Cháu ngoại

Chia sẻ

PNTĐ-Đã 7 năm nay tôi chưa về thăm quê ngoại, từ cái ngày nghỉ hè năm lớp 12 đó đến tận bây giờ.Và dĩ nhiên cũng là 7 năm tôi chưa được gặp ông bà ngoại-người sinh ra mẹ mình...

 
Cháu ngoại - ảnh 1
Ảnh minh họa
 
Mẹ tôi là con gái thứ ba trong gia đình có sáu anh em. Mẹ xinh đẹp, duyên dáng, được nhiều anh chàng trong làng để ý, đưa duyên. Chưa đầy mười tám tuổi mẹ phải theo sắp xếp của ông bà ngoại, về làm dâu trong gia đình một người bạn làm ăn của ông bà.
 
 Mẹ sớm sinh con trai đầu lòng (là tôi) và nhận được nhiều sự quan tâm của ông bà ngoại. Khi các bác, các cậu cũng lập gia đình, sinh con đẻ cái, lần lượt các cháu khác thế chỗ yêu thương của anh em tôi trong lòng ông bà ngoại, vì dù sao chúng tôi cũng chỉ là “cháu của người ta” theo như quan niệm của nhà ngoại.
 
Nhà tôi chuyển lên ngoại thành Hà Nội sinh sống cách đây hơn 10 năm. Từ đó tôi cũng ít gặp ngoại hơn, tôi có một ông anh họ bằng tuổi nhưng là cháu nội, lại là đích tôn của ông bà nên được cưng nựng hết cỡ. Có lần bà ngoại dẫn hai anh em đi chợ, bà mua một chiếc áo mới cho anh họ còn tôi bà chỉ bảo “cháu nhiều áo rồi không cần mua”. Lúc đó, đứa trẻ mới lên mười làm sao hiểu được lời bà nói, tôi chỉ biết rằng mình cũng rất muốn có một cái áo sặc sỡ màu sắc như anh.
 
Năm tháng qua đi, anh em tôi trưởng thành, tôi bước chân vào ngưỡng cửa đại học. Hè năm đó khi vừa thi xong, tôi cùng cậu về thăm ông bà ngoại. Hôm đó đúng vào ngày giỗ của cụ cố, khách đến góp giỗ rôm rả, ông bà vốn là trưởng nên rất bận bịu, cháu chắt chạy lăng xăng khắp nơi, đùa cười, rồi trêu nhau khóc om sòm. Đến giờ ăn cơm, ông anh (cháu nội) của tôi tuy đã lớn nhưng vẫn còn tính nhõng nhẽo, trẻ con, hay muốn được cưng nựng, dỗi không ăn cơm. Bà bèn xé thịt gà nhỏ rồi mang bát cơm, cái thìa đến gần nói ngọt dỗ cháu nội ăn. Đúng lúc đó có ông thông gia đến ăn giỗ hỏi:
 
- Đây là con anh nào thế hả bà?
 
- Con thằng Dũng đấy ông ạ, là cháu đích tôn của tôi đấy.
 
Ông khách nhìn sang tôi, thấy tôi cao lớn hơn nên bèn hỏi:
 
- Tôi tưởng cậu này mới là con anh lớn chứ, trông thông minh, lanh lợi quá.
 
- Không phải ông ạ! Đấy là con cái Nguyệt, cháu ngoại thôi.
 
Rồi bà ngoại hết lời khen ngợi, dành mọi sự quan tâm cho cháu nội, còn cháu ngoại như tôi, bà chỉ nói dăm ba câu. Sau lần đó, tôi không muốn về quê ngoại nữa. Mỗi năm chỉ có bố mẹ tôi về quê một lần vào dịp Tết, tôi dặn bố mẹ, ông bà có hỏi thì bảo là con phải đi học sớm, đi làm thêm, đi trực, nói chung là mọi lý do để vắng mặt. Tôi không muốn về làm người thừa ở quê ngoại khi có đến hơn chục đứa cháu, mà lại toàn cháu nội của ông bà.
 
Thế là bảy năm nay, tôi trốn tránh việc về thăm nhà ngoại. Dù quãng đường từ Hà Nội về Nam Định không quá xa, xe cộ rất thuận tiện. Tôi không biết nếp nhà của ngoại giờ ra sao, con ngõ ấy đã thay đổi chưa…
 
Tôi tốt nghiệp đại học và chuẩn bị lập gia đình, bố mẹ thúc giục mãi tôi mới quyết định sẽ đưa bạn gái về ra mắt ông bà ngoại và thăm quê sau bảy năm không về. Nhưng về đến quê tôi mới biết ông ngoại giờ đã bị lẫn không còn nhớ bất kỳ ai nữa, ngay cả con của mình, cả ngày lẩn thẩn đi ra đi vào, thậm chí còn bị lạc trong làng nhiều lần. Bà ngoại thì bị tê phù chân tay, phải nằm một chỗ, mắt cũng đã mờ.
 
Bỗng tôi cảm thấy đau nhói lạ, nỗi đau xuất phát từ trong tim, vì chợt nhớ ra ông bà là máu mủ của mình, người thân sinh ra mẹ mình. Người già đâu như người trẻ, mỗi ngày qua đi là một ngày héo hon, bảy năm qua đi tôi trở thành một người trưởng thành, chững chạc, còn ông bà ngoại thì chịu sự vận động của quy luật sinh lão bệnh tử, như ngọn đèn trước gió.
 
Đúng! Cháu ngoại thì đã làm sao! Vậy tại sao tôi lại vì mặc cảm bởi sự coi trọng cháu nội của ông bà mà quên đi tình yêu thương suốt bảy năm nay, quên máu mủ, quên đi cái “đạo làm cháu” của mình.     
 
Nguyễn Văn Công

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.