Cảnh báo nguy cơ người lớn mắc sởi

Chia sẻ

PNTĐ-Sởi là bệnh thường gặp ở trẻ em. Tuy nhiên nhiều trường hợp người lớn vẫn mắc sởi trong đó có cả phụ nữ mang thai.

 
Sởi là bệnh thường gặp ở trẻ em. Tuy nhiên nhiều trường hợp người lớn vẫn mắc sởi trong đó có cả phụ nữ mang thai. Tuy là bệnh lành tính nhưng nếu không điều trị và chăm sóc tốt, bệnh có thể gây biến chứng.
 
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai) cho biết, những tuần đầu tiên của năm 2019, số ca mắc sởi tại BV tiếp tục tăng, nguy cơ dịch sởi có thể xảy ra theo chu kỳ 4-5 năm. “Nếu vài tháng trước, trung bình mỗi tháng, khoa Truyền nhiễm có khoảng 10 trường hợp người lớn mắc sởi đến điều trị, thì chỉ trong hai ngày gần đây (9-10/1), khoa đã tiếp nhận 8 ca. Trong đó, có 2 trường hợp mắc sởi là phụ nữ đang mang thai. Nhiều bệnh nhân khác là nữ giới mắc sởi trên nền cơ địa đặc biệt như: bệnh tim, phổi, thận mãn tính...” - PGS.TS Cường thông tin.
 
Điển hình như bệnh nhân N.T.A (24 tuổi, ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội), mang thai tuần thứ 24, đang được chăm sóc tại khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai). Cách đó hơn 1 tuần, chị được đưa tới BV thăm khám với các dấu hiệu điển hình của bệnh sởi. Trường hợp khác là bệnh nhân Nguyễn T.T (37 tuổi, Hà Nội) - nhân viên y tế đang làm việc tại một bệnh viện ở Hà Nội, mắc sởi nghi do tiếp xúc với bệnh nhân. Đáng nói, hầu hết các trường hợp mắc sởi nói trên đều không có miễn dịch với virus gây bệnh sởi.
 
Cảnh báo nguy cơ người lớn mắc sởi - ảnh 1
PGS.TS Đỗ Duy Cường đang thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: Dương Ngọc

 
Lý giải hiện tượng trên, PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết: Không chỉ trẻ em mà cả người lớn nếu thường xuyên tiếp xúc với nguồn lây cũng có thể mắc sởi. Trong đó, phụ nữ có nguy cơ mắc sởi nhiều hơn nam giới, đặc biệt là nhóm nữ độ tuổi từ 25-40. Đây là lứa tuổi về mặt bệnh học có lỗ hổng miễn dịch. Bởi vậy, bất cứ ai không có miễn dịch với virus sởi (người chưa được tiêm phòng hoặc đã được tiêm phòng nhưng không tạo được miễn dịch) đều có thể mắc bệnh. 
 
Dù có nguy cơ thành dịch nhưng sởi là bệnh lành tính, đa số các trường hợp không có biến chứng, khoảng 90-95% trường hợp bệnh sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, có thể có khoảng 30% trẻ em và 5% người lớn gặp phải biến chứng như: viêm phế quản - phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy, viêm loét giác mạc, viêm não, suy dinh dưỡng... Với thai phụ mắc sởi, nguy cơ cao dẫn đến sảy thai, đẻ non vì sốt rất cao, dễ bội nhiễm do suy giảm miễn dịch hơn người khác. Cũng theo PGS Cường, trẻ em và phụ nữ có thai hoặc bất cứ ai không có miễn dịch (người chưa được tiêm phòng hoặc đã được tiêm phòng nhưng không tạo được miễn dịch) đều có thể mắc sởi. 
 
Các triệu chứng của sởi là sốt nhẹ hoặc sốt cao từ 39 - 400C, sốt liên tục. Người bệnh thường bị hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, viêm kết mạc, dử mắt, phù nhẹ mi, ho (có thể ho khan hoặc có đờm), tiêu chảy... Một số trường hợp kết mạc mắt đỏ, khám họng thấy có chấm trắng trong niêm mạc miệng (hạt Koplick). Điều nguy hiểm là nhiều người mắc sởi mà không biết. Nhiều trường hợp đi khám bị chẩn đoán nhầm là dị ứng thuốc, sốt phát ban, rubella… cho đến khi nhập viện xét nghiệm mới biết. Bên cạnh đó, do chủ quan, nghĩ rằng sởi là bệnh của trẻ em nên không có các biện pháp phòng bệnh. 
 
Trong điều trị bệnh sởi ở người lớn, các bác sĩ cho biết nguyên tắc chính là điều trị triệu chứng như hạ sốt, kết hợp với vấn đề vệ sinh và dinh dưỡng, theo dõi biến chứng của người bệnh. PGS Cường lưu ý, người mắc bệnh sởi không nên bôi các loại thuốc lên da; không kiêng tắm rửa là hoàn toàn vì nếu không vệ sinh sạch sẽ, người bệnh có nguy cơ bị bội nhiễm, nhiễm trùng rất nguy hiểm. Để phòng lây nhiễm sởi ra cộng đồng, cần cách ly bệnh nhân mắc sởi bằng cách đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Cách phòng bệnh sởi tốt nhất là tiêm vắc-xin phòng bệnh.
 
TS. BS Lê Xuân Luật - khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai) cho biết thêm, với trẻ nhỏ có mẹ đã tiêm phòng sởi trước khi mang thai, nên tiêm phòng sởi lúc 9 tháng tuổi. Với trẻ sinh ra từ mẹ không được tiêm phòng sởi 3 tháng trước khi có thai có thể cân nhắc tiêm phòng sởi cho trẻ khi trẻ đủ 6 tháng tuổi bởi người mẹ không có kháng thể để giúp con chống lại bệnh này. Người trưởng thành nếu lúc nhỏ chưa tiêm hoặc tiêm vắc-xin sởi chưa đủ 2 mũi cũng nên đến cơ sở y tế để được tư vấn tiêm phòng.
 
Thảo Hương

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.