
 
Dáng nhanh nhẹn, sơ vin, giày Fad Fine Ý bóng loáng, Đức Hải đón tôi từ cửa bằng nụ cười “sáng lóa”. Tóc húi cua, hay pha trò, lại là ông bố của một “bầy nhi đồng”, Đức Hải trẻ lâu là phải. Người thông minh thường rất biết hài hước. Và  chúng tôi đang bước vào Công ty Cổ phần truyền thông S Media, 36A Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận - TP Hồ Chí Minh, nơi Đức Hải đang là Phó Tổng giám đốc (Phó TGĐ) phụ trách phía Nam.

- Đức Hải là diễn viên, đạo diễn, thầy giáo, MC, mọi người đã biết. Còn Đức Hải là Phó TGĐ thì hơi bất ngờ. Anh chuyển dịch vai trò Trưởng khoa Đạo diễn, trường ĐHSK - ĐA TP Hồ Chí Minh sang phó TGĐ... một cách rất nhẹ nhàng.

- Làm thầy là một công việc rất tâm huyết và đã gắn bó 12 năm, còn muốn bền bỉ suốt đời. Tôi không làm giảng viên biên chế nữa, không phải do miếng cơm manh áo. Tôi năng động, việc cần tôi nhiều không đủ sức mà làm. Từ tháng 11-2012, tôi chuyển sang công ty này. Dịch chuyển hợp lý đem lại trạng thái sống mới, cơ hội mới, đóng góp được đa dạng hơn.

- Tôi và nhiều bạn bè, khán giả Hà Nội vẫn nhớ đã buồn thế nào khi anh rời Hà Nội chuyển vào Sài Gòn Hè 2000.

- Vâng, lúc đó, chị đưa tin lên Báo Tiền Phong: “Được khán giả Thủ đô và miền Bắc yêu mến thế, mà nghệ sĩ Đức Hải lại dứt áo ra đi” đầy hờn giận trách móc. Mẹ tôi và các chị gái khóc, đông người khóc khiến tôi suýt bị nước mắt bủa vây mà đổi ý.
 
NSƯT Đức Hải:
 
- Cùng lớp diễn viên khóa đầu đào tạo tại Nhà hát Tuổi trẻ cùng Chí Trung, Anh Tú, Lê Khanh, Lan Hương, Minh Hằng, anh là người duy nhất trúng tuyển sang Liên Xô du học đạo diễn sân khấu. Tuổi trẻ ở nước Nga là phần ký ức đẹp của anh?

- Nó vẫn theo tôi đến bây giờ. Những năm làm thầy, tôi vẫn giữ thói quen ghi chép nhận xét, ý kiến chuyên môn vào sổ tay bằng tiếng Nga, có trò nào xem “trộm” cũng chịu chết (cười). Tôi sang Nga học, thi vào thẳng năm thứ hai. 6 năm học tại Viện Hàn lâm Sân khấu Điện ảnh Saint Pétersburg là quãng đời vô giá! Tôi vẫn nói tốt tiếng Nga, mong trở lại Nga từ việc quan tâm đọc, xem tin tức liên quan đến Nga hàng ngày.

- Tôi rất thích bức ảnh anh mặc đồ đen bó, đang múa ballet trên sàn tập và sân khấu Saint Pétersburg, treo ở phòng khách nhà mẹ đẻ.

- Lúc học ở Nhà hát Tuổi trẻ, tôi, Lê Khanh, Lan Hương là 3 người nổi bật về độ dẻo hình thể, năng khiếu múa. Càng làm nghề, tôi càng thấy sự uyển chuyển ấy rất cần cho tiếng nói - ngôn ngữ hình thể trong diễn xuất và độ bền của sức lao động, hình vóc.

- Nên anh mới có tác phong thanh niên ở tuổi 52?

- Một phần do công việc nhiều, buộc mình phải nhanh nhẹn để theo và làm chủ guồng quay. Một nách bốn con mà, tôi đùa mà là thật. Các con lớn lên nhờ “đôi dòng sữa bố” đấy. Năm 2005, vợ chồng tôi có niềm vui lớn đẻ sinh 3. Sữa mẹ sao đủ, phải ăn sữa ngoài, bố “cày” cật lực. Mỗi lần đi siêu thị, cứ phải thuê 1 ô tô chở về sữa, bỉm, đồ dùng gia đình.

- Tôi đã dự đám cưới của anh, tiệc buffet náo nhiệt ở Tháp Hà Nội 2003. Chú rể quậy tưng bừng cùng ca sĩ Hồng Nhung, NSƯT Minh Vượng, Công Lý, Thảo Vân, Xuân Bắc, Tự Long?

- Có niềm vui, sự kiện quan trọng là tổ chức ở Hà Nội, bạn bè ngoài đó rất đông, có gì vui buồn cũng sẻ chia. Đó là vợ chồng nghệ sĩ múa Lê Vũ Long - Lưu Thu Lan, diễn viên múa rối - nhà thiết kế Đức Hùng, VĐV điền kinh Vũ Bích Hường, một số doanh nhân... chứ không chỉ giới văn nghệ. Lê Khanh, Chí Trung, Ngọc Huyền vào diễn Sài Gòn, dự đám cưới tôi tại rạp Quốc Thanh của Phước Sang, họ dự cả hai nơi.
 
NSƯT Đức Hải:
 
- Khi thực hiện các chương trình cho thiếu nhi tại Hà Nội, anh luôn được tín nhiệm mời dàn dựng. Hình như không chỉ các cháu, mà bố mẹ các cháu hâm mộ anh?

- Nhận thấy rõ điều ấy, tôi rất cảm động. Cả đạo diễn và khán giả chỉ “chờ dịp” gặp nhau. Hễ có lời mời làm chương trình ở Hà Nội là tôi xốn xang, thu xếp bằng được công việc để ra.

- Anh đã kéo chị gái Bạch  Yến vào Sài Gòn sống, vậy là một nửa gia đình đã ở phía Nam?

- Quê gốc Nam Định, 6 chị em tôi đều sinh ra ở Hà Nội, tại ngôi nhà 28 phố Hàng Chuối. Hàng Chuối yên tĩnh, đẹp, mới tìm ra, tôi đều về thăm lại. Không quên được những lần mưa bão, nước ngập ngang đùi là thường. Mẹ tôi bán nhà ở đó, về phố Đặng Tất rất yên tĩnh, gần 2 hồ Tây, Trúc Bạch và 2 con đường đẹp nhất: Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu. Anh Đức Hiệp có 2 con gái, nhà cạnh mẹ tôi. Năm 2009, tôi “kéo” chị Yến bán nhà 50 Hàng Chuối vào Nam, chị làm nhân viên vật lý trị liệu tại Bệnh viện Quốc tế Vũ Anh, chồng đã về hưu, có 2 con trai tuổi ăn học, vào đây thu nhập tốt hơn mà chị em quây quần. Chị cả Kim Khánh (SN 1949) vào đây sớm nhất, đã 30 năm. Các chị đều cách nhà tôi dưới 1 km. Nhà tôi gần bố mẹ vợ để tiện lo cho 4 cháu, học trường Tân Sơn Nhất gần nhà. Tôi không đua cho con lên quận 1 học trường chuyên, lớp chọn, đi lại vất vả. Chạy đua học lệch để khoe mẽ hình thức, tôi không cần.

- Gần đây, khán giả phía Bắc bớt nhớ Đức Hải vì thường xuyên gặp anh dẫn chương trình. Đa số đều nhận định anh rất “bạo miệng” khi nói những mảng đề tài tế nhị?

- Đó là chương trình Chuyện dễ đùa khó nói, phát sóng lúc 12 giờ thứ 2, 4, 6 và 23 giờ thứ 3, 5, 7. Tôi đối thoại với bác sĩ chuyên khoa, giải quyết các thắc mắc chuyện vợ chồng. Tôi và nghệ sĩ Thanh Thủy là nhân vật của chương trình Bếp của mẹ trên kênh K+. Thời hiện đại, nhiều cặp vợ chồng trẻ chưa chú ý đến bữa ăn gia đình. Tổ ấm cần có bếp mới ấm cúng. Bếp của mẹ là những món ăn, bữa ăn để giảng hòa, kết nối các thành viên trong gia đình. Tôi còn dẫn chương trình Giờ chiến thắng ung thư.

- Còn bữa ăn của gia đình anh?

- Chúng tôi đoàn tụ bữa tối. Nhà 64m2 mặt bằng, 3 tầng trên đường Trường Sơn, phường 2, quận Tân Bình. Các cháu ngủ ở phòng lớn. Mấy chị em rất có ý thức bảo nhau học tập, chơi cùng, bênh nhau khi bị ai bắt nạt. Nhà tôi có trồng trúc, tóc tiên, mười giờ...

- Gia đình anh có hay ra Bắc?

- Hoàng Ngọc Mai (SN 1979) vợ tôi, đã học sư phạm Anh văn, học thêm bằng Luật, hiện làm ở Văn phòng Sở  hữu trí tuệ tại quận 1. Bố Mai gốc Hà Nam, mẹ người Hoa, Mai sinh trưởng ở Sài Gòn nên nói tiếng Nam. Con gái cả và 2 con trai út của tôi có năng khiếu nghệ thuật. Tuy nói tiếng Nam, song cả 4 cháu đều luôn tự hào là người Bắc. Tôi vẫn chú ý hàng năm đưa vợ con ra Bắc. Mẹ tôi nay 85 tuổi, lại có bệnh. Tôi cũng mới từ Hà Nội vào, đem 10 kg sấu chia cho 2 bà chị, phần của nhà, cả 4 đứa con đều tham gia cạo sấu.
 
NSƯT Đức Hải:
 
- Cho chúng gôi gặp một góc đời thường cận cảnh hơn?

- Chúng tôi đều đi xe Lead, tôi xe đỏ, đeo nhẫn mặt đá đỏ, cho may mắn, vợ đi xe trắng. Tôi vẫn dựng các chương trình cho trường của các con, mang tặng nhiều bộ thời trang giấy do tôi tự cắt, dán bằng ni lon, giấy màu cho các con và bạn chúng trình diễn. Tôi chưa biết lái thạo ô tô. Đưa Đức Huy ra Đà Nẵng, mới tập 3 phút đã liều lái Camry quanh phố, rẽ vào một ngõ, gặp xe công nông không lùi được (vì chưa học lùi), nên anh công nông lùi hộ. Anh ta ngạc nhiên sao tôi chưa có và chưa biết lái ô tô.

- Anh thật sành điệu khi dùng điện thoại Vertu?

- Cái Vertu này 237 triệu, tôi nhận sau một dự án, thay vì đối tác  trả tiền. Còn cái Samsung 2 sim thì quá cũ, tôi vẫn dùng Ipad 2, không thời thượng, vì không quá cầu kỳ hình thức, cái chính là mình làm việc thế nào?

- Anh vẫn sẽ đóng kịch và phim chứ?

- Tôi đã tham gia diễn kịch và dạy diễn xuất cho sân khấu Hồng Vân, rồi dạy MC, diễn xuất cho nhiều nhà văn hóa trong thành phố. Thích đóng phim và sẵn sàng ra Bắc nếu có lời mời hợp lý.

- Anh rể anh - đạo diễn Vương Đức Giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam sao chưa dành cho em vợ một vai nào trong phim nhựa nhỉ?

- Anh ấy vẫn đang nợ tôi vụ này (cười). Tôi diễn rất ăn ý với chị Ngọc Bích, nhưng bị mất mấy cơ hội hợp tác phim. Tôi có đóng vai một tay buôn thuốc phiện trong phim truyền hình Kỳ nghỉ hè cuối cùng của anh Vương Đức, năm 2009, quay ở Lạng Sơn.

- Nhớ Hà Nội, lập tức anh nhớ..
.
- Nhớ mùa Thu và vô cùng yêu mùa Đông. Nhớ bún thang, bún ốc, miến lươn, mì vằn thắn. Tôi về Hà Nội như cá gặp nước, chim gặp rừng, về lần nào cũng rối bù công việc, gặp gỡ và chẳng biết khi nào đủ thời gian cho các nhu cầu, nhất là thăm họ hàng, gặp bạn bè.

- Anh vẫn giữ hộ khẩu Hà Nội là để có ngày về sống ở Thủ đô?

- Ngôi nhà mẹ tôi đang ở, là luôn chờ tôi về. Tôi ấp ủ nhiều dự án làm tại Hà Nội, nhất là Nhà hát thiếu nhi.

Theo ANTĐ

Tin cùng chuyên mục

169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

(PNTĐ) - Khi đồng hồ điểm 8h30 sáng ngày 14/4 tại Texas, Mỹ, tên lửa New Shepard của công ty du hành vũ trụ Blue Origin rời bệ phóng, mang theo 6 người phụ nữ can đảm, đánh dấu chuyến bay có phi hành đoàn toàn nữ đầu tiên kể từ sau sứ mệnh của nữ phi hành gia Valentina Tereshkova năm 1963. Trong số đó, một cái tên khiến hàng triệu người Việt Nam tự hào: Amanda Nguyễn - người phụ nữ gốc Việt đầu tiên chính thức bay vào vũ trụ.
Những “bông hồng thép” làm nên “huyền thoại Trường Sơn”

Những “bông hồng thép” làm nên “huyền thoại Trường Sơn”

(PNTĐ) - Họ là những “bông hồng thép” trong Đại đội nữ lái xe Trường Sơn - đại đội nữ duy nhất đảm nhiệm công việc không kém gì nam giới, nữ cựu thanh niên xung phong trở về từ trong bão lửa chiến tranh, viết nên những trang sử anh hùng trên cung đường huyền thoại. Họ là những người mẹ, người vợ nơi hậu phương suốt bao năm thuỷ chung chờ đợi chồng, cha là chiến sĩ trở về, chấp nhận mất mát, hi sinh để cùng viết lên những câu chuyện tình yêu vượt thời gian… Những câu chuyện của họ thật bình dị mà quá đỗi phi thường, đã khắc hoạ một bức tranh lịch sử hào hùng, bi tráng của dân tộc trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại.
“Chạm” vào lịch sử để thêm yêu lắm Việt Nam

“Chạm” vào lịch sử để thêm yêu lắm Việt Nam

(PNTĐ) - Dự án "Yêu lắm Việt Nam" được Báo Nhân Dân thực hiện nhằm hưởng ứng và hướng tới Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Tại đây, lần đầu tiên hơn 180 di tích di sản của 63 tỉnh thành của Việt Nam được đưa vào thế giới số, mang đến cho du khách một trải nghiệm du lịch liền mạch giữa thực và số. Và đó cũng là cách thức rất hiệu quả để kỷ niệm ngày đất nước thống nhất, non sông về một mối.
Kiến tạo ngành phong thái từ học đường đến chuyên nghiệp

Kiến tạo ngành phong thái từ học đường đến chuyên nghiệp

(PNTĐ) - Học Viện Phong Thái Á Đông được thành lập năm 2019 dưới sự dẫn dắt của CEO Nguyễn Quỳnh Trang, là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực đào tạo Phong thái và Khí chất dành cho người phụ nữ Việt Nam. Trải qua hơn 5 năm hình thành và phát triển, Học viện hiện có 2 cơ sở đào tạo chính tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; đào tạo cho hơn 10.000 học viên và hơn 100 đối tác là các doanh nghiệp trên cả nước…