Chủ động phòng ngừa tội phạm qua mạng xã hội

Chia sẻ

PNTĐ-Thời gian qua, lực lượng cảnh sát đã điều tra, khám phá nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều phụ nữ Việt Nam nhẹ dạ, cả tin bằng hình thức thông qua trang mạng xã hội...

 
Thời gian qua, lực lượng cảnh sát hình sự đã điều tra, khám phá nhiều vụ án người nước ngoài cấu kết với người Việt Nam lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều phụ nữ Việt Nam nhẹ dạ, cả tin bằng hình thức thông qua trang mạng xã hội facebook, với thủ đoạn tinh vi, số tiền chiếm đoạt lên đến hàng chục tỷ đồng. Nhiều phụ nữ đã “sập bẫy” chiêu trò của các đối tượng lừa đảo và số tiền lừa đảo ngày càng lớn, đặc biệt tại Hà Nội, Cần Thơ, Nghệ An, có người bị lừa với số tiền trên 6 tỷ đồng. Các đối tượng lừa đảo chia làm hai nhóm, cấu kết chặt chẽ với nhau.
 
Chủ động phòng ngừa tội phạm qua mạng xã hội - ảnh 1
Một số chị em phụ nữ đã “mắc bẫy” chiêu trò làm quen,
tặng quà “khủng” của đối tượng người nước ngoài qua facebook
    (Minh họa st)
 
Nhóm thứ nhất gồm các đối tượng là người nước ngoài
 
Các đối tượng này chịu trách nhiệm lập các facebook ảo trên mạng xã hội với chân dung là các “ông chủ giàu có, thành đạt, các nhà chính trị gia…” nhưng gặp những hoàn cảnh éo le về gia đình, người thân như ly hôn, vợ chết… để làm quen với phụ nữ Việt Nam có hoàn cảnh độc thân… Thực tế, hầu hết các đối tượng này là người gốc Phi (đặc biệt là người Nigeria), không có công ăn việc làm. Từ chỗ kết bạn, làm quen, đối tượng tán tỉnh, ngỏ lời yêu đương muốn tiến tới hôn nhân, thậm chí muốn về Việt Nam sinh sống và vẽ ra viễn cảnh tương lai vô cùng tươi đẹp.
 
Để làm tin, chúng bày tỏ nguyện vọng muốn gửi về cho những phụ nữ mà chúng làm quen các món đồ như laptop, iphone, nữ trang và mỹ phẩm có giá trị hoặc ngoại tệ được giấu trong các thùng hàng, thùng quà… Chúng sử dụng công nghệ tạo ra các hóa đơn (hóa đơn vận chuyển) của các công ty chuyển hàng uy tín trên thế giới để tạo niềm tin. Sau đó, chúng xin thông tin của những phụ nữ này như họ tên, địa chỉ liên lạc, số điện thoại và cung cấp những thông tin đó cho nhóm thứ hai là người Việt Nam.
 
Nhóm thứ hai gồm các đối tượng là người Việt Nam
 
Các đối tượng này chủ yếu là phụ nữ đã có mối quan hệ tình cảm, thậm chí có con với các đối tượng người nước ngoài. Để giúp sức cho nhóm đối tượng người nước ngoài thực hiện các vụ lừa tiền, lừa tình, chúng thường sử dụng thông tin cá nhân giả, sim điện thoại rác để trốn tránh việc truy tìm, xử lý của các cơ quan chức năng.
 
Các đối tượng này chịu trách nhiệm đóng giả là nhân viên của công ty giao hàng, nhân viên hải quan của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất thông báo với người bị hại: đã nhận được các “thùng hàng” do người nước ngoài gửi đã về đến sân bay, và yêu cầu người bị hại phải đóng một số tiền nhất định gọi là lệ phí hải quan thì mới nhận được hàng. Khi người bị hại gửi tiền cho chúng vào các tài khoản do chúng cung cấp (các tài khoản này thường là của người Việt Nam hoặc người nước ngoài do chúng thuê mở, hoặc của người bị mất chứng minh thư nhân dân…).
 
Thấy nạn nhân đã “sập bẫy”, chúng tiếp tục đưa ra các lý do như: Phát hiện ra trong thùng hàng có số lượng ngoại tệ hàng triệu đô la, hoặc vật phẩm có giá trị, nhưng do không khai báo nên bị tạm giữ. Nếu người bị hại không nộp lệ phí hải quan từ 5% - 10% tổng giá trị, thì sẽ bị tịch thu hoặc chuyển trả người gửi. Một mặt, thông tin này phù hợp với thông tin mà người nước ngoài đã trao đổi trước với người bị hại. Mặt khác, do lòng tham và thiếu hiểu biết, tin số quà là có thật mà nạn nhân đã gửi tiền theo yêu cầu của chúng. Sau khi nhận được tiền, các đối tượng đã bỏ sim điện thoại để người bị hại không liên lạc được nữa.
 
Chị em cần lưu ý
 
Không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bản thân trên mạng xã hội facebook để các đối tượng lợi dụng những thông tin này để đưa ra những chiêu trò nhằm chiếm được tình cảm của phụ nữ (nhất là những phụ nữ nhẹ dạ cả tin có hoàn cảnh éo le, sống độc thân…); Không kết bạn với người lạ, đặc biệt là người nước ngoài khi họ đưa ra những lời hứa về lợi ích vật chất; Công tác an ninh của sân bay quốc tế trong và ngoài nước đều có những quy trình kiểm soát hết sức nghiêm ngặt nên không thể giấu tiền, hoặc tài sản có giá trị vào trong các thùng hàng gửi bằng đường hàng không. Nếu thực sự có hàng, quà thì phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, nhận hàng tại các địa điểm cụ thể, có tên đơn vị người nhận tiền và phiếu thu rõ ràng chứ không gửi tiền qua tài khoản để nhận hàng. Do đó, chị em phụ nữ tránh ngộ nhận để không sa vào bẫy lừa đảo của số đối tượng trên.

Quỳnh An

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.