Game show hẹn hò truyền hình: Nhiều quá hóa nhàm và nhảm!

Chia sẻ

PNTĐ-Gần đây trên truyền hình bỗng dưng bùng nổ hàng loạt các chương trình hẹn hò, se duyên cho các cặp đôi. Nhưng, các chương trình nhanh chóng gây “bội thực”...

 
Gần đây trên truyền hình bỗng dưng bùng nổ hàng loạt các chương trình hẹn hò, se duyên cho các cặp đôi. Nhưng, các chương trình nhanh chóng gây “bội thực” vì được phát sóng cùng thời điểm với định dạng tương tự nhau, thậm chí nhân vật tham gia cũng trùng lặp khiến khán giả khó chịu...
 
Game show hẹn hò truyền hình: Nhiều quá hóa nhàm và nhảm! - ảnh 1
Hình ảnh chương trình “Vì yêu mà đến”. Ảnh: BTC
 
Show hẹn hò ồ ạt chiếm sóng “giờ vàng”
 
“Bạn muốn hẹn hò” ra đời vài năm trước như “món ăn lạ” trên truyền hình và cho đến thời điểm hiện tại vẫn là chương trình nhận được sự yêu mến của đông đảo khán giả xem truyền hình. Mua bản quyền từ chương trình “Punchi de Deto” của Nhật Bản, mục tiêu của “Bạn muốn hẹn hò” là mai mối, se duyên cho những người bận rộn có cơ hội tìm được đối tượng ưng ý. Ban tổ chức sẽ dựa vào những đặc điểm về ngoại hình, tính cách… lựa chọn hai người phù hợp để “mai mối”. Thực tế, “Bạn muốn hẹn hò” đã se duyên thành công cho rất nhiều cặp đôi trong khoảng thời gian dài phát sóng.
 
Chương trình talk show “Vợ chồng son” dựa theo phiên bản gốc “Xin chào vợ chồng son” của Nhật Bản cũng nhận được sự quan tâm của nhiều khán giả truyền hình bởi đánh trúng tâm lý người xem khi nêu ra các vấn đề khó nói trong cuộc sống vợ chồng và giúp khán giả có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý các vấn đề sau kết hôn.
 
Chương trình là cơ hội để các cặp vợ chồng mới cưới, đang ở giai đoạn khó khăn trong việc cố gắng hòa hợp tính cách, lối sống của nhau... có thể nói chuyện thẳng thắn, đối mặt những sự khác biệt, nhận những lời khuyên từ 2 MC để hiểu và gắn bó với nhau hơn, cùng nhau xây dựng tổ ấm hạnh phúc bền lâu...
 
Từ 2 gameshow hẹn hò “ăn khách”, 2017 được cho là năm bùng nổ những chương trình có cùng motif hẹn hò trên truyền hình như: Vì yêu mà đến (HTV7), Yêu là chọn (HTV7), Khúc hát se duyên (HTV7), Lựa chọn của trái tim (VTV3), Giai điệu chung đôi (VTV3)...
 
Hầu hết các chương trình này đều được ưu tiên phát sóng khung “giờ vàng” của của các kênh truyền hình VTV, HTV…
 
“Se duyên” hay chỉ nhằm “câu view”?
 
Món ngon đến mấy mà thưởng thức nhiều cũng chán, huống chi bàn tiệc gameshow truyền hình lại có quá nhiều món tương tự nhau, hàng loạt các chương trình hẹn hò phát sóng cùng thời điểm dễ khiến người xem thấy nhàm chán. Sau chương trình, nhiều người xem cùng đặt câu hỏi, đây là chương trình hẹn hò, sẽ duyên hay chỉ nhằm mục đích “câu view”?
 
Chẳng hạn như ở chương trình “Vì yêu mà đến”, dàn khách mời cả nam và nữ hầu hết đều là người trẻ tuổi, hoạt động trong showbiz nên việc họ chấp nhận ra về với một chàng trai, cô gái không tên tuổi là thiếu khả thi. Khán giả được xem những màn tỏ tình rất lãng mạn, những lời nói đậm chất ngôn tình nhưng dễ nhận ra sự gượng gạo, thiếu thực tế và cảm xúc. Hơn nữa, một số nhân vật xuất hiện cùng lúc nhiều gameshow, hoặc có những nhân vật bị phát hiện đã có người yêu vẫn tham gia chương trình, có những nhân vật ra về cùng nhau nhưng đến đúng hôm chương trình phát sóng lại tuyên bố chia tay… khiến cho khán giả càng thêm chắc chắn chương trình có sự sắp đặt.
 
Nhiều khán giả cùng nhận định, mục đích của “Vì yêu mà đến” là dùng ngôi sao để câu người xem, hoặc nên gọi chương trình là fan gặp thần tượng hơn là chương trình hẹn hò, tìm “nửa kia”. Những khán giả xem phiên bản Trung “Phi thường hoàn mỹ” thì đồng quan điểm cho rằng, bản gốc tự nhiên, hấp dẫn hơn chứ không “giả tạo” như “Vì yêu mà đến”.
 
Hay, ở “Lựa chọn trái tim”, mặc dù truyền tải thông điệp nhân văn, tình yêu thật sự thì không đến từ ngoại hình nhưng thực tế chương trình có không ít những tình huống nhân vật lựa chọn khiến người xem khó chấp nhận. Hầu như trong số họ, ngoại hình lại vẫn là sự lựa chọn đầu tiên bởi khi bỏ mặt nạ hóa trang, họ có thể công kích nhau về vẻ ngoài, thậm chí, họ từ chối gặp mặt nhau sau khi đã đồng ý hẹn hò. Người xem so sánh hình ảnh trong chương trình “Lựa chọn trái tim” khiến họ liên tưởng tới cảnh tuyển chọn phi tần thời xưa, hoặc nhân vật khách mời như một chủ tọa trong phiên tòa tình cảm.
 
Những chương trình mới ra mắt cách đây chưa lâu như: “Giai điệu chung đôi”, “Khúc hát se duyên”… đã có một vài thay đổi về định dạng, đưa yếu tố âm nhạc vào chương trình. Tuy nhiên, khán giả dễ “bắt bài” được các màn tỏ tình rất quen thuộc, bắt đầu là giới thiệu - tìm hiểu về nhân vật, khách mời đem đến chương trình một số trò chơi để mọi người cùng tham gia, nhân vật đến với một ca khúc cùng những lời tỏ tình sến súa…  
 
Trong chuyện hẹn hò, yêu đương, điều quan trọng nhất mà chương trình cần phải làm được là đem đến cho khán giả cảm xúc, sự tự nhiên và chân thật, tuy nhiên, hầu hết các chương trình hẹn hò mới đây đều thiếu những tiêu chí quan trọng này.
 
Ra đời một cách ồ ạt, thiếu sự sáng tạo, thiếu cảm xúc thì việc một chương trình bị khán giả thờ ơ quay lưng hay phải “đóng máy” sau một, hai mùa phát sóng có lẽ là… kết cục được báo trước.

Nguyên Vũ

Tin cùng chuyên mục

Khi tình yêu nảy nở giữa người và... AI

Khi tình yêu nảy nở giữa người và... AI

(PNTĐ) - Tình yêu giữa người và trí tuệ nhân tạo tưởng chừng là một khái niệm viễn tưởng xa vời, nhưng trở thành "có thật" trong Tiểu thuyết Người tình của Elara. Ở đó, mối tình chạm đến nỗi cô đơn sâu kín nhất của con người hiện đại, thì thầm với độc giả một điều: “Hãy yêu lại chính mình, từ đoạn đời đã từng tổn thương”.
Hà Nội công bố danh mục di sản, di tích cần bảo vệ

Hà Nội công bố danh mục di sản, di tích cần bảo vệ

(PNTĐ) - Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết số 24/NQ-HĐND tại kỳ họp thứ 22 (khóa XVI), ngày 29/4/2025, ban hành danh mục các khu vực, di tích, di sản và công trình kiến trúc cần được tập trung nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa. Đây là bước triển khai cụ thể Luật Thủ đô và các quy định liên quan trong công tác bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn Thành phố.
Liên kết vùng - Động lực phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô

Liên kết vùng - Động lực phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô

(PNTĐ) - Công nghiệp văn hóa (CNVH) đang dần trở thành một trong những trụ cột của nền kinh tế hiện đại, góp phần tạo dựng sức mạnh mềm và hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế. Trong bối cảnh đó, việc thúc đẩy liên kết vùng nhằm tạo ra các sản phẩm CNVH có giá trị gia tăng cao không chỉ là nhu cầu phát triển của Thủ đô Hà Nội mà còn là xu thế tất yếu đối với cả vùng đồng bằng sông Hồng.