Sách và đời sống

Chia sẻ

PNTĐ-Sách là nơi tập hợp, tổng kết, sáng tạo những tri thức cho con người không chỉ ở những lĩnh vực cụ thể mà còn mang tính tổng hợp.

 
Sách là nơi tập hợp, tổng kết, sáng tạo những tri thức cho con người không chỉ ở những lĩnh vực cụ thể mà còn mang tính tổng hợp. Chính vì thế mà sách đã từng được coi là kho bách khoa về đời sống đối với con người.
 
Sách và đời sống - ảnh 1
Nhiều bạn trẻ vẫn giữ được thói quen tìm mua sách mới xuất bản tại các nhà sách

 
Sách vở nói chung như một món ăn tinh thần dành cho con người, một món ăn không thể thiếu để hình thành nên nhân cách của một cá nhân tự do, ý thức được đầy đủ về trách nhiệm của mình đối với gia đình, cộng đồng và xã hội.
 
Lâu nay chúng ta hay nói đến những điều to tát mà thường chưa coi trọng đúng mức những yêu cầu chỉ gắn với cá nhân nhưng mỗi cá nhân là một tế bào của xã hội. Cá nhân có phát triển toàn diện thì mới hi vọng vào một xã hội đạt đến một trình độ văn minh.
 
Sách và đời sống - ảnh 2

 
Xét ở khía cạnh sách “dạy” cho cá nhân và xã hội từ những điều lớn lao nhất cho đến những điều nhỏ nhất. Sách có chức năng giáo dục rất lớn bởi nó giúp cho con người nhận thức về thế giới, đồng loại và bản thân mình, giúp cho con người bồi bổ tâm hồn để trở nên hoàn thiện hơn, nhân văn hơn. Chả thế mà đọc sách thì theo đòi nghĩa sách đã trở thành một tổng kết mang tính định hướng từ rất lâu của ông cha ta.
 
Ngày nay chúng ta nói học theo sách, làm theo sách cũng là làm theo kinh nghiệm mà nhiều thế hệ đi trước đã tổng kết và thực hiện. Vì thế mà người ta đã đo trình độ văn minh và tiến bộ của một xã hội từ số lượng sách mà người dân đọc bình quân trong một năm, những loại sách gì đã xuất bản và mức độ quan tâm của người dân đến từng loại sách được đọc. 
 
Sách và đời sống - ảnh 3

 
 Hiện nay có rất nhiều người phàn nàn về văn hóa đọc đang xuống cấp và cắt nghĩa nó bằng nhiều nguyên nhân khác nhau như mặt trái của kinh tế thị trường, người đọc thờ ơ với các ấn phẩm văn hóa, sự hứng thú với sách vở đã giảm sút do sự lấn lướt của các phương tiện nghe, nhìn và giải trí khác.
 
Tình trạng đọc sách ở nước ta có những mảng sáng, xen lẫn với những khoảng tối, những chỗ nguy hiểm cần phải xử lý, tránh để lại những di chứng, hậu họa. Mảng sáng đó là số lượng xuất bản tăng lên, nhiều đầu sách có giá trị cả về mặt tư tưởng lẫn học thuật cũng được xuất bản và đón nhận, tình trạng dân chủ và cởi mở trong khi lựa chọn sách xuất bản là xu thế khó cưỡng lại, nhiều thư viện công và tư đã được trang bị khang trang hơn, người đọc có thêm điều kiện để tiếp cận với kho tri thức của nhân loại hơn…
 
Tuy nhiên những mặt trái khuyết tật trong hệ thống xuất bản, phát hành và quảng bá sách lẫn nhu cầu đọc sách của người Việt hiện nay là sự xuất bản ồ ạt, với số lượng lớn, tính chọn lọc thấp những loại sách ít có giá trị, kích vào những thị hiếu tầm tầm của người đọc, những sách có nội dung không phù hợp và tình trạng người đọc đại chúng thờ ơ với sách, tình trạng đọc vì giải trí, vì tò mò ngày càng nhiều.
 
Yêu cầu chọn món ăn tinh thần phù hợp, có khả năng khơi dậy ở người đọc những khao khát hoàn thiện mình, khao khát hướng tới những giá trị cao đẹp, giàu tinh thần nhân văn… nhiều khi bị xem nhẹ. Mặt trái của việc hiểu không đúng về nền kinh tế thị trường đã khiến nhiều nhà xuất bản chỉ lo làm kinh tế là chính, đẩy nhiệm vụ lựa chọn những sách hay, sách tốt ra cho người đọc dưới chiêu bài “để người đọc thông minh tự lựa chọn món ăn phù hợp cho mình”.
 
Sách và đời sống - ảnh 4

 
Mối quan hệ cung - cầu giữa sách với đời sống, cụ thể hơn là người đọc và những nhu cầu tinh thần được những người làm sách chỉ nghĩ đến mục đích kinh tế có đất tốt để hoạt động. Người đọc không phải ai cũng có đủ năng lực để lựa chọn và chính vì thế mà những tư tưởng lệch lạc, những độc hại trong những ấn phẩm không tốt này đã ảnh hưởng xấu đến đời sống.
 
Khoảng trống tinh thần của xã hội đáng ra cần được chăm lo và bồi bổ thường xuyên theo hướng vừa tăng cường những yếu tố tích cực, vừa đấu tranh phòng ngừa những yếu tố tiêu cực, gây hại thì lại có những lỗ hổng khó đỡ cả về cơ chế lẫn điều kiện vật chất. Thường thì con người dễ thích nghi và tiếp nhận những cái dễ dãi, những thú vui tầm thường hơn là những phấn đấu, lao động vất vả để có được những giá trị tinh thần cao.
 
Những đầu nậu sách và những người “làm kinh tế” đã tìm đúng vào khoảng trống xã hội này để thực hiện các “làm ăn” của mình và xã hội phải gánh chịu các hậu quả xấu do chính mình gây ra. Cơ quan nhà nước đã buông cái không được phép buông do chưa có đủ cơ chế để họ làm đúng chức trách của mình và sự thụ động, cách quản lý mang nặng tính chất hành chính trong một lĩnh vực có nhiều tính đặc thù như xuất bản và phát hành.
 
 Để khắc phục tình trạng này đòi hỏi một hệ thống giải pháp cả về cơ chế của ngành lẫn những tác động của xã hội. Ở đây, chỉ bàn đến một khía cạnh ở ngoài cơ chế với tư cách là một người đọc. Như đã nói ở trên, sách góp phần rất lớn tạo nên sự cố kết cộng đồng, sự lành mạnh trong đời sống văn hóa của toàn xã hội. Lâu nay chúng ta thường chú ý nhiều đến tính cộng đồng, tính phong trào và hệ thống vật chất (phòng đọc, thư viện, nhà xuất bản, hệ thống phát hành…) của sự đọc. Điều đó rất quan trọng.
 
Nhưng, xét về khía cạnh tâm lý và nhu cầu đối với sách như một thứ hàng hóa (tinh thần) mà con người lúc nào cũng cần, cần có việc nghiên cứu đánh giá, phân loại các loại hàng hóa để có thể sản xuất và cung cấp cho đúng đối tượng, đúng chủng loại, đúng chất lượng, tránh cái cần thì thiếu, cái không cần thì thừa như hiện nay, đó là chưa kể nhiều cái xấu, độc hại cũng “chen chân” vào thị trường đang có nhiều vấn đề như hiện nay.
 
Về phía người đọc, cần tăng cường việc đọc sách ở gia đình, trong đó sự lựa chọn sách của cha mẹ đối với con cái là điều hết sức quan trọng. Người xưa có câu “đọc sách mà tin cả vào sách thì thà đừng đọc còn hơn” nói về việc đọc sách thụ động, đọc sách thiếu sự đánh giá. Đó là nói về việc người đã có đủ tri thức và sự từng trải là chính chứ với các cháu học sinh, gần như sách là khuôn mẫu, là thế giới mới hấp dẫn, gợi rất nhiều sự tò mò. Chính vì thế mà mỗi gia đình dù bận đến mấy cũng nên dành thời gian hướng dẫn và kiểm soát sự đọc sách của con cái, tránh những hậu quả đáng tiếc. 
 
Sách là một thế giới nhưng có biết mở cửa để bước vào thế giới ấy hay không lại là một chuyện khác. Phải có sự lựa chọn của các cơ quan quản lý lẫn gia đình và nhà trường, xã hội. Hiện nay khâu này của chúng ta đang yếu. Đó là gốc của vấn đề, hi vọng nếu giải quyết tốt chuyện này, văn hóa đọc sẽ có cơ hội phục hồi.
 
Hà Nội muôn góc đọc...
 
Giữa phố phường xe cộ ngược xuôi, chúng ta không khó bắt gặp những không gian thanh bình, những “góc đọc” ở bất cứ đâu - nơi mọi người có thể thảnh thơi bên trang sách giấy; những CLB, buổi đọc sách miễn phí để bồi đắp văn hóa đọc cho cộng đồng; nụ cười thân thiện của các độc giả trung thành ở mọi lứa tuổi... Tất cả đã thắp lên tình yêu sách trong lòng một Hà Nội kinh kỳ, ngàn năm văn hiến.
 
 
Sách và đời sống - ảnh 5
Những người yêu sách dễ làm quen và cùng chia sẻ sách hay ngay tại sạp bán sách vỉa hè

Sách và đời sống - ảnh 6
Quán cafe là không gian bạn gái yêu sách này thường tận dụng 
để đọc sách

Sách và đời sống - ảnh 7
Thạc sĩ Phạm Thanh Nga, giảng viên khoa Hóa học, ĐH Sư  phạm Hà Nội đã biến căn phòng của gia đình thành thư viện cộng đồng, nơi các em có thể tới đây mỗi ngày để đọc sách miễn phí

Sách và đời sống - ảnh 8
Anh Dương Chí Hiếu, cháu nội của GS Dương Quảng Hàm, Hiệu trưởng đầu tiên của trường Bưởi hiện vẫn còn lưu giữ nhiều cuốn sách quý hiếm do ông, cha anh để lại như 4 cuốn từ điển bách khoa thư bằng tiếng Pháp, được xuất bản từ những năm đầu của thế kỷ trước, gần như không còn tìm được ở các hiệu sách ở Hà Nội... “Đây là kho tri thức quý báu, tôi không bao giờ bán, dù được trả cỡ nào”, anh nói.

Sách và đời sống - ảnh 9
3 bác cao niên này mỗi ngày đều đến thư viện đọc sách, báo. “Thời đại @  nhưng chúng tôi vẫn thích đọc báo giấy. Thấy có bài nào hay anh em chia sẻ cho nhau cùng đọc”

 
 
 
 
 
PGS.TS Phạm Quang Long

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, việc hỗ trợ tỉnh Điện Biên đầu tư công trình trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ không những thể hiện tấm lòng của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội với đồng bào, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, mà còn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác của 2 tỉnh, Thành phố trong thời gian tới, nhằm phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của cả nước…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

(PNTĐ) - Sáng nay 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban), chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.