Thắp sáng tình yêu tiếng Nga

Chia sẻ

PNTĐ-Với lòng yêu nghề, yêu nước Nga, tiếng Nga sâu sắc, cô giáo Lê Thị Hiền đã dẫn dắt nhiều học sinh chuyên Nga giành giải Quốc gia, Quốc tế...

 
21 năm giảng dạy tại trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông), với lòng yêu nghề, yêu nước Nga, tiếng Nga sâu sắc, cô giáo Lê Thị Hiền đã dẫn dắt nhiều học sinh chuyên Nga giành giải Quốc gia, Quốc tế, Thành phố  môn tiếng Nga. Cô đã được tôn vinh với Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2015, danh hiệu Người tốt việc tốt của UBND TP Hà Nội năm 2014 và danh hiệu Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu năm 2017 của Hội LHPN Hà Nội… 
 
Thắp sáng tình yêu tiếng Nga - ảnh 1
Cô giáo Lê Thị Hiền, trường THPT chuyên Nguyễn Huệ nhận danh hiệu “Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu” do Hội LHPN Hà Nội trao tặng

 
Lội ngược dòng tìm về với tiếng Nga
 
Cô giáo Hiền kể: “Từ nhỏ, mình đã rất yêu tiếng Nga nên mặc dù học chuyên Toán ở cấp 2, cô vẫn quyết định “rẽ ngoặt”, thi vào lớp 10 chuyên tiếng Nga của trường THPT Hoàng Văn Thụ (tỉnh Hà Sơn Bình cũ). Ở tuổi 15, mình bắt đầu được tiếp xúc với tiếng Nga, với cô giáo dạy tiếng Nga và các giáo viên người Nga đã từng sống và làm việc tại làng Chuyên gia của công trình thủy điện Sông Đà. Mình đã cảm mến nước Nga hơn không chỉ qua các tác phẩm văn học Nga của Puskin, Leptonxtoi… mà còn qua các chuyên gia người Nga thân thiện, nhiệt tình”. Đó là lý do vì sao tốt nghiệp THPT, Hiền đã chọn khoa tiếng Nga của trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ. Năm 1990, khi đang là sinh viên năm thứ 2, Hiền được cử sang Nga học chuyển tiếp 1 năm. 
 
Trở về nước, tốt nghiệp khoa Nga của trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ, Hiền đã chứng kiến những thăng trầm của tiếng Nga. Một số sinh viên tốt nghiệp tiếng Nga ngày đó gặp phải khó khăn khi tìm việc làm. Hiền đã quyết định học thêm bằng cử nhân tiếng Anh hệ tại chức của trường ĐH Sư phạm ngoại ngữ. Năm 1994, cô Hiền đã được điều động về dạy tiếng Anh tại trường THPT Nguyễn Du - Thanh Oai. Sau 3 năm dạy tiếng Anh, biết tin trường THPT Nguyễn Huệ mở lớp chuyên tiếng Nga, cô Hiền mừng lắm nên đã nộp đơn thi tuyển và đã trúng tuyển.
 
Cô trở thành giáo viên đầu tiên dạy ở hệ chuyên Nga của trường. Sau 4 năm dạy song ngữ Nga - Anh, cô Hiền đã tự nguyện xin thôi dạy tiếng Anh để chuyên tâm làm việc tiếng Nga. 
 
“Có người đùa mình đang lội dòng… ngược. Nhưng mình chỉ muốn được sống hết mình với đam mê được dạy tiếng Nga. Có thể ai đó nghĩ tiếng Nga chưa phổ biến bằng một vài ngoại ngữ khác, nhưng với mình, tiếng Nga vẫn luôn là số 1”, cô Hiền nói. 
 
Cô giáo Hiền nhớ lại những ngày đầu tiên cùng các đồng nghiệp đặt nền móng xây dựng hệ chuyên tiếng Nga tại trường THPT Nguyễn Huệ. Tài liệu dạy tiếng Nga còn thiếu thốn, các cô đã sử dụng lại bộ SGK tiếng Nga trước kia, sau đó phải tìm về các trường ĐH có khoa tiếng Nga để xin thêm tài liệu giảng dạy. Bản thân cô giáo Hiền cũng luôn trăn trở, làm gì để có thể truyền được ngọn lửa tình yêu tiếng Nga sang cho học trò. Bởi, chỉ khi yêu thì các học sinh của cô mới có thể học tốt tiếng Nga.
 
Và thế là cô Hiền đã không ngừng cải tiến bài giảng của mình. Thay vì những bài tập ngữ pháp khô cứng, trong mỗi tiết dạy, cô cung cấp thêm cho học sinh nhũng kiến thức về văn hóa Nga, đất nước Nga, con người Nga… theo các chủ đề, chủ điểm đang được học. Cô thường cho các học sinh xem phim, tranh ảnh… về danh lam thắng cảnh của đất nước Nga, con người Nga. Cô còn có sáng kiến giúp học sinh tự tìm hiểu về nước Nga. Qua các bài hát, vần thơ, hoặc các vở kịch mà học sinh được đóng bằng tiếng Nga, cô giúp các em yêu tiếng Nga hơn. Bằng cách đó, mỗi tiết học tiếng Nga của cô Hiền, luôn lôi cuốn học trò. 
 
Những “trái ngọt” đầu mùa
 
Cô Hiền nói, để có thể chinh phục được trái tim học trò vô cùng khó. Hơn 20 năm gắn bó với tiếng Nga, nhưng cô lúc nào cũng thấy mình cần phải học nữa, đọc nữa. Cô luôn đặt ra cho mình quy định làm việc một cách nghiêm túc.
 
Cô Hiền rất vui vì đa phần học sinh của cô bước ra từ lớp chuyên Nga, đều rất trưởng thành. Có thể kể tới nữ sinh Nguyễn Hải Yến, quê Chương Mỹ. Khi học tại trường, biết hoàn cảnh của Yến khó khăn, cô đã luôn động viên em về mọi mặt để em yên tâm học tập. Kết quả là khi đang học lớp 11, Yến đã thi cùng các HS lớp 12 và giành giải Nhì quốc gia môn tiếng Nga. Năm lớp 12, Yến lại lần thứ hai giành giải Nhì với số điểm cao nhất. Hiện, Yến đang viết tiếp ước mơ của mình tại nước Nga bằng học bổng toàn phần. Ngoài Yến, mỗi năm còn có hàng chục học sinh khác của hệ chuyên Nga được nhận học bổng toàn phần của chính phủ Việt Nam và Nga để sang Nga du học.
 
Nhiều em hiện lại đang làm việc các thành phố như Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Mũi Né… cũng như đang đứng trên giảng đường của các trường đại học. Hạnh phúc hơn, hai học sinh cũ của hệ chuyên Nga, trường THPT chuyên Nguyễn Huệ đã trở về trường tiếp tục hành trình cùng cô Hiền “truyền lửa” tiếng Nga tới các thế hệ học sinh.
 
Đến nay, đã hơn một năm kể từ khi được nhận danh hiệu “Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu” do Hội LHPN Hà Nội trao tặng, cô Lê Thị Hiền vẫn luôn nỗ lực dạy tốt trong từng giờ dạy tiếng Nga của mình. Nhờ đó, danh sách học sinh được cô dìu dắt đã giành giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế lại được nối dài thêm. Mới đây nhất, học sinh Đỗ Quỳnh Anh lớp 12 Nga do cô giảng dạy và chủ nhiệm đã giành Huy chương Bạc tại kỳ thi Olympic môn tiếng Nga lần thứ 16 được tổ chức tại Matxcova tháng 12/2018. Quỳnh Anh cho biết, thành công của em một phần cũng nhờ vào những bài giảng của cô Hiền. Kiến thức mà cô Hiền cung cấp đã giúp em tự tin chiến thắng, vượt qua nhiều đối thủ mạnh khác để được xướng tên trên đấu trường quốc tế.
 
 
Trung Thu

Tin cùng chuyên mục

Lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi)

Lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi)

(PNTĐ) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang công bố dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến góp ý theo quy định. Dự thảo Luật gồm 9 chương và dự kiến 50 điều, được xây dựng bám sát chủ trương của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, điều ước quốc tế và thực tiễn trong nước; bảo đảm tính kế thừa, phát triển và kiến tạo hành lang pháp lý đổi mới phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN).
 “Bữa ăn trưa 0 đồng” tiếp sức mùa thi nơi ngoại ô Hà Nội

“Bữa ăn trưa 0 đồng” tiếp sức mùa thi nơi ngoại ô Hà Nội

(PNTĐ) - Hòa cùng không khí thi cử nghiêm túc và căng thẳng trên khắp cả nước, các thí sinh tại điểm thi thuộc xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn đã gần như hoàn thành các môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Trong thời gian nghỉ trưa để chuẩn bị cho buổi thi chiều, các em học sinh đã nhận được sự tiếp sức đầy yêu thương từ chính quyền địa phương, Hội LHPN và người dân nơi đây – bằng những bữa cơm trưa hoàn toàn miễn phí, ấm áp nghĩa tình.