Đuổi học khi học sinh mắc lỗi: Thầy “hết cách” hay trò “hết thuốc”?

Chia sẻ

PNTĐ-Phía sau án phạt 4 nữ sinh bắt bạn quỳ gối, không phải sự hả lòng mà là trăn trở của không ít người, liệu đuổi học có thể cảm hóa hay chỉ càng đẩy các em xa mái trường?

 
4 nữ sinh có mặt trong đoạn clip tát, bắt một nữ sinh lớp 7 quỳ gối xin lỗi ở huyện Diễn Châu, Nghệ An gây xôn xao dư luận vừa qua, đã phải nhận mức kỷ luật đuổi học 1 tuần. Nhưng phía sau án phạt ấy, không phải sự hả lòng mà là trăn trở của không ít người, liệu đuổi học có thể cảm hóa hay chỉ càng đẩy các em đi xa mái trường?
 
Phía sau đuổi học là gì? 
 
Đây không phải là lần đầu tiên, các nhà trường sử dụng biện pháp đuổi học học sinh mắc lỗi được cho là nghiêm trọng. Mức kỷ luật này được áp dụng dựa theo Thông tư 08 ban hành tháng 3/1988 và Thông tư 12/2011/TT- BGĐT Ban hành Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học của Bộ GD-ĐT. Theo đó, các mức kỷ luật học sinh gồm khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học 1 tuần và đuổi học 1 năm.
 
Trong các mức trên, nhiều người cảm thấy chưa thuyết phục về hình thức đuổi học học sinh… Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Phạm Phúc Thịnh: Đa phần học sinh mắc lỗi, nhất là lỗi nghiêm trọng có cá tính mạnh, ý thức kém. Vốn đã không thích học, nay lại “được” nhận án phạt đuổi học, các em có thể ở nhà ngủ nướng, xem phim, chơi games, gia tăng cơ hội chơi bời lêu lổng. Chưa kể, sau thời gian bị đuổi học, các em bị “hổng kiến thức” sẽ khó theo kịp chương trình nên càng tự ti, chán học hơn.
 
Chuyên gia tư vấn tâm lý Phạm Phúc Thịnh cho rằng: “Lâu nay, dù đã được “mổ xẻ” tìm nguyên nhân nhưng tình trạng bạo lực học đường vẫn tiếp diễn. Nhiều vụ việc, học sinh đánh nhau còn dữ dội hơn (không chỉ đánh, tát mà còn đạp vào bụng, bắt quỳ, lột  áo làm nhục bạn)… Điều này có thể lý giải hình phạt của chúng ta chưa hiệu quả”. 
 
Thầy giáo Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội chia sẻ: Nhiều học sinh của trường có gia cảnh đặc biệt như: bố mẹ ly hôn; bố mẹ mất sớm, đi làm ăn xa để con ở với ông bà; gia đình không hòa thuận… Bình thường, các em vốn đã không được nhận sự giáo dục chặt chẽ từ gia đình. Nếu bị đuổi học, các em sẽ như thế nào? Sự buông tay từ nhiều phía sẽ đẩy các em vào con đường “lệch chuẩn” nhiều hơn.
 
 
Đuổi học khi học sinh mắc lỗi: Thầy “hết cách” hay trò “hết thuốc”? - ảnh 1
Ở trường THPT Đinh Tiên Hoàng không có khái niệm học sinh cá biệt

 
“Nhà trường là nơi giáo dục học sinh. Khi trường không thể thực hiện trách nhiệm ấy của mình mà đẩy các em ra ngoài xã hội, trả các em lại cho gia đình thì các em sẽ đi đâu, về đâu? Đừng nghĩ rằng, sau khi bị đuổi học một thời gian, các em sẽ ân hận, hối lỗi, thoắt biến thành những học sinh ngoan biết vâng lời. Thực tế ghi nhận nhiều em, sau khi bị đuổi học thì cũng bỏ học luôn”.
 
Hãy cho học sinh một cơ hội
 
Kỷ luật học sinh mắc lỗi là tất yếu, nhưng quan trọng hơn là chọn một hình thức kỷ luật tích cực, có tính giáo dục. Theo ông Thịnh, các em học sinh mắc lỗi nghiêm trọng cần được tham gia các hoạt động lao động công ích, chăm sóc trẻ em khuyết tật, người già cô đơn tại các trung tâm bảo trợ nhằm giáo dục các em biết quan tâm đến người khác kém may mắn hơn mình và tu dưỡng bản thân. Gia đình các em học sinh cũng phải có trách nhiệm giám sát con em. Nếu em nào không tu dưỡng thì gia đình phải nộp phạt thay con. 
 
Cô Trần Thị Quyến, trước khi công tác trường THPT Kim Liên, Hà Nội, từng nhiều năm giảng dạy môn Giáo dục công dân ở một trường ngoài công lập. Vì thế, cô có cơ hội giảng dạy nhiều đối tượng học sinh khác nhau. “Có thời điểm, tôi được phân công giảng dạy lớp với nhiều học sinh được cho là cá biệt. Nhưng, trong mắt tôi, không có học sinh nào là “hết thuốc chữa”, chỉ là người lớn chưa tìm ra phương pháp giáo dục đúng, phù hợp với các em”. Cách mà cô Quyến sử dụng là luôn mở lòng với học trò, lắng nghe và trao cho các em cơ hội làm lại.
 
“Tôi nhận thấy, nhiều em học sinh khi đánh bạn để tỏ ra mình mạnh mẽ, nhưng thực ra các em rất yếu mềm, dễ xúc động. Với những em này, tôi trò chuyện, khơi gợi, chia sẻ tâm tư để tác động đến tâm hồn các em. Lại có học sinh, thích quậy phá do không được ai tin tưởng nên em cần phải cố gắng thay đổi. Tôi đã sắp xếp cho các em đảm nhiệm vị trí nào đó trong lớp để các em được thể hiện trách nhiệm của mình. Quả nhiên, sau một thời gian, em này tiến bộ hẳn”.
 
Theo cô Quyến, những vụ bạo lực học đường xảy ra thời gian qua là do các học sinh có mâu thuẫn, hiềm khích với nhau. Muốn giảm tình trạng này, giáo viên chủ nhiệm phải thường xuyên nắm bắt tâm lý học trò, kịp thời tháo gỡ, hóa giải trước khi mâu thuẫn giữa các học sinh tích tụ.
 
“Vai trò của giáo viên rất quan trọng. Bằng tình yêu thương, trách nhiệm, thầy cô cần phát hiện bí mật đằng sau những học sinh học ngoan hiền hay hiếu động, những uẩn khúc về gia đình, môi trường học, quan hệ bạn bè giữa các em trong lớp. Ngoài ra, giáo viên cần tạo môi trường để các học sinh được chia sẻ, yêu thương nhau. Giáo dục, cảm hóa bằng tình yêu thương không dễ, nhưng nếu người lớn kiên trì, nhẫn nại thì chắc chắn sẽ thành công”. 
 
Chị Đinh Thu Hồng, hiện là giáo viên tại trường New Life Academy of Excellence, Duluth, tiểu bang Georgia Mỹ cho biết, xử phạt học sinh chỉ là gốc của vấn đề. Các trường ở Mỹ luôn dạy học sinh lòng cảm thông, quan tâm đến cảm xúc của người khác; tự trọng đối với bản thân mình và người khác; Lòng dung thứ, coi sự khác biệt không phải là cái sai, đơn giản chỉ là sự khác biệt; Lòng dũng cảm, là khi làm việc đúng, hành động chính nghĩa ngay cả khi mình thấy sợ phải làm điều đó. Khi được giáo dục những điều đó từ nhỏ, các em sẽ chan hòa hơn, tôn trọng nhau và không dùng bạo lực để ứng xử với nhau. Khi đó, người lớn cũng  không cần vận dụng những biện pháp xử phạt vốn nặng về lý hơn là tình.
 
 
Trung Thu

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.
 Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

(PNTĐ) - Chương trình Camp truyền thông Teenyeeu nhằm giới thiệu hoạt động Dự án Mô hình CLB Teenyeeu 24h là hoạt động thuộc Dự án “Mô hình CLB Teenyeeu 24h thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong xây dựng quy tắc ứng xử tại tổ chức giáo dục dưới góc nhìn giới và nâng cao năng lực truyền thông, góp ý xây dựng pháp luật về giới và tình dục” triển khai tại 3 địa phương là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Bình từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024.
Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

(PNTĐ) - Năm học 2024 - 2025, học sinh đầu cấp tại Hà Nội tăng khoảng 70.000 (chưa tính học sinh cấp mầm non) so với năm học 2023-2024. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội yêu cầu các đơn vị, trường học tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến để tránh quá tải. Đặc biệt, các trường tuyệt đối không được vận động, quyên góp, thu các khoản ngoài quy định khi tuyển sinh.