Vừa phạm luật, vừa làm khổ con

Chia sẻ

PNTĐ-Năm học 2016-2017 vừa kết thúc, trên các trang mạng xã hội, rất nhiều bậc phụ huynh tự hào đăng hình ảnh tổng kết năm học, bằng khen, bảng điểm học tập của con. Tuy nhiên...

 
Vừa phạm luật, vừa làm khổ con - ảnh 1
Ảnh minh họa
 
Năm học 2016-2017 vừa kết thúc, trên các trang facebook (mạng xã hội) cá nhân, rất nhiều bậc phụ huynh tự hào đăng hình ảnh tổng kết năm học, bằng khen, bảng điểm học tập của con. Tuy nhiên, từ 1/6 khi Luật Trẻ em có hiệu lực thì đây là hành vi vi phạm pháp luật.
 
Sau lễ bế giảng năm học, anh Nguyễn Hữu Hà ở khu đô thị mới Linh Đàm phấn khởi đưa ngay bảng thành tích “vàng” với toàn các điểm 8, 9, 10 của cô con gái đang học lớp 8 của mình lên trang mạng cá nhân. Nhiều người thân, bạn bè của gia đình gửi lời chúc mừng khiến vợ chồng anh Hà hãnh diện về “của để dành” của mình. “Thế mới bõ công bố mẹ vất vả lo cho con ăn học, đưa đón con đi học cả năm trời”. Trong khi anh Hà phấn khởi thì cô con gái anh lại không vui, thậm chí cháu còn đề nghị bố mẹ xóa bức ảnh chụp kết quả học tập đã đăng trên mạng xã hội.
 
“Năm nay, nhiều bạn của em được điểm số cao nên thành tích của em thực ra không quá xuất sắc hay nổi bật gì. Việc bố mẹ tự ý đăng bảng điểm của em lên mạng không khiến em tự hào mà còn ngại với bạn” – Nguyễn H.A, con gái anh Hữu Hà chia sẻ.
 
Còn Phạm T.D – học sinh lớp 10 một trường THPT ở quận Hoàng Mai đang trong tình trạng mặc cảm và tự ti do bị bố mẹ so sánh với các bạn khác. “Môn Hóa em học kém nên bị điểm thấp khiến kết quả học tập cả năm không cao, em chỉ được học sinh trung bình khá. Em biết mình cần phải nỗ lực hơn. Thế nhưng, bố mẹ không chia sẻ, trái lại, cứ lên mạng thấy thành tích con nhà khác đăng trên mạng tốt hơn là có ý trách mắng khiến em rất xấu hổ và tủi thân”.  
 
 Trong khi nhiều ông bố bà mẹ cho rằng, việc đưa hình ảnh, bảng điểm, giấy khen của con lên trang mạng cá nhân của mình là chuyện bình thường bởi có “tốt đẹp” thì mới “khoe ra”. Thế nhưng, các chuyên gia luật và những người làm công tác bảo vệ trẻ em lại đánh giá, đây là việc làm cần được cân nhắc kỹ bởi những hậu quả để lại sẽ khó lường.
 
Bà Ninh Thị Hồng – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam đánh giá việc đưa các “tài sản” cá nhân của trẻ bao gồm hình ảnh, bảng điểm, giấy khen lên mạng dường như là ý muốn có phần áp đặt của bố mẹ chứ chưa nhìn nhận một cách sâu xa những tác động đến tâm sinh lý của trẻ.
 
“Lời khen thường được nhìn nhận là có giá trị tích cực để khích lệ sự phấn đấu nhưng cũng có những mặt tiêu cực, có thể tạo thành những áp lực cho trẻ. Vì vậy, tôi nhìn nhận việc đưa thông tin cá nhân của con lên mạng, hại nhiều hơn lợi. Ngoài ra, những thông tin cá nhân được đăng công khai có thể ảnh hưởng tới cuộc sống, an toàn, thậm chí cả tính mạng của trẻ vì đây là cách dễ nhất để kẻ xấu có thể có trong tay tất cả tên tuổi, danh tính, trường lớp của trẻ để lợi dụng”.
 
 Bà Ninh Thị Hồng cũng thông tin thêm, Điều 33 Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Trẻ em có hiệu lực thực thi từ ngày 1/6 cũng đã quy định rõ những việc không được làm, trong đó có việc không nêu địa chỉ, thông tin về trường lớp, kết quả học tập của trẻ. Như vậy, hành vi “tốt đẹp khoe ra” khi chưa hỏi ý kiến hoặc chưa được trẻ đồng ý là vi phạm pháp luật. “Những vấn đề thuộc về cá nhân của trẻ được pháp luật quy định thì bố mẹ là người giám hộ chứ không được quyền quyết định thay con. Trẻ sẽ cảm thấy cha mẹ không tôn trọng, không quan tâm đến ý kiến của mình, nhất là với những trẻ đang bước sang tuổi dậy thì, tâm sinh lý thay đổi”.
 
Hạnh Lê

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.