Tăng cường giám sát khi điều chỉnh quy hoạch

Chia sẻ

PNTĐ-Trong ngày làm việc đầu tiên của tuần thứ 2, Quốc hội dành trọn một ngày để thảo luận tại hội trường kết quả giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch...

 
Trong ngày làm việc đầu tiên của tuần thứ 2, Quốc hội dành trọn một ngày để thảo luận tại hội trường kết quả giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.
 
Tăng cường giám sát khi điều chỉnh quy hoạch - ảnh 1
Đại biểu tham gia thảo luận tại hội trường
 
Tư duy quy hoạch nhiệm kỳ 
 
Đồng tình với báo cáo giám sát của Đoàn giám sát của Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khẳng định: Việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý đất đai đã đi vào nề nếp; chính sách tài chính về đất đai đã đóng góp nguồn thu quan trọng cho ngân sách, cho đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; bức tranh đô thị có nhiều khởi sắc và thay đổi rõ rệt, nhiều khu đô thị mới khang trang xuất hiện…
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều ĐB quan tâm đến những hạn chế trong công tác quy hoạch. ĐB Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) dẫn số liệu từ báo cáo và cho biết: “Một trong những câu hỏi lớn khi tiếp cận báo cáo giám sát là trong công tác quy hoạch xuất hiện việc điều chỉnh theo đề xuất của nhà đầu tư và trong 1.390 dự án có quy hoạch được điều chỉnh từ 1 - 6 lần, có bao nhiêu đề xuất điều chỉnh theo dự án của họ? Quốc hội nghĩ gì khi mật độ xây dựng điều chỉnh nâng từ 4,6% - 40%, tầng cao bình quân từ 20-33 lên đến 40 tầng?”. 
 
ĐB Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) chỉ rõ: Chất lượng quy hoạch đô thị thấp, tư duy quy hoạch nhiệm kỳ vẫn hiện hữu, dấu hiệu áp đặt ý chí cá nhân, thậm chí có dấu hiệu lợi ích nhóm… làm thay đổi quy hoạch theo xu hướng tăng tối đa lợi ích cho nhà đầu tư, giảm tối đa các diện tích công cộng và lợi ích của người sử dụng (như tăng số tầng, diện tích sàn và mật độ xây dựng; chia nhỏ diện tích căn hộ…) trong khi các khu tái định cư có chỉ tiêu hạ tầng, tiện ích, chất lượng công trình là thấp nhất.
 
Hệ lụy là “gây tổn thất về kinh tế, bức xúc cho xã hội và người dân, thậm chí có vấn đề không thể khắc phục được như: tắc đường, ô nhiễm môi trường, quá tải điện nước... Điều chỉnh quy hoạch tùy tiện thực chất làm nát quy hoạch, nát vốn, đội vốn, chậm tiến độ, lãng phí, thất thu ngân sách giảm hiệu quả đầu tư công”. 
 
ĐB Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa) cho biết: Đa số dự án có sự điều chỉnh quy hoạch, kiến trúc xây dựng. Có những dự án điều chỉnh quy hoạch theo yêu cầu của sự phát triển, nhưng có những quy hoạch điều chỉnh vì nhóm lợi ích. Tuy nhiên, trong các báo cáo kiểm toán, thanh tra và giám sát chưa chỉ ra điều chỉnh quy hoạch nào không vì lợi ích chung mà do lợi ích nhóm để kiến nghị xử lý. 
 
Minh bạch các dự án giao đất
 
Theo ĐB Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông), một trong những nguyên nhân gây nên những tồn tại, bất cập trong công tác quy hoạch là thiếu hệ thống thiết chế đánh giá độc lập để theo dõi quá trình triển khai quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch.
 
ĐB Nguyễn Trường Giang đề nghị, quy hoạch sử dụng đất phải phân tích được chi phí, lợi ích về xã hội và môi trường, sử dụng nguồn lực đất đai trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Quá trình lập kế hoạch chi tiết quy hoạch phải công khai từ khâu đề xuất lấy ý kiến chuyên gia, người dân và doanh nghiệp. Việc điều chỉnh quy hoạch nên giao cho cấp trên của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thực hiện. Đồng thời, qua giám sát, Quốc hội phát hiện những dự án, công trình ở những địa phương nào vi phạm thì đoàn giám sát phải chỉ ra cụ thể.
 
ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị Chính phủ thực hiện nghiêm, công khai, minh bạch việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án kinh tế xã hội thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, có cơ chế phân bổ đất đai trong quy hoạch, đảm bảo hài hòa đất ở, đất giao thông, đất công cộng, khu vui chơi giải trí, giáo dục, y tế… Quản lý chặt chẽ, điều chỉnh quy hoạch không để tăng mật độ xây dựng, quy mô dân số, đảm bảo cây xanh công viên, bãi đậu xe, các hạ tầng kỹ thuật khác...
 
Còn ĐB Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) cho rằng, Chính phủ cần rà soát lại các dự án không tuân thủ quy chuẩn xây dựng Việt Nam về bố trí đất cho giáo dục, y tế, bãi đỗ xe, cây xanh nội bộ, các dự án không tuân thủ giấy phép quy định về phòng cháy, chữa cháy, không tuân thủ hợp đồng đã ký kết với người dân mua nhà, đất, căn hộ để yêu cầu chủ đầu tư có phương án giải quyết đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân.
 
ĐB Hoàng Quang Hàm thống nhất kiến nghị của đoàn giám sát về việc đề nghị Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra việc thực hiện pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Qua thanh tra, nếu phát hiện sai phạm, cần xử lý nghiêm cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp và chủ đầu tư. 
 
Phát biểu trước Quốc hội chiều 27/5, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ lắng nghe, tiếp thu ý kiến của Quốc hội và cử tri, đề cao vai trò của người dân và xã hội trong việc tham gia vào quá trình quản lý, sử dụng đất đai.
 
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, do hệ thống pháp luật liên quan đến quy hoạch, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng còn những khoảng trống, vừa chồng chéo, thiếu đồng bộ dẫn tới khó khăn trong thực hiện. “Người dân bức xúc với việc nhiều dự án điều chỉnh quy hoạch nhiều lần nhằm tăng mật độ xây dựng, tăng tầng cao, tăng mật độ dân cư, giảm không gian công cộng, tạo ra những khu nhà ở chật chội, thiếu an toàn… Vấn đề này cần được chấn chỉnh kịp thời”.
 
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, Phó Thủ tướng nêu 9 nhóm nhiệm vụ mà Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương phải tập trung thực hiện trong thời gian tới, trong đó: Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế liên quan đến quy hoạch sử dụng đất đai; Chú trọng nâng cao chất lượng quy hoạch, thường xuyên rà soát, cập nhật, bổ sung, điều chỉnh kịp thời quy hoạch; Phải thực hiện công khai các thông tin về quy hoạch để người dân biết, tham gia giám sát…”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
 
 
 Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi 5 nhóm vấn đề và danh sách 5 Bộ trưởng, Trưởng ngành để ĐBQH lựa chọn trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này. Đó là: Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ. Các ĐBHQ sẽ chọn lựa ra 4 vị đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội, dự kiến các phiên chất vấn bắt đầu từ ngày 4/6 và diễn ra trong 2,5 ngày.
 
 
Phương Dung

Tin cùng chuyên mục

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Hội LHPN Hà Nội tổ chức tập huấn công tác đối ngoại năm 2024 với chuyên đề: "Hiệp định Giơnevơ - Ý nghĩa lịch sử với tình hình Việt Nam và thế giới hiện nay”. Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Thị Thiên Hương đến dự.
 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.