Ăn uống cần có văn hóa
PNTĐ-Nhiều lần đi dự tiệc buffet, tôi chứng kiến hình ảnh chưa đẹp của một số người Việt của chúng ta...
![]() |
Buffet là tiệc tự chọn, thực khách chỉ trả phí một lần cho việc mua phiếu (có một số nơi phụ thu thức uống). Nhiều món ăn được trưng bày, ai thích món gì thì chọn món đó. Thường thì thực khách đi ăn buffet đều hiểu, chỉ dùng vừa đủ, kẻo lãng phí. Cũng có nhiều nhà hàng buffet khuyến cáo bằng một biển thông báo, đại loại là ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Tuy nhiên không ít người vẫn phớt lờ những biển báo như thế, cố lấy cho nhiều vào đĩa, ra sức ăn vẫn không hết. Rồi sau đó lại tiếp lấy những món khác cũng với "phong cách" như vậy, để lại trên đĩa ê hề thức ăn. Nhìn cái cách nhân viên nhà hàng thu gom chén đĩa khó chịu, lắc đầu cũng đủ hiểu họ nghĩ gì.
Tháng vừa rồi tôi có qua Campuchia thăm người bà con. Nhân chuyến du lịch đến Siem Reap, cả nhóm có ghé nhà hàng Tonle Mekong dùng buffet. Bước vào nhà hàng, tôi rất vui và phấn khởi khi bắt gặp nhiều du khách Việt Nam. Chúng tôi có vài câu xã giao thông dụng. Nhưng thật sửng sốt, khi nhìn cách họ lấy thức ăn, đĩa nào cũng đầy. Ngồi gần họ mà tôi ái ngại thay. Nhiều đĩa thức ăn còn dư họ đẩy sang một bên, lại tiếp tục đi lấy đĩa gắp thức ăn khác. Người thân tôi nhún vai bảo: "Chuyện này chị bắt gặp vài lần rồi".
Không riêng gì ăn trả tiền mà ngay cả ăn miễn phí cũng xuất hiện những hình ảnh xấu xí. Ở những bệnh viện, buổi trưa thường có hội từ thiện đến phát cơm. Bệnh nhân lấy nhiều không nói, ngược lại người nhà bệnh nhân dù đã được phát đầy đủ nhưng vẫn quay lại vài lần để xin tiếp. Thậm chí họ còn chen lấn, không chịu xếp hàng, chỉ để mình được phát trước. Ở trên bàn giao dịch của mỗi ngân hàng đều có hũ kẹo cho khách ngậm đỡ buồn miệng. Rẻ thôi, một túi kẹo có giá chỉ vài nghìn đồng, nhưng có vị khách lấy đến nửa hũ cho vào giỏ mang về.
Không phải ngẫu nhiên mà một nhà hàng buffet ở Thái Lan đã ghi biển báo bằng tiếng Việt: “Xin vui lòng ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Nếu ăn không hết sẽ phạt từ 200 baht (bạt) đến 500 baht. Xin cảm ơn!”. Rồi ở Singapore: “Xin vui lòng không lãng phí thức ăn. Phạt $5 cho mỗi 100g thức ăn dư thừa. Xin cảm ơn”; “Lấy vừa đủ ăn”. Hay ở Lào:
“Xin quý khách lưu ý. Quý khách ăn bao nhiêu chúng tôi rất vui lòng. Trường hợp quý khách lấy đồ ăn không hết, buộc chúng tôi phải tính thêm gấp 5 lần/01 suất ăn”. Những dẫn chứng nêu trên không phải để bôi nhọ, đánh đồng tất cả người Việt, vì có rất nhiều người Việt Nam tử tế. Tính xấu chỉ là số ít. Tuy nhiên, chỉ cần vài hành động xấu xí thôi cũng đủ làm cho người Việt chúng ta nhòe đi trong mắt bạn bè quốc tế. Đã đến lúc mỗi cá nhân cần có ý thức trong việc ăn uống chốn công cộng. Ăn uống cũng là văn hóa.
Nguyễn Thanh Vũ
(Tân Phú, TP.HCM)
(Tân Phú, TP.HCM)