Tự lập tuổi già

Chia sẻ

PNTĐ-Hai vợ chồng anh chị tôi về hưu được mấy năm nay, lo chuyện cưới vợ cho con trai xong thì tính chuyện sống riêng...

 
Ai cũng nghĩ, cuộc sống của anh chị tôi từ nay sẽ vui vầy bên con cháu. Nhưng, anh chị tôi lại thông báo bán đất bán nhà đang ở, dùng số tiền đó mua hai căn nhà nhỏ khác. Một căn là của anh chị tôi, còn một căn cho vợ chồng con trai ở. Ai cũng ngỡ ngàng vì không nghĩ mẫu người truyền thống như anh chị tôi lại có suy nghĩ sống riêng độc lập với con cháu khi về già. Mấy chị em chúng tôi đều quan niệm tuổi già phải sống chung với con cháu để cậy nhờ.
 
Tự lập tuổi già - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Ban đầu, tôi cứ ngỡ anh chị mâu thuẫn với vợ chồng con trai nên không thể sống chung. Khi tìm hiểu kỹ cả hai bên thì không có chuyện đó. Lý do anh chị tôi đưa ra là muốn cuộc sống già tự lập. Thường thì lâu nay, con cái vẫn chủ động xin sống riêng, chứ bố mẹ thì rất hiếm. Có gia đình, con cái xin sống riêng, bố mẹ còn không đồng ý, dằn vặt, giận dỗi đủ kiểu, vậy mà gia đình anh chị tôi thì ngược lại. Vợ chồng cháu tôi sống riêng với tâm trạng bất mãn. Chúng cho rằng, bố mẹ không muốn giúp đỡ con cháu. 
 
Sau khi sống riêng, con dâu sinh con, anh chị tôi đến hỗ trợ một tháng ở cữ rồi bảo các con phải tự lo. Anh chị cũng nói luôn rằng không có chuyện ông bà trông cháu sau này, việc đó hai vợ chồng cũng phải lo liệu. Nếu quá khó khăn về kinh tế, bố mẹ hỗ trợ cho một phần, nhưng cũng giới hạn trong một thời gian nhất định. Một lần nữa, anh chị tôi lại khiến các cháu tôi bất ngờ. 
 
Trong khi vợ chồng con trai vất vả tự xoay xở lo cho cuộc sống của mình: chăm sóc con nhỏ, công việc làm ăn, thì anh chị tôi sống nhàn nhã. Họ dành thời gian đi du lịch, tham gia nhiều hội nhóm dành cho người cao tuổi nên sống rất yêu đời, vui vẻ. Dù các con hờn trách, anh chị em trong gia đình góp ý nhưng họ vẫn không thay đổi lối sống của mình. Không biết có phải nhờ cuộc sống an nhàn “vô lo vô nghĩ” ấy mà anh chị tôi sống khỏe mạnh, không ốm đau bệnh tật vào viện liên tục giống những người già khác.
 
 Một lần, vào thăm người chị dâu nằm viện, anh chị tôi bảo đây là hậu quả của việc bố mẹ già quá ôm đồm, lo lắng cho cuộc sống riêng của con cháu. Nói đến đây, bà chị dâu cũng thừa nhận cuộc sống già của mình quá vất vả. Do sống chung với vợ chồng con trai cả nên bà phải xắn tay vào hỗ trợ chúng.
 
Hai vợ chồng con trai bận làm ăn, đi sớm về muộn, sinh ba đứa con đều phó mặc cho mẹ già. Một tay bà quán xuyến việc ăn uống, chăm sóc, đưa đón các cháu từ nhỏ đến lớn. Tuổi ngày một cao nhưng bà vẫn phải cố gắng lo cho cháu. Đôi lần góp ý, vợ chồng con trai đều bảo vì mưu sinh nên mới như thế. Bao nhiêu năm nay, chúng cứ vô tư “bóc lột” sức lao động của bà, bà hiếm khi có thời gian nghỉ ngơi.
 
Bữa đó, bà bảo với mấy chị em tôi rằng: “Nói ra thì mọi người chê cười chứ tôi thấy thời gian ốm nằm viện là “sướng” nhất, được nghỉ ngơi thoải mái, được con cháu chăm sóc…”. Nhưng sự quan tâm đó chỉ trong vài ngày đầu, bà nằm viện lâu ngày trở thành gánh nặng đối với con cái vì chúng không thể bỏ việc làm ăn để chăm sóc mẹ, lại không có người chăm sóc con nhỏ ở nhà.
 
Chúng cũng kêu khó khăn kinh tế khi thuê người chăm sóc bà. Những ngày ốm đau, bà chỉ muốn nhanh chóng về với tổ tiên để đỡ khổ mình, khổ con. 
 
Anh chị tôi bảo đó là bi kịch khi người già chưa chủ động cuộc sống của mình. Vì vậy, họ đã tránh bi kịch đó bằng việc không sống chung cùng con. Sống riêng vừa giúp con cái tự lập, lo cho gia đình mình, vừa giúp họ tránh được gánh nặng cho chúng. 
 
 
Nguyễn Thị Trà

Tin cùng chuyên mục

Mâm cơm đãi khách

Mâm cơm đãi khách

(PNTĐ) - Những mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu đôi khi không đến từ chuyện lớn, mà chỉ là cách lau nhà, nêm nếm món ăn hay một câu nói vô tình. Nhưng rồi, chính một bữa cơm lại có thể giúp mọi người nhìn nhau bằng ánh mắt khác.
Cháu mới là người có lỗi

Cháu mới là người có lỗi

(PNTĐ) - Vào bữa cơm, bà nội vô tình đánh rơi bát, cơm vương vãi khắp bàn. Minh trước khi đứng lên lấy khăn lau bàn đã kịp trách bà: “Trời ơi, bà làm sao vậy, đổ hết rồi”.
Nhà vắng người giúp việc

Nhà vắng người giúp việc

(PNTĐ) - Mấy hôm nay, Mai mong cô giúp việc như mong mẹ về chợ. Vậy mà tối nay cô giúp việc lại nhắn tin báo: “Tôi xin phép lên muộn thêm mấy ngày nữa vì ở quê chưa xong việc nhà, cô thông cảm nhé”.
Khi công nghệ số “thắp lửa” hạnh phúc gia đình

Khi công nghệ số “thắp lửa” hạnh phúc gia đình

(PNTĐ) - Những màn hình cảm ứng, mã QR, ứng dụng điện tử hay những “tin thật - tin giả” trở thành chủ đề hàng ngày trong các gia đình ở Hà Nội. Từ phong trào “Bình dân học vụ số”, điện thoại không đơn thuần chỉ là để chụp ảnh, gọi điện, mà còn mở ra một không gian, nơi các thế hệ trong gia đình xóa dần khoảng cách, cùng nhau bước trên nhịp cầu số hóa.