Ở riêng là bất hiếu?

Chia sẻ

PNTĐ-Đã nhiều lần Ly muốn ra ở riêng, song, Thắng, chồng cô thì chỉ biết khuyên cô nín nhịn vì anh cho rằng, ra ở riêng là… bất hiếu?

 
Ở riêng là bất hiếu? - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Giờ đây, mỗi chiều về nhà, Ly lại cảm thấy bước chân mình nặng trĩu. Những mâu thuẫn với mẹ chồng khiến cuộc sống của cô lúc nào cũng ngột ngạt. Đã nhiều lần Ly muốn ra ở riêng, song, Thắng, chồng cô thì chỉ biết khuyên cô nín nhịn vì anh cho rằng, ra ở riêng là… bất hiếu?
 
Ly biết, mẹ chồng chưa bao giờ muốn cô làm con dâu. Bởi con người cô, tính cách, gia cảnh đều khác hoàn toàn với nhà chồng. Gia đình chồng cô làm kinh doanh buôn bán, kinh tế khá giả, nhà cửa đàng hoàng nơi thành phố lớn, còn cô, là con… nông dân ở quê, từ nhỏ lớn lên nhờ sự tần tảo, chắt chiu từng hạt thóc, củ khoai của bố mẹ. Ly và chồng học cùng lớp, rồi yêu nhau.
 
Nhớ những lần theo anh về ra mắt gia đình, cách bố mẹ anh đối xử khiến Ly luôn chờn chợn. Mẹ Thắng có đôi mắt sắc lẹm, gương mặt lạnh lùng, miệng ít khi nở nụ cười. Có thể, đó cũng là phong cách của một người bao năm nay lo quán xuyến công việc kinh doanh của gia đình, lời lãi, ký kết hợp đồng với đối tác. Mới gặp Ly lần đầu, bà chỉ quan tâm cô là ai, gia thế của cô thế nào. Khi nghe cô kể về hoàn cảnh của mình, bà đã thể hiện rõ sự thất vọng.
 
Sau đó, bà bỏ ra ngoài, để mặc cô ngơ ngác ngồi ở phòng khách sang trọng. Hóa ra, bố mẹ Thắng muốn anh lấy người con gái khác, là con đối tác kinh doanh của gia đình anh. Nhưng, do Thắng không chịu nên bao nhiêu thất vọng, bà dồn lên cô. Bà cho rằng, cô là người không mời mà đến, làm hỏng tương lai của Thắng.
 
Có lẽ, Ly sẽ còn cân nhắc về chuyện tương lai với Thắng nếu không có ngày, cô phát hiện mình có thai với anh, hậu quả trong một phút cảm xúc thăng hoa, không làm chủ được bản thân. Biết chuyện, bố mẹ Thắng không những không vui, còn càng tỏ thái độ khinh khi Ly hơn. Họ cho rằng, Ly dễ dãi, lập mưu để úp sọt Thắng. Vì tương lai đứa con trong bụng, danh dự của gia đình, không muốn bố mẹ mang tiếng có con gái không chồng mà chửa vẫn còn rất nặng nề ở quê, Ly đành muối mặt nhẫn nhịn.
 
Cuối cùng, đám cưới của cô diễn ra trên thành phố, trong hoàn cảnh gia đình cô gần như không có vai trò gì. Ngoài một lễ ăn hỏi của nhà trai khiêm tốn ở quê Ly, còn lại, gia đình cô phải chấp nhận nghe theo sự sắp đặt của bố mẹ Thắng. Khách mời tới dự đám cưới chủ yếu cũng là bạn hàng, đối tác làm ăn của nhà trai. Nhà gái chỉ được dành một bài khiêm tốn ở góc khán phòng, thậm chí bố mẹ cô cũng không được mời lên sân khấu để ra mắt quan khách.
 
Ly hiểu hết, nhưng, không có cách nào thay đổi được. Cô chỉ hy vọng khi làm dâu trong nhà, lại sinh cháu cho gia đình chồng, dần dần mọi người sẽ hiểu nhau. Nhưng hóa ra, cô đã lầm tưởng. Bố mẹ chồng cô vẫn luôn ác cảm với cô. Khi con trai đầu lòng của cô ra đời, bố mẹ chồng cũng chỉ yêu thương cháu nội mà không coi cô ra gì. Làm mẹ, nhưng cô không có nhiều quyền chăm sóc, dạy dỗ con. Ở nhà chồng cô có  người giúp việc, lo cơm nước, nấu nướng, chăm sóc con cô.
 
Mẹ chồng cô cho rằng, cô không đủ “tầm” nên mời gia sư và trực tiếp dạy cháu nội. Ly ghi nhận sự quan tâm của bà, nhưng lại nghĩ rằng, đứa trẻ khi còn nhỏ, vẫn cần sự quan tâm, tình yêu thương của người mẹ nhiều hơn. Vì có điều kiện nên mẹ chồng cô chu cấp cho cháu cuộc sống quá đủ đầy, muốn gì được nấy. Thằng bé cũng thiếu đi sự lễ phép, mới còn nhỏ đã coi người giúp việc như là bề dưới của mình. Tuy nhiên, mỗi lần Ly góp ý thì bị mẹ chồng mắng xối xả ngay trước mặt con. Bà cho rằng, Ly sở dĩ được bước vào ngôi nhà của bà là nhờ sinh được con trai. Ly nên biết điều, nếu không con trai cũng không “cứu” được cô.
 
Cứ như thế, từng đó năm sống cùng một nhà, Ly và mẹ chồng vẫn không tìm được tiếng nói chung. Ly nhận thấy, mẹ chồng không mở lòng với cô, dù cô đã nỗ lực cải thiện quan hệ của hai người đến thế nào. Bà bắt ne bắt nét cô từng ly từng tý, chỉ đạo cả những việc riêng tư của hai vợ chồng. Ngay như không gian riêng tư là phòng ngủ, cô cũng không được quyền tự quyết. Mẹ chồng cô có thể vào phòng vợ chồng cô mà không cần gõ cửa, sau đó sắp xếp lại đồ đạc trong đó theo ý mình. Quần áo cô mặc, nếu không vừa mắt mẹ chồng, cô cũng phải thay ngay dù đó là sở thích của cô và chúng không hề lố lăng, hở hang.
 
Mẹ chồng Ly cũng rất nóng tính, hay trút giận lên con dâu một cách vô cớ. Thắng đi nhậu với bạn về nhà muộn trong trạng thái say xỉn, bà mắng Ly không biết can gián chồng. Giúp việc quán xuyến việc nhà chưa tốt, bà mắng cô là làm dâu có cũng như không trong khi chưa bao giờ, bà giao quyền cho Ly. Ngay cả nhiều lần kinh doanh không thuận lợi, hễ gặp Ly là bà nổi giận, cho rằng Ly chỉ biết hưởng an nhàn, sung sướng, không giúp ích gì được cho gia đình.
 
Ly chẳng biết nói sao vì cô không có sở trường cũng như được đào tạo để làm kinh doanh. Trong khi đó, mẹ chồng lại chưa từng coi trọng công việc hiện tại của cô. Ngay cả đồng lương hàng tháng Ly kiếm được, bà cũng không quan tâm vì cho rằng chúng ít ỏi. Trong khi đó, với Ly, đó lại là tiền mồ hôi nước mắt, công sức, nỗ lực của cô.
 
Nhiều tháng qua, Ly đã âm thầm nghĩ tới việc ra ở riêng. Những stress sống cùng mẹ chồng đã khiến cô thay đổi. Ly trầm tính hơn, tinh thần luôn mỏi mệt, đến nỗi, ảnh hưởng cả tình cảm cô dành cho chồng. Đôi khi, cô giận mẹ chồng thì giận luôn cả Thắng. Cô trách anh đã không bảo vệ được cô, rồi làm cho cô có bầu để rồi bây giờ, cô phải chịu đựng cuộc sống khổ sở ở nhà anh.
 
Nhiều lúc, khi về phòng Ly chẳng trút được lên ai nên khóc lóc, giận dỗi Thắng. Cô bàn với anh hay là vợ chồng ra ở riêng. Vợ chồng cô sẽ cùng đi làm, tự chăm sóc, nuôi con và cuối tuần về nhà thăm mẹ. Cô tin rằng, khi xa thương, gần thường, mẹ chồng cô sẽ không quá xét nét, gây khó cho cô nữa. Cô cũng có thể sống theo cách của mình, chăm lo gia đình theo mong muốn riêng.
 
Nhưng, Thắng lại không chấp nhận điều đó. Anh lấy đủ lý do để thoái thác, nào là ở riêng là bất hiếu vì các con phải ở chung để chăm sóc bố mẹ già. Khi thì anh sợ rằng, ở riêng vợ chồng anh sẽ không có điều kiện để chăm sóc con tốt nhất. Nhưng, cuối cùng, Ly phát hiện ra chồng cô như vậy vì anh không chịu được khổ. Lâu nay, anh đã quen ở chung với mẹ trong ngôi nhà to có người giúp việc phục dịch. Mẹ anh chỉ khắt khe với Ly, nhưng luôn chiều chuộng con trai. Do đó, người bức xúc, buồn khổ chỉ là Ly mà thôi chứ Thắng đâu có cảm nhận được.
 
Vì thế, Ly bây giờ ở vào thế mắc kẹt. Nếu một mình ra ngoài, thì cô sợ vợ chồng sẽ ảnh hưởng. Nhà chồng  cũng không dễ tạo điều kiện cho cô. Nhưng, nếu cứ ở chung và nhẫn nhịn vậy, cô không biết mình sẽ chịu đựng được đến bao giờ. 
 
 
Minh Anh

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.