Hãy tin cuộc sống còn những điều kỳ diệu

Chia sẻ

PNTĐ-Chị đến gặp chuyên viên tư vấn tâm lý bởi lo lắng, không biết có cách nào để rời xa một người đàn ông mà theo chị là “quá tốt”.

 
Người phụ nữ ấy đến văn phòng tư vấn bằng xe ôm, bởi chị là một người khiếm thị. Quê chị ở Thanh Hóa, năm nay 35 tuổi, đã có một đời chồng và một đứa con đến nay đã lớn, nhưng vợ chồng chị đã ly dị từ khi đứa con mới 8 tháng tuổi. Chị ra Hà Nội làm nghề mát xa, tẩm quất để kiếm sống, đến nay đã 4 năm. Chị đến gặp chuyên viên tư vấn tâm lý bởi lo lắng, không biết có cách nào để rời xa một người đàn ông mà theo chị là “quá tốt”.
 
Hãy tin cuộc sống còn những điều kỳ diệu - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Chị bị mù bẩm sinh, nhưng do hình thức khá nên năm 19 tuổi chị lấy được chồng, là một thanh niên cùng làng, mắt sáng bình thường. Lấy nhau được vài ngày, chị bắt đầu bị gia đình chồng o ép, xúc phạm, chửi bới, đánh đập vì chị chẳng biết làm ăn gì. Khi chị sinh đứa con được 8 tháng, không chịu nổi cảnh con gái bị bạo lực, bố mẹ chị đã đến đón chị về nhà và không mang theo đứa con. Vì theo bố mẹ chị nói: “Nhà nó ác, nên cái “giống ấy” sinh ra cũng chẳng tử tế gì, có mang theo cũng nuôi báo cô, sau này có khi còn mang họa vào thân”. Thế là chị ra đi tay trắng mất chồng mất con, sống nhờ bố mẹ đẻ. 
 
Năm sau, chị được một người quen giới thiệu, chị lên thành phố học nghề xoa bóp, bấm huyệt và sau đó sống bằng cái nghề đó cho đến bây giờ. Cách đây bốn năm, chị theo một người bạn cùng sinh hoạt trong câu lạc bộ người khiếm thị ở Hà Nội, cũng sinh sống bằng nghề xoa bóp, bấm huyệt.
 
Ở cái tuổi 35, lại bị quá khứ tồi tệ ám ảnh, chị xác định bây giờ còn khỏe, tranh thủ đi kiếm sống và mong có tiền dư giả để sau này dưỡng già, chứ không mong mình có cuộc sống hạnh phúc gia đình nữa. Tuy nhiên, cái nghề của chị cũng không dễ kiếm ăn, bởi khá nhiều người không phải là người mù, nhưng vẫn mở các cơ sở “Xoa bóp bấm huyệt người mù” để hành nghề.
 
Đặc biệt, ngoài xoa bóp, bấm huyệt, họ còn có những chiêu chiều khách, nên khách hàng “không nghiêm chỉnh” thường hút hết về đó. Chị chỉ còn phục vụ được những ông bà già, đau lưng, mỏi khớp, mới ra viện sau tai biến, nên cũng có ngày không có khách. Đã lớn tuổi, chị không muốn ăn ở vật vạ nơi làm việc, tức là căn phòng được chủ thuê làm cơ sở hành nghề nên đã thuê một căn buồng nhỏ, giá rẻ để ở.
 
Chị kể rằng không ngại cuộc sống vất vả, điều kiện làm việc khó khăn. Chị ngại nhất là chuyện tình cảm của một người đàn ông xa lạ giành cho mình hơn một năm rưỡi nay. Tháng Hai năm 2018, có một tốp thợ xây thuê căn phòng cạnh phòng ở của chị để xây nhà cho gia đình hàng xóm. Buổi tối, sau giờ làm việc, chị về phòng mình lủi thủi dọn dẹp, nấu ăn. Muộn một chút, chị nằm trong phòng tối (vì chị là người mù, nên có đèn hay không cũng không quan trọng) nghe các anh thợ xây nói chuyện và nghêu ngoao hát, cũng đỡ buồn. 
 
Rồi một hôm, một anh thợ xây đã sang phòng chị chơi. Vừa bước vào, anh kêu sao không bật đèn sáng mà để tối om om thế này. Chị luống cuồng ngồi dậy, xin lỗi rằng chị không cần ánh sáng có thể làm mọi thứ nhờ linh giác, nhờ thói quen. Đến lúc đó, người đàn ông mới biết rằng cô hàng xóm của mình bị mù. Anh lặng đi giây lát, rồi hỏi han cuộc sống, hoàn cảnh gia đình, công việc, thu nhập, quê quán… của chị. Trong cuộc đời của mình, chị nói chưa bao giờ có ai hỏi han, quan tâm chân thành và lắng nghe chăm chú như anh ấy, nên chị đã “dốc bầu tâm sự” suốt buổi tối hôm ấy. Anh ấy lắng nghe chuyện đời của chị suốt mấy tiếng đồng hồ, chỉ thỉnh thoảng kèm một câu “khổ thân”, “tội nghiệp”, “em vất vả quá”…
 
Tối hôm sau, anh sang phòng chị tự nhiên hơn, nói to, rõ ràng rằng anh sẽ lắp bóng đèn cho sáng sủa căn phòng. Anh còn mua cho chị nhiều đồ dùng hàng ngày như cái nồi cơm điện nhỏ, cái ấm đun nước siêu tốc, bộ bát đũa mới, cái bình đựng nước lọc và mấy cái cốc nhựa, đôi dép đi trong nhà, hai cái khăn mặt, hộp kem đánh răng, xà phòng, nước gội đầu, dầu rửa bát…Anh nói: “Em khổ quá, anh thấy thương, anh mua tặng em, đừng ngại gì. Dù em thế nào cũng là phụ nữ, phải sống cho đàng hoàng, không được tạm bợ”. Chị kiên quyết gửi lại tiền, anh nằng nặc từ chối với lý do: “Anh tự mua chứ em có nhờ đâu mà anh lấy tiền của em”. 
 
Đêm ấy chị không ngủ được vì vui, nhưng chị cũng bắt đầu lo sợ. Cuộc sống tự lập, tự bươn chải trong nhiều môi trường phức tạp đã dạy chị tinh thần “cảnh giác”. Chị đã gặp những người đàn ông cho chị vài trăm, rồi đòi hỏi chị “xoa bóp sao cho anh thấy thích”. Cũng có người già rồi, vừa mới ốm dậy, vậy mà khi chị xoa bóp, bấm huyệt cho ông ấy, bỗng ông ấy ngồi chồm dậy, ôm ghì lấy chị nói rằng “chiều ông, ông sẽ bồi dưỡng nhiều tiền”.
 
Những ngày sau, đôi ba hôm người thợ xây lại sang chơi. Hôm thì anh cho chị gói ô mai, khi thì mấy quả ổi quê, mấy củ lạc luộc, cái nem chua. Chị rất cảm động, chỉ biết nói “anh tốt với em quá”, “em cảm ơn”. 
 
Được hai tháng thì tốp thợ chuyển đi nơi khác vì công trình đã xong. Anh sang phòng chị chơi, thông báo rằng ngày mai sẽ đi làm xa, nhưng sẽ thỉnh thoảng thăm chị. Anh dặn dò chị cẩn thận, giữ gìn sức khỏe, hãy sống tử tế, tin ở cuộc sống còn nhiều điều tốt đẹp. Hôm ấy, anh cũng kể về cuộc sống gia đình mình. Anh có vợ và hai cô con gái, đang sống ở quê, cách Hà Nội gần 100 cây số. Anh đi làm để có tiền lo cho con ăn học, để sau này các cháu không vất vả như bố mẹ nữa. 
 
Cứ nghĩ anh động viên vậy thôi, chứ chị cũng chẳng dám mong anh thỉnh thoảng thăm chị, vì chị có là gì của anh ấy đâu. Anh ấy chỉ là người tốt bụng, thương người, thấy người tàn tật thì giúp đỡ, vậy thôi. Nhưng không, suốt từ năm ngoái đến nay, năm rưỡi rồi mà anh vẫn đều đặn thăm chị, khi thì hai tuần, khi thì tháng một lần. Lần nào anh cũng cho chị quà, mua sắm một số đồ dùng trong nhà nếu thấy thiếu thốn, cũng ngồi trò chuyện với chị rất lâu, hỏi han, căn dặn chu đáo, tận tình, rồi anh lại đi…
 
Chị bảo, giá anh ấy nói thích chị, yêu chị, gạ gẫm thì chị chẳng băn khoăn. Nếu anh ấy giả vờ “mèo vờn chuột” thì cũng chỉ một thời gian ngắn, chứ ai “vờn” hơn năm nay? Chị cũng bảo, chị không đáng để anh bỏ gia đình, vợ con để đến với chị. Còn thương hại ư, sao mà thương lâu vậy? Bây giờ chị cảm thấy rất khó xử. Không lẽ lại nhắc rằng “anh đừng thương em nữa?”, còn trốn tránh thì chị mù lòa, biết đi đâu? À mà sao lại phải trốn, trốn cái gì cơ chứ? Không lẽ trốn người tốt? Cuối cùng thì anh chăm sóc chị, lo cho chị, giúp đỡ chị là vì điều gì?
 
Chuyện không phức tạp, không gay cấn, không cấp tốc, gấp gáp, phải giải quyết nhanh. Chuyên viên tư vấn hỏi người phụ nữ: “Em có biết, có những người đàn ông, phụ nữ phương Tây, không quá giàu có, không quá rảnh rỗi. Nhưng mỗi năm họ đi đến một đất nước khác nhau, tìm những cảnh đời khó khăn, như thăm trại trẻ mồ côi, nơi nuôi dưỡng người già cô đơn… để trò chuyện, cho tiền, cho quà, còn làm các công việc như phục vụ người ốm, dọn vườn, giặt đồ… như một nhân viên phục vụ thực sự. Theo em, họ làm những việc ấy để làm gì? Có phải họ rảnh rỗi sinh nông nổi, giàu quá hóa rồ?”. Trầm ngâm, nghĩ ngợi mãi, người phụ nữ thú nhận là không biết, không hiểu. Chị đoán là những người đó “có căn, có cốt”, trời phật bắt phải đi làm từ thiện.
 
Chuyên viên tư vấn mới nói rằng, thật ra nhu cầu của con người rất đa dạng. Chia sẻ với người khác để thấy lòng thanh thản, để thấy cuộc đời mình còn nhiều may mắn hơn người kém may mắn hơn mình… cũng là một nhu cầu tâm lý của nhiều người.
 
Tiếc rằng, với nhiều người, việc tốt với ai quá mà không đòi hỏi gì cũng là chuyện lạ, nên nảy sinh nghi ngờ. Có thể anh thợ xây thấy hoàn cảnh của người phụ nữ khiếm thị kém may mắn, nảy sinh lòng thương và mong muốn phần nào giúp đỡ, xoa dịu nỗi buồn, mang lại chút niềm vui cho người đó, cũng là để lòng mình thanh thản. Không ít người cung tiến nhiều tiền bạc vào các nhà chùa, thì anh ấy chọn cách “cứu một người phúc đẳng hà sa”, làm từ thiện trực tiếp. Từ thiện không chỉ là vật chất, tiền bạc, mà còn “từ thiện tình yêu thương” nữa. 
 
Cuộc sống còn bộn bề khó khăn, đâu đâu cũng thấy những người tham lam, sân hận, vi phạm đạo đức, pháp luật, khiến chúng ta không nhận ra rằng cuộc đời vẫn còn những tấm lòng lương thiện, vô tư, giúp người không vụ lợi. Hãy sống bình thản, tin tưởng ở sự thiện lành, ở con người, rồi chính mình hãy lan tỏa tình yêu thương ấy cho những người khác. Được như vậy, cuộc đời này đáng sống biết bao nhiêu, đẹp biết bao nhiêu…
 
 
Chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn

Tin cùng chuyên mục

Về già nhờ con, sao khó thế?

Về già nhờ con, sao khó thế?

(PNTĐ) - Đắn đo mãi, bà mới dám gọi điện cho con gái. Biết là giờ này con đang ở cơ quan nhưng, việc chẳng đừng được. Ngày mai thứ 7 rồi, bệnh viện nghỉ nên chỉ còn hôm nay để bà đi khám bệnh.
Có nhiều cách để ta yêu đời

Có nhiều cách để ta yêu đời

(PNTĐ) - Một cặp vợ chồng hay xảy ra mâu thuẫn, người vợ tâm sự với Tâm Giao: “Chồng em chán lắm, không tâm lý, vô tâm, khô như ngói”. Nhưng khi Tâm Giao hỏi chuyện, người chồng lại than thở: “Vợ tôi có để chồng con chăm sóc mình đâu mà trách cứ”.