Phụ nữ cao tuổi vẫn có thể sinh con, nhưng không khuyến khích

Chia sẻ

PNTĐ-Các cặp vợ chồng lớn tuổi cần đi khám bác sĩ trước khi có ý định sinh con.

 
Lần đầu tiên một phụ nữ sinh con ở tuổi 58 nhờ thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) tại BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội và là phụ nữ cao tuổi nhất đến nay tại Việt Nam được can thiệp chữa vô sinh thành công.
 
BS Lê Thị Thu Hiền, PGĐ kiêm Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản của BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, hoàn cảnh của người phụ nữ này rất đặc biệt, dù bị hiếm muộn nhưng chị vẫn mong muốn sinh con, khi đã mãn kinh 3 năm.
 
Để thụ tinh được, người mẹ này đã phải điều trị nội tiết kéo dài trong nhiều năm, sau đó, xin noãn của người thân và nhờ phương pháp TTTON để thực hiện thiên chức làm mẹ. Suốt quá trình mang thai, người mẹ này đã trải qua nhiều vất vả, lo lắng khi bị chảy máu nhiều lần, dọa đẻ non và gặp chứng huyết áp cao do mang thai. May mắn, người mẹ đã sinh được một bé trai kháu khỉnh, nặng 3 kg.
 
Đây được đánh giá là một thành tựu của ngành y tế trong vấn đề hỗ trợ sinh sản, tuy nhiên, theo BS Hiền, phụ nữ lớn tuổi sinh con không được khuyến khích. Bởi sau 50 tuổi người phụ nữ ở giai đoạn mãn kinh, hệ miễn dịch, sức đề kháng có dấu hiệu suy giảm nên dễ mắc các bệnh như loãng xương, đái tháo đường, răng miệng, huyết áp, cholesterol cao, tim mạch…
 
Đặc biệt, chất lượng và số lượng trứng giảm rõ rệt của người phụ nữ sau tuổi 50. Họ sẽ phải đối mặt với tỷ lệ mang thai thành công thấp, ngay cả khi họ thực hiện các biện pháp như thụ tinh trong ống nghiệm. Nguy cơ sảy thai, mang thai ngoài tử cung rất cao. Không chỉ vậy, trẻ do người mẹ cao tuổi sinh ra có nguy cơ kém thông minh hơn trẻ của mẹ dưới tuổi 35 và làm tăng nguy cơ nhiễm sắc thể bào thai gây nhiều di chứng ở trẻ, dị tật, thiểu năng ở trẻ sinh ra cũng cao hơn các bà mẹ trẻ.
 
Trong một số trường hợp đặc biệt, để sinh con muộn vẫn an toàn, BS Hiền khuyến cáo: Các cặp vợ chồng lớn tuổi cần đi khám bác sĩ trước khi có ý định sinh con để biết được tình hình sức khỏe hiện tại của mình và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đối phó với những nguy cơ có thể xảy ra khi mang thai; Bổ sung kiến thức, tâm lý trước khi mang thai; Thực hiện chế độ ăn uống và nghỉ ngơi phù hợp và cân đối các chất dinh dưỡng sẽ giúp thời kỳ mang thai của phụ nữ an toàn, đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé. Đặc biệt, thai phụ cần uống bổ sung acid folic vì acid folic giảm nguy cơ sinh con bị dị tật bẩm sinh.
 
Các cặp vợ chồng nên lưu ý sức khỏe trong 8 tuần đầu của thai kỳ, vì đây là thời kỳ vô cùng quan trọng với sự phát triển của thai nhi. Thai phụ cần tiến hành chẩn đoán trước sinh để kịp thời phát hiện dị tật thai nhi nếu có. Tuy nhiên, các BS khuyến cáo, tuổi sinh đẻ tốt nhất ở phụ nữ vẫn là từ 18 - 30 tuổi.
 
Thanh xuân

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành và tiếp sức cho các đội tuyển Bóng đá Quốc gia Việt Nam

Đồng hành và tiếp sức cho các đội tuyển Bóng đá Quốc gia Việt Nam

(PNTĐ) - Vừa qua, nhân dịp cùng tham gia buổi tập huấn tại Hà Nội của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, các tuyển thủ Đội tuyển Bóng đá Quốc gia Nam, Đội tuyển Bóng đá Quốc gia Nữ và Đội tuyển Quốc gia U22 Nam đã được cổ vũ tinh thần để chuẩn bị cho những giải đấu quan trọng sắp tới trong năm 2025.
Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam lần thứ 4

Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam lần thứ 4

(PNTĐ) - Báo Sức khỏe & Đời sống vừa tổ chức “Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam” lần thứ tư tại TP.Hồ Chí Minh. Chương trình được tổ chức tại Dinh Độc Lập, di tích lịch sử nổi tiếng tọa lạc tại trung tâm Thành phố, đã thu hút sự quan tâm và tham gia của hàng ngàn người dân địa phương và du khách.