Tâm giao trò chuyện

Chia sẻ
 
Con trưởng có nên chia trách nhiệm phụng dưỡng bố mẹ cho các em?
 
Vợ chồng tôi là con trưởng đang sống chung với bố mẹ chồng. Lâu nay, nhà chồng tôi vẫn cho rằng trách nhiệm của con trưởng là phụng dưỡng bố mẹ, thờ phụng tổ tiên. Vì thế, bao nhiêu năm nay, vợ chồng tôi gồng gánh trách nhiệm ấy một mình. Nay, các con chúng tôi ở tuổi ăn học, kinh tế khó khăn, bố mẹ chồng lại bước vào giai đoạn già yếu, ốm đau liên tục. Trong khi đó, hai em chồng tôi kinh tế khá giả hơn nhưng không hề phụ vợ chồng tôi phụng dưỡng bố mẹ già. Thỉnh thoảng họ về chơi, biếu bố mẹ chồng tôi ít tiền quà bánh, ốm đau thăm hỏi rồi về, còn lại vợ chồng tôi phải lo hết. Nay, vợ chồng tôi muốn chia trách nhiệm phụng dưỡng bố mẹ cho các em chồng thì có được không? Nếu chia thì phải chia thế nào mới hợp lý?
 
Nguyenthuyen@gmail.com
 
Trong xã hội phong kiến trước đây, con trưởng vẫn được mặc định có vai trò lớn trong gia đình sau bố mẹ, có quyền định đoạt tài sản cũng như gắn liền với trách nhiệm phụng dưỡng bố mẹ, thờ phụng tổ tiên. Bố mẹ khi về già vẫn thường ở nhà con trưởng chứ không ở nhà con thứ. Tuy nhiên, khi xã hội phát triển, quan niệm thay đổi, pháp luật cũng có những quy định bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của con cái đối với bố mẹ. Theo đó, các con đều có quyền và nghĩa vụ như nhau trong việc chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ già, không phân biệt con trưởng, con thứ, con trai hay con gái. 
 
Với trường hợp của gia đình bạn, có lẽ bố mẹ chồng và các em chồng bạn có suy nghĩ theo quan niệm cũ nên mới dồn hết tất cả gánh nặng lo cho bố mẹ già lên vợ chồng bạn. Nay vợ chồng bạn kinh tế khó khăn, muốn các em chung tay cùng với anh chị trong việc lo cho bố mẹ già cũng là điều đương nhiên. Vợ chồng bạn có thể họp gia đình, đưa vấn đề này ra trên tinh thần thiện chí, muốn anh em đoàn kết chia sẻ khó khăn với nhau, cùng nhau thực hiện chữ hiếu đối với bố mẹ.
 
Nếu bố mẹ ở với vợ chồng bạn tiện hơn so với các em chồng thì các bạn cứ đảm nhiệm việc chăm sóc bố mẹ hàng ngày. Tuy nhiên, các em chồng cần có trách nhiệm đóng góp về phần kinh tế phụ thêm với anh chị để lo cho bố mẹ. Khi bố mẹ ốm đau, tiền viện phí các con đều phải có trách nhiệm đóng góp. Ai có kinh tế hơn thì có thể hỗ trợ thêm cho người còn khó khăn. Nếu các em chồng vẫn có ý ỷ lại cho anh chị, không nghe, vợ chồng bạn có thể nhờ người thân nào trong gia đình có tiếng nói uy tín để phân tích cho họ hiểu. Dù thế nào, vợ chồng bạn cũng nên ứng xử ôn hòa, tránh cảnh anh em xào xáo nhau vì chia nuôi bố mẹ già, khiến lòng hiếu bị sai lệch. 
 
 
Không còn muốn kết hôn sau khi sống thử
 
Tôi và anh yêu nhau hơn một năm nay và chuyển về sống thử được hơn nửa năm. Tuy nhiên, khi sống thử cùng nhau thì hình như tình yêu của tôi đối với anh nhạt dần. Bởi, tôi phát hiện anh có vô vàn điều không hợp với tôi trong cuộc sống. Tính tôi ưa sạch sẽ thì anh lại luộm thuộm, ở bẩn, tôi thích lãng mạn trong khi anh lúc nào cũng khô khăn, cộc cằn, tôi phóng khoáng thì anh lại keo kiệt... Khi tôi nói chuyện này ra với mọi người thì họ bảo đó là quy luật bù trừ của vợ chồng trong cuộc sống. Nhưng, tôi thấy sự bù trừ đó không làm cho chúng tôi hạnh phúc mà làm nảy sinh mâu thuẫn. Giờ tôi không còn muốn kết hôn như dự định ban đầu nữa. Tôi muốn chia tay nhưng sợ làm tổn thương anh ấy, giờ tôi không biết phải làm như thế nào nữa. Mong Tâm Giao hãy cho tôi lời khuyên?
 
Huyenthu@yahoo.com
 
Người ta vẫn thường ví thời gian yêu nhau là lúc người ta nhìn thấy cuộc đời toàn màu hồng. Bởi bấy giờ, ai cũng thể hiện sự ưu điểm ra, ít người bộc lộ yếu điểm. Những yếu điểm đó chỉ lộ diện khi hai người trực tiếp chung sống với nhau hàng ngày. Đây cũng là điều tất yếu, bởi con người chẳng ai hoàn hảo tất cả, sẽ có ưa điểm, khuyết điểm.
 
Điều khiến vợ chồng chung sống hạnh phúc, bù trừ cho nhau chính là chấp nhận một phần hạn chế của đối phương, tìm cách dung hòa, hỗ trợ nhau khắc phục những yếu điểm tệ, cố gắng thay đổi vì nhau. Chứ không phải bù trừ theo kiểu, hai bên cứ thế sống theo bản tính của mình, không để ý gì đến tâm trạng của đối phương. Không ít cặp đôi yêu nhau, sống thử rồi mới nhận ra đối phương có lối sống hoàn toàn khác xa mình, đã vỡ mộng và cuối cùng chia tay. 
 
Bạn cũng đang ở trong giai đoạn vỡ mộng về bạn trai khi sống thử với anh ấy. Nếu hai bạn không cùng nhau thay đổi, cùng nhau dung hòa thì sẽ khó có thể xóa đi sự khác biệt quan điểm sống, tình cảm không thể có tương lai. Trước mắt, bạn hãy cùng với anh ấy đặt ra một số quy tắc trong cuộc sống của hai người, về cách sống, chia sẻ công việc nhà, chi tiêu thế nào cho hợp lý.
 
Nếu anh ấy không cố gắng thay đổi, bạn cũng không thể chấp nhận được những yếu điểm, hạn chế của người yêu thì tình cảm không thể tiến xa. Chuyện bị tổn thương khi tình cảm đổ vỡ là điều không thể tránh khỏi, thời gian sẽ giúp chữa lành vết thương ấy cho mỗi người. Hôn nhân là cả hai cùng cố gắng, nếu không tìm thấy sự hòa hợp, cố gắng sống vì nhau từ đầu thì không nên gò ép nhau. Các bạn cũng không nên kéo dài cuộc sống thử tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho hạnh phúc sau này, nếu cả hai không có kỹ năng bảo vệ an toàn trong tình yêu. 
 
 
Con riêng của chồng xem mẹ kế như giúp việc
 
Tôi kết hôn với một người đàn ông ly hôn có con riêng. Anh ấy yêu tôi thật lòng, mong muốn tạo dựng hôn nhân hạnh phúc cùng với tôi. Tình cảm vợ chồng tôi kể từ ngày cưới nhau đến giờ rất tốt. Tuy nhiên, vấn đề lại nằm ở con riêng của chồng tôi. Hiện cháu đang học đại học, dù tôi là mẹ kế nhưng lúc nào cháu cũng chỉ xem tôi giống như người giúp việc trong nhà. Tôi rất buồn vì cách xử sự này của cháu. Thậm chí, cháu còn công khai việc xem tôi như người giúp việc trong nhà với mọi người bên ngoài. Mỗi lần đi đâu, nghe ai nói lại điều đó, tôi lại buồn và thấy tổn thương rất nhiều. Giờ nếu tôi làm căng với cháu thì lại mang tiếng là "mẹ ghẻ con chồng" này nọ khiến không khí gia đình căng thẳng. Làm thế nào để tôi có thể khiến cháu chấp nhận mình là người thân trong gia đình thay vì là người giúp việc?
 
Nguyễn Thị Y (Đống Đa, HN)
 
Con riêng của chồng bạn đang học đại học, có hiểu biết và cũng được xem là người đã trưởng thành phần nào, nhưng lại có ứng xử không đúng mực đối với mẹ kế. Có lẽ, cháu vẫn mang nặng ác cảm đối với "mẹ kế", là người đã lấy đi tình yêu của người cha, thay thế vị trí của mẹ mình trong gia đình.
 
Tuy nhiên, vì cháu cũng là người có nhận thức rồi nên bạn có thể tìm thời điểm thích hợp tâm sự với cháu về vấn đề này. Rằng, bạn mong muốn được sống trong một gia đình mà mọi người đều dành cho nhau sự tôn trọng, yêu thương nhau, cư xử với nhau đúng mực. Bạn trong vai trò là "mẹ kế" sẽ cố gắng làm tốt nhiệm vụ của mình trong gia đình, chăm sóc chồng con chu đáo. Bạn thật lòng yêu thương cháu, tôn trọng suy nghĩ, tình cảm của cháu, và mong muốn nhận lại được tình cảm tích cực của cháu đối với mình. Bây giờ, mọi người đã là người một nhà thì phải thương yêu nhau, hỗ trợ nhau trong cuộc sống. 
 
Bạn cũng có thể nhờ chồng phân tích thiệt hơn đối với con gái, góp ý cho cháu không nên xem mẹ kế là người giúp việc không công trong gia đình như vậy. Trên hết, cháu phải biết tôn trọng mẹ kế. Việc cháu coi thường, ra ngoài nói xấu mẹ kế cũng sẽ khiến mọi người đánh giá cháu là người không tốt. Bởi nếu mẹ kế sống tốt với mọi người trong gia đình, biết ứng xử với mọi người xung quanh thì những lời nói, việc làm thiếu tôn trọng mẹ kế của cháu sẽ bị mọi người chê người. Phẩm hạnh của cháu cũng bị đánh giá, nhất là cháu là con gái đang ở tuổi cập kê. Bạn cũng đừng buồn nhiều, hãy cứ làm một người mẹ, người vợ tốt, con riêng của bạn cũng sẽ nhận thấy và thay đổi thái độ sống của mình thôi. 
 
 
Mẹ không muốn con trai quan tâm nhà vợ
 
Tôi lấy vợ người ngoại tỉnh, gia đình vợ kinh tế không khá giả nhưng tốt bụng, sống chan hòa, yêu thương nhau. Tôi là con rể cũng làm ra kinh tế nên thỉnh thoảng cũng về "báo hiếu bố mẹ vợ". Tuy nhiên, mẹ tôi lại không muốn tôi quan tâm đến nhà vợ. Cứ mỗi lần, tôi về nhà vợ chơi là mẹ tôi lại can ngăn, nếu không được thì nói những lời rất khó nghe khiến vợ tôi rất buồn. Thậm chí, có lần mẹ tôi còn gọi điện về cho bố mẹ vợ bảo họ bớt "đào mỏ" con rể khiến họ rất phiền lòng. Vì thế, tình cảm của mẹ con tôi bị ảnh hưởng, đôi lúc còn căng thẳng khiến tôi muốn ra ngoài sống riêng. Theo Tâm Giao thì tôi phải làm thế nào để mẹ tôi hiểu ra, không còn gây khó khăn cho con cái khi quan tâm nhà vợ.
 
Quangnguyen19...@gmail.com
 
Có một số người mẹ vẫn mang quan niệm con trai không cần lo việc nhà vợ, chỉ cần lo việc nhà mình là đủ. Vì thế, họ thấy khó chịu khi  con trai mang tiền về lo cho nhà vợ, nhất là khi nhà thông gia còn khó khăn về kinh tế. Trong chuyện này, bạn cũng đừng căng thẳng với mẹ mình nhiều, mà tìm cách phân tích từ từ cho bà hiểu. Bạn cũng đừng thể hiện việc giúp đỡ, quan tâm đến nhà vợ thái quá trước mặt bà, mà hãy làm điều đó khéo léo, tế nhị hơn. Người già thường nhạy cảm, chỉ muốn con cháu quan tâm tới mình nhiều hơn, và không muốn chia sẻ với ai tình cảm, sự chăm sóc ấy.
 
Đặc biệt đối với người mẹ, khi con trai lập gia đình, họ đã phải chia sẻ con trai cho con dâu trong sự hẫng hụt nên càng không muốn con quan tâm đến nhà vợ. Không ít người còn ích kỷ muốn có con dâu tốt nhưng lại không muốn con trai làm rể tốt của nhà thông gia. Một mặt, bạn nên động viên vợ không nên buồn nhiều về thái độ của mẹ mà ảnh hưởng đến tình cảm mẹ chồng nàng dâu. Vợ bạn hãy cứ làm con dâu tốt, bạn vẫn cứ là rể quý của nhà vợ. Dần dần, mẹ bạn cũng sẽ hiểu ra thôi. Vì mình có con dâu tốt thì nhà thông gia cũng xứng đáng có chàng rể tốt.  
 
 
Tâm Giao

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.