Yêu lắm quê hương

Chia sẻ

PNTĐ-Bài thơ đã tái hiện nên những bức tranh thiên nhiên đa dạng, qua đó tác giả giãi bày tình yêu quê hương đất nước tha thiết...

 
Em yêu từng sợi nắng cong
Bức tranh thủy mặc dòng sông con đò
Em yêu chao liệng cánh cò
Cánh đồng mùa gặt lượn lờ vàng ươm
Em yêu khói bếp vương vương
Xám màu mái lá mấy tầng mây cao
Em yêu mơ ước đủ màu
Cầu vồng ẩn hiện mưa rào vừa qua
Em yêu câu hát ơi à
Mồ hôi cha mẹ mặn mà sớm trưa
Em yêu cánh võng đong đưa
Cánh diều no gió chiều chưa muốn về
Đàn trâu thong thả đường đê
Chon von lá hát vọng về cỏ lau
Trăng lên lốm đốm hạt sao
Gió sông rười rượi hoa màu thiên nhiên
Em đi cuối đất cùng miền
Yêu quê yêu đất gắn liền bước chân.
 
Hoàng Thanh Tâm
 
 
Ai sinh ra và lớn lên cũng có một quê hương để yêu thương và gắn bó. Tình yêu quê hương đất nước là nguồn mạch chảy không bao giờ vơi cạn trong tâm hồn người Việt. Thơ ca hiện đại có nhiều bài hay về chủ đề này. Trong số đó, bài thơ “Yêu lắm quê hương” của tác giả Hoàng Thanh Tâm đã khơi gợi cho tôi những cảm xúc, ấn tượng thật khó quên. Bài thơ đã tái hiện nên những bức tranh thiên nhiên đa dạng, qua đó tác giả giãi bày tình yêu quê hương đất nước tha thiết.
 
Nhan đề của bài đã tạo ấn tượng đáng nhớ vì người viết dùng phép đảo ngữ đưa vị ngữ “Yêu lắm” lên trước chủ thể “quê em”, nhờ đó tình yêu đối với quê em được nhấn mạnh hơn. Trong bài, với góc nhìn và sự quan sát của con trẻ rất hồn nhiên, tác giả phác họa nên bức tranh đa dạng về cảnh vật quê hương đẹp đẽ với những gam màu tươi sáng: “Em yêu từng sợi nắng cong/ Bức tranh thủy mặc dòng sông con đò/ Em yêu chao liệng cánh cò/ Cánh đồng mùa gặt lượn lờ vàng ươm”.
 
Nhiều hình ảnh đại diện cho quê hương được chọn lọc liên tiếp xuất hiện: dòng sông con đò, những cánh cò chấp chới chao liệng trên cánh đồng vàng ươm mùa gặt. Đáng chú ý hơn là hình ảnh “từng sợi nắng cong” ngộ nghĩnh và đáng yêu dưới cái nhìn con trẻ. Tất cả đều gợi lên vẻ đẹp thiên nhiên bình dị song cũng rất đỗi vui tươi và nên thơ. 
 
Không chỉ yêu cảnh vật trong không gian rộng mở bên ngoài, chủ thể trữ tình càng yêu hơn những sự vật gần gũi: “Em yêu khói bếp vương vương/ Xám màu mái lá mấy tầng mây cao”. Tình yêu quê hương đất nước không chung chung hay xa vời mà trái lại bắt đầu từ những sự vật gần gũi, đó là gian bếp thân thuộc, mỗi chiều ấm lửa làn khói bay cao đến mấy tầng mây. Bên cạnh đó, “em yêu” có khi rất cụ thể, khi lại rất mộng mơ: mơ ước đủ màu, cầu vồng, mưa rào. 
 
Đoạn thơ sau càng gợi tả phong phú hơn những đối tượng em yêu em quý, yêu cảnh vật, yêu người thân, đặc biệt là đấng sinh thành đã đổ bao mồ hôi nuôi em khôn lớn: “Em yêu câu hát ơi à/ Mồ hôi cha mẹ mặn mà sớm trưa/ Em yêu cánh võng đong đưa/ Cánh diều no gió chiều chưa muốn về/ Đàn trâu thong thả đường đê/ Chon von lá hát vọng về cỏ lau”.
 
Đoạn thơ xuất hiện nhiều hình ảnh chỉ có ở làng quê: câu hát ơi à, mồ hôi mặn mà của mẹ cha, cánh võng đong đưa, cánh diều no gió, đàn trâu thong thả  đường đê. Cảnh vật quê hương được cảm nhận không chỉ bằng thị giác, vị giác và cả thính giác. Thiên nhiên quê hương không những được đón nhận vào ban ngày mà cả ban đêm nữa: “Trăng lên lốm đốm hạt sao/ Gió sông rười rượi hoa màu thiên nhiên”. Cách dùng từ “hạt sao” thật mới mẻ để chỉ vì sao nhỏ li ti trên bầu trời đêm. Rõ ràng nhân vật trữ tình “em” trong bài  có tâm hồn thật phong phú, giác quan nhạy bén, tinh tế. Đáng chú ý là việc dùng thể thơ lục bát trong bài tạo cho thi phẩm có âm hưởng êm đềm, ngọt ngào như lời ru của bà, của mẹ càng dễ đi vào lòng người.
 
Mặt khác, tác giả dùng nhiều điệp từ: “yêu” (9 lần), “em yêu” (6 lần) càng khắc sâu thêm tình cảm mến yêu quê sâu sắc. Bên cạnh đó, các từ láy tượng hình: vương vương, mặn mà, đong đưa, thong thả, chon von, lốm đốm, rười rượi càng làm tăng thêm sắc thái biểu cảm yêu tha thiết quê hương của chủ thể trữ tình. 
 
Hai câu kết của bài: “Em đi cuối đất cùng miền/ Yêu quê yêu đất gắn liền bước chân” cho thấy rõ: tình yêu quê hương của chủ thể trữ tình không bó hẹp ở một miền đất cụ thể mà mở rộng đến nhiều miền quê, vùng đất khác của đất nước. Tác giả đã khéo sử dụng hai từ yêu trong vế đầu câu thơ “Yêu quê yêu đất” để nói lên tình yêu song hành ấy là hành trang, là động lực tiếp thêm sức mạnh để mỗi con người mang theo mình trong suốt hành trình tạo dựng cuộc sống, góp phần dựng xây quê hương, đất nước mình mỗi  ngày thêm giàu đẹp. 
 
 
NGUYỄN THỊ THIỆN 

Tin cùng chuyên mục

Cầu đi bộ Trần Nhật Duật bất ngờ biến thành công trình nghệ thuật hấp dẫn

Cầu đi bộ Trần Nhật Duật bất ngờ biến thành công trình nghệ thuật hấp dẫn

(PNTĐ) - Tối qua, 23/4 công trình nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã chính thức khánh thành, tạo thêm một điểm tham quan, checkin mới cho người dân và du khách. Đây là công trình chào mừng ngày kỷ niệm Chiến thắng 30/4 và Quốc tế lao động 1/5.
Nữ GenZ với mong muốn mang tài năng của mình giúp ích cho cuộc đời

Nữ GenZ với mong muốn mang tài năng của mình giúp ích cho cuộc đời

(PNTĐ) - Lọt vào top 25 Hoa hậu Thế giới Việt Nam và là Hoa hậu tuổi teen châu Á năm 2019, nhưng Phan Anh Thư không bước chân vào làng giải trí mà theo đuổi con đường hội họa, trở thành họa sĩ trẻ. Cô từng chia sẻ: "Tôi nghĩ mình có nhiều con đường để đạt được mục đích sau cùng. Tuy nhiên con đường tôi cảm thấy tốt nhất, hạnh phúc nhất là vẽ tranh, làm việc góp sức cho cộng đồng".
Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

(PNTĐ) - Từ 20-25/4/2024, 100 tác phẩm hội hoạ đặc sắc của họa sĩ Văn Chiến sẽ được trưng bày tại triển lãm “Kỷ niệm và trải nghiệm: 100 tác phẩm nghệ thuật từ họa sĩ Văn Chiến”. Đây không chỉ là một triển lãm sưu tầm các bức tranh, tác phẩm nghệ thuật như thông thường, mà còn là buổi triển lãm được đúc kết từ khát vọng tôn vinh di sản nghệ thuật của cha, cũng như gìn giữ giá trị văn hoá.