Kỳ 1: Pháo cao xạ lập công

Chia sẻ

PNTĐ-Lần đầu tiên trên “lòng chảo” Điện Biên Phủ, quân đội Việt Nam được trang bị pháo cao xạ đã góp phần lớn vào chiến thắng lẫy lừng của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

 
65 năm trước, quân và dân Việt Nam đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải đàm phán ký Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh, công nhận độc lập của nước ta. Chiến thắng Điện Biên Phủ chính là bản hùng ca bất hủ, là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam. 
 
Nhân kỷ niệm sự kiện lịch sử quan trọng này, Báo Phụ nữ Thủ đô giới thiệu một số bài viết, ghi lại từ những chia sẻ về thời khắc lịch sử của các nhân chứng trong  cuộc chiến đấu ác liệt nhưng đầy vinh quang 65 năm về trước.
 
Lần đầu tiên trên “lòng chảo” Điện Biên Phủ, quân đội Việt Nam được trang bị pháo cao xạ (PCX) để bảo vệ bầu trời, yểm hộ bộ binh chiến đấu và chặn đường tiếp viện trên không của địch. Sự xuất hiện bất ngờ và hoạt động hiệu quả của lực lượng mới thành lập với số lượng PCX không nhiều đã làm cho quân địch hoang mang, lúng túng; góp phần lớn vào chiến thắng lẫy lừng của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. 
 
Kỳ 1: Pháo cao xạ lập công  - ảnh 1
Lực lượng pháo ca xạ trong chiến dịch Điện Biên Phủ (Nguồn tư liệu TTXVN)

Những cuộc hành quân bí mật
 
“Năm 1953, do yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, gần 3.000 cán bộ chiến sĩ từ các quân, binh chủng; từ vùng hậu địch được huy động để xây dựng lực lượng binh chủng mới trong đội hình chiến đấu. Đó là Trung đoàn PCX 367 gồm 6 tiểu đoàn PCX 37mm. Phiên hiệu của Trung đoàn là 367 xuất phát từ những con số ý nghĩa này. Năm 1952, vừa tròn 16 tuổi, tôi tham gia thiếu sinh quân và chỉ một năm sau, tôi đã được gọi tham gia Trung đoàn 367 - Trung đoàn PCX chủ lực đầu tiên của quân đội ta”, ông Nguyễn Trấn, cựu chiến binh đại đoàn 308, Trung đoàn PCX 367 kể lại. 
 
Nhận nhiệm vụ mới, ông Nguyễn Trấn cùng các đồng đội đi bộ, hành quân bí mật sang Tân Dương, Trung Quốc để học chiến thuật, kỹ thuật sử dụng PCX. Cuối năm 1953, sau một thời gian huấn luyện tốt, 2 tiểu đoàn đầu tiên của Trung đoàn là 383 và 394 được lệnh về nước tham gia chiến dịch Trần Đình (mật danh của chiến dịch Điện Biên Phủ). 
 
Kỳ 1: Pháo cao xạ lập công  - ảnh 2
Cựu binh Nguyễn Trấn - chiến sỹ Điện Biên trân trọng lưu giữ kỷ vật, giấy tờ trong chiến dịch Điện Biên Phủ suốt 65 năm qua

 
Theo ông Nguyễn Trấn, trước năm 1954, quân đội ta chưa có lực lượng không quân, xe tăng và PCX cũng không có; máy bay Pháp gần như làm chủ bầu trời, đánh phá ác liệt nên quân đội Pháp xem không quân là lực lượng “con cưng”. Để bảo vệ và chi viện cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thực dân Pháp đã lấy không quân là lực lượng duy nhất làm nhiệm vụ tiếp tế quân lực, lương thực từ Hải Phòng, Hà Nội lên Điện Biên; đồng thời ngăn chặn sự tiến công của ta. Vì thế, sự có mặt của PCX – pháo phòng không không quân có ý nghĩa quan trọng, góp phần tăng thêm sức mạnh cho quân đội ta, là chỗ dựa cho bộ binh làm hầm tấn công và triệt phá đường tiếp tế bằng hàng không của địch. 
 
Đi cùng 2 tiểu đoàn là 24 khẩu pháo. Từ nước bạn, các chiến sĩ ăn mặc như người Trung Quốc, đi tàu hỏa về biên giới. Các khẩu pháo được bí mật bố trí ở các toa, phủ bạt kín. Về Đồng Đăng (Lạng Sơn), pháo tiếp tục được hành quân cơ giới qua các tỉnh miền núi phía Bắc rồi tập trung ở km62 Tuần Giáo (cửa ngõ phía Đông huyện Điện Biên).
 
Từ Tuần Giáo đến Điện Biên khoảng 80km - đoạn đường thực sự khó khăn và thử thách với quân, dân ta vì phải kéo pháo vượt qua những núi, đèo hiểm trở; xung quanh gián điệp, biệt kích quấy phá, máy bay địch săn lùng trên không. Ròng rã suốt 9 đêm liền, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ dùng sức người kéo từng khẩu pháo, nhích từng cm đưa pháo vào trận địa an toàn. Tuy nhiên, do thực tế tình hình chiến sự, Bộ Tư lệnh quyết định thay đổi chiến thuật “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc”, buộc các chiến sĩ kéo pháo ra và lại kéo vào.
 
“Kéo pháo ra gian khổ gấp nhiều lần kéo vào, nguy cơ mất pháo khi tụt dốc rất lớn. Địch đã phát hiện ra đường kéo pháo của ta nên đánh phá suốt ngày đêm. Những gương anh hùng cứu pháo như Tô Vĩnh Diện, Nguyễn Quang Thuận, Nguyễn Thế Vinh được nhắc đến chính là trên đường kéo phá ra. 
 
Chiến thắng của trí tuệ quân sự Việt Nam
 
Sau khi kéo pháo ra thành công, sau Tết Giáp Ngọ 1954, 24 khẩu pháo tiếp tục tiến vào trận địa. Tại Nà Lời, đông bắc cứ điểm Him Lam, cách Mường Thanh hơn 3.000m, trận địa pháo được ngụy trang như những ụ rơm nằm giữa cánh đồng. Khi giờ G được điểm – tức là ngày 13/3/1954, tiểu đoàn PCX 383 yểm trợ Đại đoàn 312 tiêu diệt căn cứ Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 14/3/1954, đại đội PCX 815 đã lần đầu nổ súng bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay trinh sát của giặc Pháp. 
 
Đến cuối tháng 3 năm 1954, toàn bộ 6 tiểu đoàn của Trung đoàn 367 đã có mặt tại “lòng chảo” Điện Biên Phủ và các tuyến đường giao thông huyết mạch. Sự xuất hiện của lực lượng PCX đã làm tăng thêm niềm phấn khởi, tin tưởng cho bộ đội, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ thi đua lập công trên khắp mặt trận, đồng thời gây cho quân Pháp nỗi khiếp sợ. Chúng tăng cường chống phá và mở chiến dịch “tiêu diệt PCX Việt Minh”.
 
Trong mưa bom bão đạn của quân thù, các chiến sĩ Trung đoàn 367 hiên ngang, bất khuất nêu cao khẩu hiệu “Còn một người, còn một khẩu pháo, còn một viên đạn, còn chiến đấu”, “Thà chết chứ nhất định không chịu rời mâm pháo”. Qua 55 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, bộ đội PCX đã cùng các binh chủng hợp thành trên mặt trận, đập tan ưu thế tuyệt đối của không quân Pháp, chặt đứt cầu hàng không chi viện cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bám sát và bảo vệ đội hình chiến đấu của bộ binh, pháo binh, đồng thời hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ giao thông chiến dịch.
 
Sau 55 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm”, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng. Cựu binh Nguyễn Trấn chia sẻ: Dù số lượng PCX được trang bị rất khiêm tốn so với sức mạnh không quân của quân đội Pháp nhưng Trung đoàn 367 đã bắn rơi 52 trong tổng số 62 máy bay địch bị phá hủy ở Điện Biên Phủ, trong đó có cả loại B.24 cải tiến mà Pháp thường rêu rao là “Pháo đài bay”, “không súng phòng không nào có thể bắn hạ”. Có thể nói, chiến thắng của chúng ta ở Điện Biên Phủ là chiến thắng của trí tuệ quân sự, lấy ít thắng nhiều…
 
“Một tuần sau chiến thắng lừng lẫy, đại đội 815 thay mặt Trung đoàn 367 tham gia lễ mừng chiến thắng tại Mường Phăng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng tư lệnh của chiến dịch đã thăm hỏi, động viên chiến sĩ. Chúng tôi đã rất hạnh phúc và được tiếp thêm nhiều sức mạnh” – ông Nguyễn Trấn nhớ lại.
 
 
(còn tiếp kỳ 2)
 
Đức Hạnh 

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.
Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

(PNTĐ) - Không còn chiến tranh, không còn chia cắt, đất nước Việt Nam giờ đây vươn mình mạnh mẽ hội nhập với thế giới. Thế hệ thanh niên ngày nay cũng hướng đến trở thành những công dân toàn cầu, ham học hỏi, đầy tài năng. Và hơn hết, trong trái tim mỗi người đều một lòng yêu nước nồng nàn, tha thiết.
Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

(PNTĐ) - 790 người cao tuổi phường Bồ Đề được hướng dẫn bài thể dục tránh ngã. Đây là chương trình thuộc dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số áp dụng mô hình Tsuyama" (JICA). Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.