Nghe "di sản kể chuyện" nhà khoa học nữ

Chia sẻ

PNTĐ-“Các nhà khoa học nữ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều chị có công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc góp phần cải thiện đời sống nhân dân”.

 
“Các nhà khoa học nữ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều chị có công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc làm cơ sở hoạch định chính sách và có tính ứng dụng cao trong thực tiễn, góp phần cải thiện đời sống nhân dân”- đó là nhấn mạnh của PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tại hội nghị Mạng lưới các Nhà khoa học nữ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 8 cuối năm 2018 vừa qua.
 
Nếu được một lần tới thăm Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam (TTDS) - nơi đang lưu giữ, nghiên cứu, trưng bày di sản của nhiều nhà khoa học Việt Nam, trong đó có khoảng 50 nhà khoa học nữ thuộc nhiều lĩnh vực, nhiều độ tuổi… công chúng sẽ thấy nhận định này hoàn toàn chính xác.
 
Nghe
Kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt (bên phải) giới thiệu với Thạc sĩ Trần Bích Hạnh về bản thiết kế máy biến áp 100kV đầu tiên do bà là tác giả

Những công trình “vì dân” 
 
Theo Th.S Trần Bích Hạnh, Giám đốc điều hành TTDS, trong quá trình tiếp xúc với các nhà khoa học nữ, sưu tầm, nghiên cứu các di sản khoa học của họ, bà và cộng sự nhận thấy, điểm chung ở các nhà khoa học là sự tận tâm cống hiến, tinh thần vượt khó, say mê nghiên cứu đến vô cùng. Họ không cho phép mình dừng lại, khi mà trong xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập cần được khoa học giúp đỡ giải quyết. 
 
Th.S Hạnh kể về PGS.TS Lê Viết Kim Ba, người từng được nhận giải thưởng Kovalevskaia với những nghiên cứu khoa học có giá trị thực tiễn cao, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, sinh học, môi trường. Đề tài cấp Bộ đầu tiên mà TS Ba chủ trì năm 1980 có tên “Nghiên cứu chế tạo màng thẩm thấu ngược để làm ngọt nước biển” nhằm góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt của các cán bộ chiến sĩ đang công tác ở quần đảo Trường Sa. Đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu chế tạo màng siêu lọc máu” của bà vào năm 1985 lại nhằm phục vụ việc điều trị cho các bệnh nhân suy thận.
 
Tiếp đó, nhận thấy các đơn vị sản xuất dịch truyền của Việt Nam phải sử dụng màng lọc của nước ngoài với giá thành cao, bà đã trăn trở nghiên cứu, chế tạo các loại màng lọc dịch tiêm truyền của Việt Nam với giá thành rẻ hơn mà chất lượng không thua kém sản phẩm ngoại. Thành công từ việc chế tạo màng lọc này đã dẫn bà và các cộng sự đến với Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam năm 1999.
 
Hay như câu chuyện của TS Trần Thị Ngọc Dung, Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, người đã đưa nano bạc vào sản xuất nhiều sản phẩm thiết thực phục vụ đời sống như khẩu trang phòng chống dịch bệnh; bộ dụng cụ lọc làm sạch nước quy mô gia đình; băng bỉm vệ sinh cho trẻ em, người già; dung dịch vệ sinh phụ nữ… Sản phẩm băng gạc Nano bạc SILVIET 11 có tác dụng kháng khuẩn và chữa các vết thương khó lành gắn liền với tên tuổi của bà cũng được ra đời trong hoàn cảnh có cảnh nhiều người bệnh bị kháng kháng sinh, chỉ vì vết xước nhỏ mà không thể hồi phục, vết thương còn bị hoại tử sâu. 
 
Mô hình lò đốt rác sinh hoạt BD-Alpha của của Th.S Đàm Thị Lan, giảng viên tại trường đại học Xây dựng Hà Nội lưu tại TTDS lại kể một câu chuyện khác. Trong một lần đi công tác, nhìn thấy nhiều bãi rác nhỏ lẻ trên đường, Th.S Lan đã nghĩ mình phải làm gì đó để giúp xử lý rác thải bằng phương pháp đốt. Cuối cùng, sau nhiều tháng ngày nghiên cứu, vượt qua khó khăn về cơ sở vật chất, tài chính, bà đã thiết kế thành công lò đốt chất thải rắn sinh hoạt BD-Alpha sử dụng phương pháp dẫn khí tự nhiên và thân thiện với môi trường. 
 
Không chùn bước trước khó khăn, vất vả
 
Để có thể cho ra đời những công trình khoa học mang tính ứng dụng cao, giúp ích cho cộng đồng ấy, các nhà khoa học nữ đã phải chấp nhận nhiều vất vả, hy sinh. Những câu chuyện nghề, chuyện đời của các nhà khoa học, được lưu giữ tại TTDS đã nói lên điều đó.
 
Thạc sĩ Hạnh vẫn nhớ mãi câu chuyện với GS.TSKH Nguyễn Thị Lê là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên nhận học vị Tiến sĩ về chuyên ngành ký sinh trùng ở Liên Xô. Tốt nghiệp ĐH Tổng hợp Hà Nội năm 1959, bà được giữ lại trường giảng dạy bộ môn động vật không xương sống của khoa Sinh học. Trong quá trình làm việc, nhận thấy mảng nghiên cứu sán lá ký sinh trên vật chủ còn ít được quan tâm, bà đã đi sâu nghiên cứu về sán lá và dần dần gắn bó với ngành ký sinh trùng.
 
Nghe
Sổ ghi chép của GS.TSKH Nguyễn Thị Lê tại Nông trường Tam thiên mẫu 1973-1974 đang được lưu giữ tại TTDS

 
Do đặc thù công việc, bà phải thường xuyên thực hiện những chuyến điền dã. Mặc dù rất sợ bóng đêm của miền rừng núi, bà vẫn luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Bà đốt đèn măng xông trong đêm, mổ mắt, mũi, khí quán, mề của chim, thú để tìm mẫu giun sán rồi định loại ngay vì nếu để chậm, mẫu vật sẽ bị biến đổi, không sử dụng được. Có những đêm, bà phải thức tới 2 giờ sáng. Ngay cả khi đã trở thành Phó Tiến sĩ, bà vẫn sẵn sàng xắn quần chui vào chuồng trâu, nhà vệ sinh… để lấy phân làm thí nghiệm ký sinh trùng. Bà tâm sự đã yêu nghề thì vất vả mấy cũng không nản, tiếp xúc với phân gio cũng không thấy bẩn. 
 
Hiện nay, TTDS cũng đang lưu giữ nhiều bản thiết kế máy biến áp của AHLĐ, kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt, tác giả của 3 máy biến áp 110kV, 220kV và 500kV ở Việt Nam. Kỹ sư Nguyệt kể: “Quá trình tìm tòi tài liệu để nghiên cứu, thiết kế bản vẽ, giám sát thi công… đến khi hoàn thiện máy biến áp là những chuỗi ngày gian khó với vô vàn áp lực.
 
Có lần, máy biến áp 220kV đã lắp ráp hoàn thiện, chuẩn bị cho vào lò sấy, tôi bật khóc vì chợt nghĩ ra nếu có sai sót, dù chỉ nhỏ nhất thì mọi công sức và hàng chục tỷ đồng đổ đi hết”. Chỉ tới khi máy biến áp đóng điện thành công, kỹ sư Nguyệt mới trút bỏ gánh nặng nghìn cân. Còn khi thấy bà thiết kế máy biến áp 500kV, có chuyên gia Nga từng khuyên bà không nên làm vì ở Nga, 8 Tiến sĩ hàng đầu mà phải làm tới lần thứ 4 mới thành công. Trong khi đó, bà chỉ có một mình, lại là phụ nữ. Nhưng cuối cùng, bà vẫn theo đuổi và quyết tâm nghiên cứu bằng được. “MBA 500kV đi theo tôi cả vào trong bữa ăn, trong giấc ngủ. Tôi chỉ mong mỗi ngày có tới 48 giờ để có thời gian nghiên cứu nhiều hơn” - bà tâm sự.
 
Theo GS.TS Nguyễn Thị Lang, người đã dành hơn 30 năm nghiên cứu và cho ra đời gần 100 giống lúa mới có năng suất cao, phụ nữ làm khoa học phải nỗ lực gấp nhiều lần nam giới. Bởi các chị phải “một vai hai gánh”, vừa làm tốt công việc, vừa hoàn thành thiên chức làm vợ, làm mẹ. “Khi thực hiện đề tài “Hoàn thiện bản đồ gen cho cây lúa”, cũng là lúc tôi sinh con thứ hai. Không thể để đề tài nghiên cứu bị đứt doạn, mặc dù chồng can ngăn nhưng tôi vẫn quyết định mang con sang Phillipines. Tôi tìm nhà gần nơi làm việc để vừa trông con vừa nghiên cứu. Hàng ngày, tôi phải chạy đi chạy lại từ 4 đến 5 lần để cho con bú. Đêm đêm, khi con ngủ say, tôi lại thức đến 2-3 giờ sáng để làm việc”. 
 
Còn PGS.TS Lê Kim Phụng, ĐH Bách Khoa, 1 trong 100 nhà khoa học nữ hàng đầu châu Á năm 2017 theo bầu chọn của tạp chí khoa học Asian Scientist (Singapore) với cán bộ TTDS thì chia sẻ: “Cứ mỗi lần kéo vali ra sân bay đi công tác, tôi lại thấy thương con ở nhà phải vắng mẹ.
 
Và thế là, dù bận rộn công việc, lại phải di chuyển nhiều, nhưng tôi vẫn cố gắng sắp xếp để nói chuyện với con qua skype. Có lần đi dự hội thảo ở Hawaii (Mỹ), cả đêm tôi gần như không ngủ để có thể gặp con, nói chuyện với con vì lệch múi giờ”. Vượt lên tất cả, PGS Kim Phụng đã đạt nhiều thành công trong khoa học khi tạo ra nhiên liệu sinh học từ chất thải của ngành nông nghiệp như dầu hạt cao su, hạt cà phê…
 
 
 Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam được thành lập năm 2008 với chức năng sưu tầm, lưu giữ, nghiên cứu và phát huy giá trị của các nhà khoa học Việt Nam. Các chuyên ngành mà trung tâm tiếp cận, nghiên cứu rất đa dạng và từng bước đang được mở rộng, từ khoa học xã hội và nhân văn đến khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật, công nghệ.  Hiện nay, TTDS đang bảo quản hàng chục vạn tài liệu-hiện vật của các nhà khoa học bao gồm: Bản thảo, sổ ghi chép, hồi ký, thư từ, văn bản hành chính, ảnh tư liệu, hiện vật khối… và hàng trăm nghìn phút ghi âm, ghi hình của nhiều nhà khoa học nói chung, nhà khoa học nữ nói riêng. Đây đều là di sản quý giá, phản ánh lịch sử cuộc đời của các nhà khoa học cũng như sự phát triển của ngành khoa học mà họ cống hiến và góp phần khắc họa bức tranh nền khoa học của đất nước. Hiện nay, các nhân viên của TTDS vẫn đang mở rộng việc sưu tầm, lưu giữ và giới thiệu tới công chúng nhiều hơn nữa di sản của các nhà khoa học.
 
 
Trung Thu

Tin cùng chuyên mục

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.