“Sức mạnh phụ nữ” trong những ngày tháng Tám lịch sử

Chia sẻ

PNTĐ-Kể lại những ngày cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội cách nay 70 năm, lòng tôi không khỏi xúc động và tự hào. Tự hào vì phụ nữ Hà Nội sẵn sàng hy sinh khi đất nước cần.

 
Năm 1945, tôi mới 11 tuổi nhưng vẫn có thể cảm nhận được rất rõ không khí sục sôi những ngày trước cách mạng tháng Tám. Đầu năm 1945, Nhật đảo chính Pháp. Thay vào những vị trí chiếm đóng của quân Pháp là lính Nhật với súng vác vai, kiếm dài sát đất, mặt hầm hầm hung ác. Tháng Ba, nạn đói bắt đầu hoành hành. Người Hà Nội nghèo cùng người ở các tỉnh kéo về Thủ đô, mặt xanh nanh vàng vì đói lả. Người chết đói nằm la liệt ngoài đường, ngoài chợ, khô đét co quắp. Hàng đoàn xe bò chở xác người chết đói như chở củi khô ra ngoại thành để chôn trong các hố tập thể. Ngoài nạn chết đói, các bệnh dịch như bệnh chấy rận, sốt, dịch tả cũng hoành hành. Cuộc sống ở Hà Nội ngày đó rất khó khăn. Lương thực, thực phẩm như muối diêm, dầu hoả, giấy viết… phải mua bằng phiếu bìa, một tuần hai ngày cấm bán thịt…
 
Vậy mà theo lời kêu gọi khởi nghĩa giành độc lập của Việt Minh, không khí cách mạng của Hà Nội cứ ngày đêm sôi sục… Những đội Thanh niên tuyên truyền xung phong toả đi khắp chợ cùng quê tập hợp nhân dân tuyên truyền về tình hình tội ác của thực dân, phát xít và thời cơ chúng ta giành độc lập, tự do. Các cuộc mít tinh sau đó thường biến thành các cuộc biểu tình biểu dương lực lượng, hô vang khẩu hiệu quyết tâm, nhiều khi đoàn người còn kéo đi phá kho thóc, kho quần áo, kho lương thực chia cho dân nghèo… Ở vùng quê Nghĩa Đô của tôi  đêm đêm bà con còn được xem những vở kịch cách mạng, học những bài hát yêu nước và tập quân sự  trên sân đình, chùa… trong khi lính Nhật co rúm trong các đồn bốt.
 
Điều khiến tôi rất khâm phục là nhiều cán bộ Việt Minh giỏi giang, dũng cảm lại chính là những anh chị vẫn quen biết trong làng, trong phố. Thường ngày các cô, các chị kín đáo, ít nói, lặng lẽ quay tơ, dệt cửi, đi chợ nấu cơm…
 
Vậy mà những ngày chuẩn bị khởi nghĩa họ như lột xác, thay hình, đổi dạng. Các  cô, các chị tóc búi gọn gàng, bỏ áo dài mặc áo cánh với thắt lưng ngang bụng, quần đen túm ống, đi dép quai hậu. Người đeo súng, người đeo gươm hoạt động hiên ngang trên phố, vào nhà người dân giải thích, vận động bà con tham dự mít tinh, biểu tình và tham gia các hoạt động khác chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa. Tôi ấn tượng nhất là các chị Thu (sau này làm Giám đốc Sở Y tế Hà Nội), chị Bình (sau này làm Bí thư huyện uỷ Thanh Trì), chị Khái, chị Mai, chị Nhân, chị Thường (sau này làm cán bộ phụ nữ trung ương và thành phố…)  đều được bà con khen diễn thuyết rất hay, nói rất đúng mong mỏi của bà con. Nghe theo lời vận động của chị Thường, gia đình cũng cho tôi, khi đó là học sinh đang nghỉ hè tham gia các hoạt động như hát bài hát cách mạng trong các cuộc tuyên truyền viết và dán truyền đơn…
 
Những ngày 14, 15 tháng Tám trở đi, các hoạt động cách mạng chủ yếu là mít tinh, biểu tình, chiếm các vị trí chiếm đóng của quân Nhật, diệt trừ Việt gian bán nước, cướp kho vũ khí… ngày đêm diễn ra dồn dập. Cao điểm là những ngày 17, 18, 19 tháng Tám, ta chiếm trại Bảo an binh, nhà đại diện Chính phủ Nhật cùng một số vị trí quan trọng khác và tổ chức cuộc mít tinh lớn với sự tham gia của hàng chục vạn người tại quảng trường Nhà hát lớn. Cuộc mít tinh ấy có chị Nguyễn Khoa Diệu Hồng diễn thuyết và đồng chí Trần Lâm cùng kéo lá cờ đỏ sao vàng  thật to khẳng định nền độc lập của  nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
 
Bây giờ trong mỗi dịp kỷ niệm cách mạng tháng Tám, xem lại những hình ảnh tư liệu, chúng ta lại thấy rất đông chị em phụ nữ Hà Nội xuất hiện trong các cuộc mít tinh, biểu tình. Các chị ở nội thành thì áo dài, quần trắng, đội nón.
 
Các chị ở ngoại thành mặc áo thắt vạt, quần đen, khăn mỏ quạ. Chị em dân quân, tự vệ mặc áo cánh, quần đen túm ống, thắt lưng da, vác súng hoặc đeo kiếm, chỉnh tề trong hàng ngũ mít tinh hoặc đi rầm rập theo đội hình. Trông oai hùng và khí thế như thế nhưng trước đó, các chị phải luyện tập vất vả từ cách đi đứng, quay phải quay trái suốt đêm, tập ứng phó khi tình huống bất thường xảy ra như quân địch phản ứng, bọn phản động bắn lén… Và ngày 2 tháng 9 là ngày lực lượng phụ nữ Thủ đô được biểu dương hoành tráng nhất với hàng chục vạn chị em tham gia. Những chị em có thành tích hoạt động cách mạng xuất sắc được ngồi trên lễ đài, trong đó có chị Diệu Hồng được vinh dự ngồi cạnh Bác Hồ và chị Lê Thi được cử kéo lá cờ đỏ sao vàng khẳng định nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời trước phút Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập.
 
Sau ngày lịch sử đó là bề bộn những công việc của Nhà nước non trẻ mới ra đời. Tuần lễ vàng với những ban thờ Tổ quốc và hòm quyên góp được đặt ở các  đầu phố với các chị thướt tha áo dài xếp hàng danh dự đón khách, các chị dân quân tự vệ canh gác. Nhiều bà, chị  đến tháo vòng, nhẫn, hoa tai bỏ vào hòm quyên góp, đặc biệt là bà Hoàng Thị Minh Hồ-vợ thương gia Trịnh Văn Bô và bà Lợi Quyền đua nhau giật giải quán quân với hàng nghìn cây vàng quyên góp cho cách mạng.
 
Kể lại những ngày cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội cách nay 70 năm, lòng tôi không khỏi bồi hồi, xúc động và tự hào. Tự hào vì phụ nữ Hà Nội đẹp đấy, thanh lịch đấy nhưng khi đất nước cần chị em luôn sẵn sàng hy sinh, xả thân đóng góp sức người, sức của…
 
     Lê Thị Tuý

Tin cùng chuyên mục

 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.
Bà Văn Thúy Hoa tái đắc cử Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Bắc Từ Liêm

Bà Văn Thúy Hoa tái đắc cử Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Bắc Từ Liêm

(PNTĐ) - Với tinh thần “đoàn kết - dân chủ - trách nhiệm - sáng tạo - phát triển”, Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam quận Bắc Từ Liêm lần thứ III, nhiệm kỳ 2024-2029 đã hiệp thương dân chủ, cử ra Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Bắc Từ Liêm khóa III gồm 55 đại biểu. Bà Văn Thúy Hoa tái đắc cử chức danh Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Bắc Từ Liêm khóa III.